Từ phong trào bình dân học vụ đến đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả nước có 95% dân số bị mù chữ. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó có việc chống nạn mù chữ. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả nước có 95% dân số bị mù chữ. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó có việc chống nạn mù chữ. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Từ đó đến nay, ngày 8-9 trở thành ngày khai sinh ra hệ thống Giáo dục thường xuyên (GDTX) hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học buổi tối của bà con lao động Lương Yên, Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học buổi tối của bà con lao động Lương Yên, Hà Nội.

Cùng với cả nước, phong trào bình dân học vụ tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh. Phong trào "Đi học là yêu nước - Dạy học là yêu nước'', "Mỗi lớp học là một tổ tuyên truyền kháng chiến'', "Tiền tuyến diệt giặc xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt'', "Chống nạn mù chữ đi đôi với sản xuất tăng gia''… bước đầu đã động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Mọi người đều nô nức đi học các lớp xóa mù chữ, người biết chữ dạy người không biết chữ. Chỉ trong 3 tháng, toàn tỉnh đã xác nhận xóa mù chữ cho hàng nghìn học viên khóa đầu của tỉnh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giáo dục Nam Định đã có nhiều giáo viên và học sinh lớn tham gia tự vệ thành, vệ quốc đoàn, gan dạ chiến đấu trên từng đường phố quê hương, nhiều lớp học đến nơi tản cư tại nông thôn và tiếp tục mở thêm lớp dạy cho con em và người dân trong vùng. Trong thập kỷ 60, 70, với nhiệm vụ tiếp tục phát triển quy mô và chất lượng giáo dục đồng đều, các ngành học, bậc học, vùng miền, đã xuất hiện điển hình tiên tiến của ngọn cờ bổ túc văn hóa Yên Cường (Ý Yên). Để xóa mù chữ, song song với giáo dục chính quy, bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào bổ túc văn hóa được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. Theo kinh nghiệm lá cờ đầu Yên Cường trong việc vận động nhân dân đi học có hiệu quả, các xã trong tỉnh đều bố trí giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa. Học viên được bồi dưỡng về văn hóa và kiến thức sản xuất, trở về làm phong trào ở thôn xã, dạy chữ và kiến thức cho nhân dân để góp phần vào việc nâng cao dân trí và tăng gia sản xuất. Thời kỳ này đã xuất hiện thêm nhiều điển hình bổ túc văn hóa ở xã Yên Bình (Ý Yên), Liên Minh (Vụ Bản), Nam Hải (Nam Trực), Hải Cường, Hải Châu (Hải Hậu)… với hàng chục nghìn người biết chữ gắn với việc tăng gia sản xuất giỏi tại địa phương.

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ bổ túc văn hóa, hệ thống trung tâm GDTX, hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh được thành lập, củng cố và đi vào hoạt động ổn định, tạo cơ hội cho mọi người được đi học. Từ năm 1999, tỉnh ta đã là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 10-2001, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tạo nền móng cho công tác phổ cập bậc trung học trong thời gian sắp tới. Các trung tâm GDTX đã góp phần tích cực trong công tác xóa mù chữ và các lớp bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, dạy nghề, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của  Nhà nước, truyền thông giáo dục dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tai tệ nạn xã hội, nâng cao dân trí, phổ biến khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được trên 8000 học viên theo học bổ túc THCS, trong đó đã có gần 4000 học viên được xét tốt nghiệp bổ túc THCS. Trung bình mỗi năm có trên 11 nghìn học viên theo học bổ túc THPT và trong 4 năm học vừa qua đã có trên 16 nghìn học viên đỗ tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu của người lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, hình thức vừa học văn hóa vừa học nghề được phát triển mạnh. Trong 4 năm qua, trên địa bàn tỉnh, các trường trung cấp chuyên nghiệp, một số trung tâm dạy nghề cấp huyện đã liên kết với các trung tâm GDTX  tuyển được khoảng 4000 học viên vào học. Việc phát triển bổ túc THCS, THPT và phát triển hình thức vừa học văn hóa vừa học nghề trong những năm qua đã góp phần thực hiện Đề án phổ cập giáo dục bậc trung học giai đoạn 2006-2010 của tỉnh, nâng tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 THPT. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong tỉnh là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo từng năm cho toàn tỉnh và cho từng đơn vị có chức năng đào tạo. Riêng năm 2008, chỉ tiêu đào tạo các  trình độ so với năm 2006 đạt 149,4%, trong đó chỉ tiêu đào tạo hệ đại học đạt 116,4%, hệ cao đẳng đạt 154,2%, hệ trung cấp đạt 136,7%, đào tạo nghề đạt 136,5%. Đặc biệt, trong 4 năm vừa qua, số lượng và chất lượng học sinh tỉnh ta thi đỗ vào  các trường đại học luôn đứng ở tốp 10 trong toàn quốc, trong đó năm 2009 và 2010 đã xếp thứ nhất toàn quốc. Riêng các trường đào tạo trong tỉnh, 4 năm gần đây, mỗi năm có từ 50 nghìn đến 60 nghìn sinh viên, học sinh theo học. Các cơ sở đào tạo nghề đào tạo cho hàng chục nghìn học sinh, trong đó phần lớn theo học các lớp nghề ngắn hạn để có việc làm ngay. Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tỉnh ta đã đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho hàng nghìn cán bộ từ cấp tỉnh đến các thôn, xóm. Với hình thức đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm tăng khoảng 1000 học viên theo học, trong đó có khoảng 2 nghìn người theo học các lớp đại học, trên 4000 người theo học các lớp cao đẳng, trên 5000  người theo học các lớp trung cấp chuyên nghiệp. Tại các trung tâm tin học, ngoại ngữ, các trung tâm GDTX mỗi năm có hàng nghìn người đến học và thi cấp chứng chỉ. Ở nhiều trung tâm học tập cộng đồng, hiệu quả của các lớp dạy nghề đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho mỗi lao động nông thôn từ 500 nghìn lên 700 nghìn đồng mỗi tháng. Riêng tại huyện Hải Hậu, các lớp chuyên đề nghề nông, thủ công nghiệp, dịch vụ đã giải quyết việc làm cho hơn 6000 lao động, góp phần nâng thu nhập của người lao động lên 11 triệu đồng/năm. Trong 4 năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã huy động trung bình mỗi năm từ 30 nghìn đến 35 nghìn lượt người tham gia học chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng, huyện Trực Ninh, huyện Ý Yên mở được trên 10 nghìn lớp chuyên đề với trên dưới 50 nghìn lượt người đến học… Hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng "Gia đình hiếu học'', "Dòng họ khuyến học'', chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giữa các địa phương. Các trung tâm học tập cộng đồng cũng đã góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho những người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập tiểu học của các địa phương, nhất là các huyện ven biển.

Phát huy truyền thống phong trào bình dân học vụ, những năm qua đã tạo ra những cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục, xây dựng một xã hội học tập, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Hồng Minh

Đọc thêm