Xây dựng chiến lược phát triển tầm nhìn dài hạn cho Trường ĐH Luật Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

(PLVN) -Sáng 26/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” do Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì. 
Xây dựng chiến lược phát triển tầm nhìn dài hạn cho Trường ĐH Luật Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc. 

Quan tâm đầu tư về chất lượng

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, từ khi có Quyết định số 549/QĐ-TTg, hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm đầu tư về chủ trương, chính sách và tài chính từ Nhà nước cho các lĩnh vực hoạt động của hai Trường, giúp hai Trường luôn thuộc những cơ sở giáo dục luật chất lượng hàng đầu cả nước, bước đầu đạt được những mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. 

Tổ chức bộ máy của hai Trường được kiện toàn, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của Quyết định số 549/QĐ-TTg. Chất lượng nguồn nhân lực tăng lên rõ rệt, bên cạnh việc trẻ hoá đội ngũ và tăng khả năng hội nhập quốc tế, nguồn lực giảng viên tăng nhanh về học hàm học vị, tạo nên thế mạnh cạnh tranh của mỗi Trường. Quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được cải thiện, phát triển, có chiều sâu và định hình theo những chuẩn mực cụ thể. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo quốc tế đã trở nên chuyên nghiệp hơn, số lượng công trình khoa học, sản phẩm nghiên cứu có giá trị ngày càng tăng đáng kể, công trình công bố quốc tế cũng tăng theo thời gian. Chất lượng sinh viên ngày càng được đầu tư theo chuẩn mực chung của Nhà nước và một bộ phận sinh viên chất lượng cao, sinh viên chuyên ngành có năng lực hội nhập quốc tế góp phần tạo nên thương hiệu của Nhà trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học của hai Trường. 

Trong thời gian tới, để duy trì và giữ vững vị trí tiên phong, là cơ sở hàng đầu trong cả nước về đào tạo luật, hai Trường phải nâng cao chất lượng đào tạo xứng đáng là các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế; đạt mục tiêu có 3 – 4 chương trình đào tạo đạt trình độ tiên tiến khu vực; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng giảng viên; hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại; thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. 

Tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng

Tại Hội nghị, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh Trường tiếp tục duy trì vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo theo định hướng nghiên cứu về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam, không ngừng phát triển, đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo, phương thức đào tạo; đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng phục vụ cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu khoa học…

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh Vũ Văn Nhiêm đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu để giao cơ chế, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đẩy nhanh và mạnh việc xây dựng Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành hai trường trọng điểm quốc gia về đào tạo pháp luật ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Đồng thời sớm bổ sung Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là trường đại học đầu ngành đào tạo cán bộ về pháp luật ở phía Nam vào danh sách các đại học, học viện trọng điểm quốc gia…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, về cơ bản, trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến  mục tiêu khi xây dựng đề án cho giai đoạn mới cần lưu ý đến 03 vấn đề chính, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

 

Kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cơ bản tiếp cận được các nhiệm vụ, mục tiêu, từng bước phát triển thành hai cơ sở đào tạo luật hàng đầu ở Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị hai Trường tập trung vào đào tạo, nâng cao chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của học sinh, sinh viên và có số liệu cụ thể số lượng sinh viên ra trường làm đúng ngành, nghề; đa dạng hoá các loại hình đào tạo và hình thức đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo; đầu tư vào các phòng thí nghiệm, diễn đàn cho sinh viên. Bên cạnh đó, chú trọng đến việc phát triển số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng đề nghị cần khuyến khích các thầy, cô giáo chủ động, mạnh dạn tiếp cận thông tin, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế tiến đến ngang tầm các nước trong khu vực và từng bước tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Đối với báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, hai Trường phải xây dựng chiến lược dài hơi, có tầm nhìn; cung cấp thông tin cụ thể hơn đối với mỗi yêu cầu đặt ra… 

Đọc thêm