Tiếp tục vận dụng sáng tạo hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(PLVN) -Ngày 30/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Tại Hội thảo, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu khai mạc. Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo

Thưa đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, 

Thưa đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo. 

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Ban tổ chức Hội thảo xin trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí, các quý vị đại biểu và các nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. 

Thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu, 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một bộ phận rất quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là kết quả của một quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về chủ quyền của nhân dân, về quyền lực nhà nước của nhân dân, về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ và Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Người làm trưởng ban. Trong Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” Đến năm 1949, trong bài báo “Dân vận”, Người lại tiếp tục chỉ rõ: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến trung ương đều do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến trung ương đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Người luôn mong muốn xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Trong việc tổ chức quyền lực nhà nước có sự phân công khá rạch ròi giữa lập pháp (Nghị viện), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án), đồng thời có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan này. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tổ chức và kiểm soát quyền lực để chống sự tha hóa và lạm dụng quyền lực, Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết cụ thể từng nghị quyết có được thi hành hay không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết.” Người đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Về hệ thống pháp luật dân chủ, hiện đại với những giá trị dân quyền, nhân văn, công bằng, chính nghĩa dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật, Người nói “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, yêu cầu thay đổi chế độ ra các sắc lệnh bằng các chế độ ra các đạo luật. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong quản trị quốc gia. Chính Người bằng lòng yêu nước nồng nàn, thương dân vô hạn, bằng sự thông tuệ của con người đại trí, đại nhân và đại dũng đã dày công suy nghĩ, tìm tòi và lựa chọn mô hình nhà nước pháp luật kiểu mới, phù hợp với đặc điểm văn hóa dân tộc và thực tiễn Việt Nam. Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ hôm nay di sản tư tưởng vô giá về Nhà nước và pháp luật, là nền tảng lý luận cho quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước, pháp luật Việt Nam. Qua các thời kỳ cách mạng cho đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng con đường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống pháp luật của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta. 

Trong 75 năm qua, đặc biệt trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch hơn. Với bản Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, các đạo luật mang tính rường cột của nước nhà, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính và các đạo luật quan trọng khác, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu lập pháp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được. Mặc dù vậy, tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí cần có những bước phát triển vững chắc hơn nữa. 

Chính vì vậy, hôm nay, tôi hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức Hội thảo quan trọng này nhằm tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa, khẳng định giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, đánh giá đúng thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của đất nước.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của các ban, bộ, ngành trung ương, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cộng đồng các nhà luật học, chính trị học, sử học với tổng cộng gần 50 chuyên đề, bài tham luận. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, Ban Tổ chức xin phép lựa chọn một số chuyên đề để trình bày tại Hội thảo ngày hôm nay. Các chuyên đề sẽ được in trong kỷ yếu của Hội thảo. Mong các tác giả thông cảm.

Thưa các đồng chí, các quý vị,

Để cuộc Hội thảo của chúng ta thu được kết quả như mong đợi, tôi xin gợi ý một số nội dung cần tập trung trao đổi, thảo luận như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phân tích, làm rõ và sâu sắc hơn về nguồn gốc hình thành, những đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; những nét đặc sắc trong tư tưởng của Bác về Nhà nước và pháp luật. 

Thứ hai, thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam trong 75 năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới, những thành tựu cơ bản, những bất cập, hạn chế, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta.

Thứ ba, trong thời gian tới, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục vận dụng sáng tạo hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045. 

Có thể nói đây là những vấn đề rất lớn, nội dung rất quan trọng, đòi hỏi trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các ban, bộ ngành, chính quyền các cấp. 

Thưa các đồng chí và các quý vị đại biểu,

Chúng ta tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” vào thời điểm rất có ý nghĩa khi cả nước đang tập trung chuẩn bị tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong dự thảo văn kiện của Đại hội đang đặt ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và hoàn thiện thể chế là khâu đột phá của quá trình phát triển. Việc tiếp tục kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa và giá trị thực tiễn rất lớn.          

Với tinh thần đó, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. 

Xin trân trọng cảm ơn./.

Đọc thêm