Tăng cường phối hợp trong công tác thi hành án dân sự

(PLVN) -Trong những năm gần đây, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, kết quả thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, với số lượng việc thi hành án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới cách thức để nâng cao hiệu quả phối hợp trong THADS.
Tăng cường phối hợp trong công tác thi hành án dân sự

Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS phải tiến hành nhiều khâu, nhiều thủ tục do đó đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trước yêu cầu thực tế đó, đến nay, các địa phương đều đã xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Nhìn chung việc triển khai quy chế phối hợp đã mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành án, giải quyết được nhiều vụ việc thi hành án tồn đọng và phức tạp. Việc phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp mới nảy sinh được liên ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ. Các vụ có kê biên cưỡng chế được đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra sai phạm gì, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn còn một số tồn tại do số lượng các việc thi hành án gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi lực lượng Chấp hành viên còn mỏng gây áp lực đến tiến độ tổ chức thi hành; chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan nhà nước không chịu thi hành án; bất cập về quy định của pháp luật về xử lý hậu quả của các vụ việc sau cưỡng chế thi hành án; có nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu, việc chuyển giao một số bản án, quyết định cho cơ quan THADS còn chậm…

Về nguyên nhân chủ quan, do nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, chưa thường xuyên. Trong từng vụ việc cụ thể, cán bộ có trách nhiệm về giải quyết vụ án, tổ chức thi hành án còn chủ quan chưa nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật về thi hành án nên để xảy ra những thiếu sót trong việc chuyển giao bản án, quyết định, trong việc chậm yêu cầu giải thích bản án…

Để hoạt động công tác THADS đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy Đảng và UBND các cấp, các ban ngành địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS  để giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… trong việc phối hợp cung cấp thông tin xác minh, vận động người phải thi hành án thực thi nghĩa vụ. Qua đó góp phần hạn chế chi phí tổ chức cưỡng chế và ngăn ngừa việc khiếu nại và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. 

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong THADS, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Đối với những Quy chế phối hợp được ký kết dựa trên các quy định của Luật THADS năm 2008 thì cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp mới để đảm bảo phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn công tác. Cần đẩy nhanh công tác xây dựng thể chế, nhất là các nội dung liên quan đến THADS để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao tính khả thi của các bản án, quyết định. Cần quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan hữu quan với Cơ quan THADS.

Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật THADS năm 2014 và các văn bản liên quan đến công tác THADS đến các cấp, các ngành và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi pháp luật nói chung và công tác THADS nói riêng. Đặc biệt đối với công tác phối hợp, nếu ngành nào thực hiện chưa tốt, chưa đúng quy định pháp luật thì Cơ quan THADS cần có các cuộc họp tổng kết công tác phối hợp từng năm để nêu lên những mặt đạt, chưa đạt trong công tác phối hợp của mỗi ngành và có những bài học kinh nghiệm rút ra cho những năm tiếp theo, để công tác phối hợp đạt kết quả cao hơn, đẩy nhanh tiến độ chất lượng, kết quả giải quyết các vụ việc thi hành án trên địa bàn.

Đồng thời cần nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo THADS các cấp để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp THADS. Ban Chỉ đạo THADS cần có biện pháp đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức không thực hiện việc phối hợp trong công tác THADS. 

Đọc thêm