Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

(PLO) - Do có những rào cản khi giao tiếp, khó khăn trong thiết lập các quan hệ xã hội, nhất là khi tham gia tố tụng nên người khuyết tật luôn phải chịu những thiệt thòi nhất định. Bởi vậy, nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý (TGPL), trong đó chủ yếu là tư vấn pháp luật và cử người tham gia tố tụng của nhóm đối tượng này ngày càng lớn.
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở Quảng Bình.  (Ảnh minh họa)
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở Quảng Bình. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nước ta đang có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội và TGPL, trong đó có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật cần được TGPL. Đây là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội bởi họ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các quan hệ xã hội và giao dịch dân sự, nhất là khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính… Có thể thấy nhu cầu cần được TGPL của người khuyết tật là rất lớn nên cần có giải pháp, quy định cụ thể về đối tượng để trợ giúp, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm phát triển an sinh xã hội một cách bền vững.

Thời gian qua, các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL cho hơn 1.000 người khuyết tật dưới nhiều hình thức đa dạng như tư vấn pháp luật, cử luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cơ quan tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... Bên cạnh đó, hàng nghìn người khuyết tật đã được phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động TGPL về cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp đã phối hợp để xây dựng kế hoạch TGPL cho người khuyết tật. Cùng với đó, một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách pháp lý cho người khuyết tật tại địa phương như An Giang, Đắk Nông, Hải Dương, Phú Yên, Quảng Ngãi…

Tuy nhiên, thực tế hoạt động TGPL cho người khuyết tật mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho một số lượng người rất hạn chế, còn rất nhiều người khuyết tật chưa được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, TGPL. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do những rào cản trong giao tiếp, do nhân lực và nguồn lực dành cho công tác TGPL còn hạn hẹp, các vụ việc còn thiếu sự liên kết, phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức của người khuyết tật, các hiệp hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật trong việc tìm hiểu nhu cầu và TGPL cho họ khi cần thiết. Do khó khăn về nguồn kinh phí nên hoạt động TGPL cho người khuyết tật ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa chuyên sâu, chủ yếu được lồng ghép thực hiện trong các chương trình khác nên tính hiệu quả không cao.

Do vậy, để công tác TGPL cho người khuyết tật thời gian tới được chú trọng và đạt hiệu quả hơn, cần kịp thời ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật TGPL đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Nghị định cần quy định rõ những người nêu tại Điều 7 được TGPL bao gồm: Người cao tuổi có khó khăn về tài chính là “người cao tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc đủ điều kiện được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội”; bổ sung thêm nhóm “người từ 16 đến 22 tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học”; bổ sung thêm nhóm “người dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, hỏa hoạn” bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần được TGPL.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông về TGPL; tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trợ giúp xã hội, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện TGPL; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, TGPL cho người dân nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, các huyện nghèo. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn theo Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tập trung thực hiện vụ việc TGPL đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hy vọng thời gian tới, với sự quan tâm và đổi mới về nội dung, hình thức TGPL, người khuyết tật sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với các chính sách, quy định pháp luật của cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi giúp họ hòa nhập với cộng đồng cũng như đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của xã hội. 

Đọc thêm