Thi hành án dân sự góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội

(PLVN) - Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cuong hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

THADS là công đoạn cuối của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Thời gian qua, công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó tạo sự ổn định và phát triển bền vững trên tất cả các hoạt động.

Các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án được hoàn thiện theo các yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống THADS được kiện toàn, củng cố, ngày càng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp; vị thế của các cơ quan THADS ngày càng được nâng cao.

Một cuộc cưỡng chế thi hành án tại Bạc Liêu (Ảnh: Tấn Đạt).
 Một cuộc cưỡng chế thi hành án tại Bạc Liêu (Ảnh: Tấn Đạt).

Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động THADS được quan tâm, tăng cường đáng kể; trụ sở, điều kiện, trang thiết bị làm việc được nâng cấp và bảo đảm tốt hơn cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, cũng có những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn như: Sổ lượng vụ việc THADS tiếp tục tăng cao, khó giải quyết kết thúc vụ việc, là thách thức lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn thấp so với yêu cầu; việc cưỡng chế, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, nhiều vụ việc không có người đăng ký mua (có vụ việc đã giảm giá nhiều lần); cũng tạo áp lực cho các cơ quan THADS, Chấp hành viên. Bởi vậy, đội ngũ công chức làm công tác THADS thưởng quá tải, có một số cán bộ, công chức chưa an tâm công tác.

Trong hoạt động thực tiễn, công tác THADS cũng có nhiều khó khăn cả về cơ chế pháp lý, xử lý khiếu nại tố cáo đến những hoạt động tác nghiệp cụ thể, trong khi nhiều người phải thi hành án chây ỳ, chống đối, nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác THADS còn hạn chế… đã tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của các cơ quan THADS.

Vì vậy, công tác THADS cần tiếp tục có cơ chế, thể chế quy định cụ thể rõ ràng, vì trực tiếp giải quyết đến quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự. Tránh việc quy định chung chung khi có vụ việc bị khiếu nại, tố cáo trong giải quyết vụ việc các ngành có quan điểm khác nhau, thậm chí làm cho vụ việc phức tạp thêm; tác nghiệp của công tác giải quyết án rất cần sự phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan, tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức làm công tác THADS hoàn thành nhiệm vụ.

Theo nhiều ý kiến lãnh đạo cơ quan THADS, muốn làm tốt công tác THADS thời gian tới, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế quy định việc đăng ký, quản lý sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân, được công khai minh bạch theo luật định./.

Đọc thêm