Từ Seoul nhìn về Việt Nam

(Đà Nẵng Xuân 2011) - Gần 2 tháng trước tôi lại có dịp thăm Seoul. Lần này tham dự hội nghị quốc tế về kinh tế châu Á, một cuộc hội thảo nằm trong nhiều chương trình chung quanh Hội nghị Thượng đỉnh G20 do Hàn Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm 2010. Lại một lần nữa tôi được chứng kiến thành quả phát triển vượt bậc xuất phát từ tinh thần dân tộc, từ nỗ lực của mọi tầng lớp để đưa đất nước lên hàng các quốc gia tiên tiến.
(Đà Nẵng Xuân 2011) - Gần 2 tháng trước tôi lại có dịp thăm Seoul. Lần này tham dự hội nghị quốc tế về kinh tế châu Á, một cuộc hội thảo nằm trong nhiều chương trình chung quanh Hội nghị Thượng đỉnh G20 do Hàn Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm 2010. Lại một lần nữa tôi được chứng kiến thành quả phát triển vượt bậc xuất phát từ tinh thần dân tộc, từ nỗ lực của mọi tầng lớp để đưa đất nước lên hàng các quốc gia tiên tiến.

Seoul về đêm.
Cho đến nay tôi chỉ có dịp thăm Hàn Quốc 3 lần, nhưng rất ngẫu  nhiên là lần nào cũng trùng hợp với các mốc phát triển đáng nhớ của nước này. Lần đầu vào mùa hè năm 1986 là năm Hàn Quốc chuyển từ nước nhập siêu sang nước xuất siêu tư bản. Trong quá trình phát triển từ thập niên 1960, Hàn Quốc phải vay vốn nước ngoài (chủ yếu là ODA và vay thương mại) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phát triển công nghiệp. Đầu thập niên 1980, Hàn Quốc là một trong 5 nước vay nợ nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên khác với các nước vay nợ khác, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, nhiều ngành công nghiệp cạnh tranh mạnh trên thế giới nên nước này chẳng những trả dần hết nợ mà còn trở thành nước cung cấp ODA và đầu tư ra nước ngoài từ giữa thập niên 1980. Lúc tôi ở thăm Seoul lần đó, một không khí phấn chấn tự tin tràn khắp thủ đô. Đặc biệt Thế vận hội Seoul dự định tổ chức vào năm 1988 nên người dân nô nức chuẩn bị sự kiện quan trọng mà họ rất hãnh diện vì là nước châu Á thứ hai (sau Nhật) được đăng cai tổ chức. Sau đó ít lâu, vào năm 1996, Hàn Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tư bản phát triển.

Lần thứ hai thăm Seoul vào cuối năm 2001, đúng lúc kinh tế Hàn Quốc đã thực sự hồi phục sau mấy năm suy thoái, khó khăn do cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á (1997-1998) gây ra. Cuộc khủng hoảng đó làm cho kinh tế Hàn Quốc suy sụp (GDP năm 1998 giảm gần 6%), nhiều công ty và ngân hàng thuộc các tập đoàn kinh tế (chaebol) bị phá sản, đặc biệt Chính phủ phải chấp nhận những điều kiện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để được vay 20 tỷ USD mới ổn định thị trường tiền tệ và giải quyết các thanh khoản quốc tế. Những điều kiện mà IMF đưa ra khi cho vay như buộc phải cắt giảm chi tiêu tài chính, tăng lãi suất, giảm tốc độ tăng trưởng, v.v… mà kết quả là IMF đã can thiệp vào chính sách kinh tế của Hàn Quốc đã làm tổn thương lòng tự hào dân tộc của nước này. Do đó, không khí chống IMF lan rộng trong dân chúng.
Sông Hàn, Seoul
Tuy nhiên, sự kiện này càng làm tăng tinh thần dân tộc vốn có của Hàn Quốc. Rất nhiều phụ nữ tự nguyện dâng tặng đồ trang sức bằng vàng, bạc và kim cương để Chính phủ đổi lấy ngoại tệ góp phần giảm số tiền cần thiết phải đi vay. Với sự đồng thuận cao của xã hội trước tình thế khó khăn, Chính phủ cũng đã thực hiện được các biện pháp mạnh như cho giải thể các tập đoàn hoạt động không hiệu quả và yểm trợ các tập đoàn có tiềm năng. Từ đó, kinh tế Hàn Quốc bước sang giai đoạn mới với nhiều công ty ngày càng chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới, như Samsung và LG trong lĩnh vực điện tử và Hyundai trong ngành xe hơi.

Từ lúc bắt đầu kế họach phát triển (năm 1962) của một trong những nước nghèo nhất thế giới đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến (1996), Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hàn Quốc là một trong số ít các nước đã không sa vào bẫy của nước “thu nhập trung bình” mà vượt lên thành nước có thu nhập cao.
Cũng từ đó ta thấy Hàn Quốc không ngừng vươn lên trên vũ đài kinh tế và chính trị thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới cuối năm 2008 làm suy sụp kinh tế nhiều nước tiên tiến nhưng Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhẹ hơn, nhất là các công ty điện tử và xe hơi tiếp tục tăng thị phần trên thế giới. Về TV màn hình tinh thể lỏng và điện thoại cầm tay chẳng hạn, cả Samsung và LG đều tăng thị phần trong năm 2009 so với năm 2008. Năm 2009, trong khi hầu hết các công ty xe hơi thế giới bị đình đốn, lượng xe bán ra giảm đến hơn 10% thì Hyundai tăng 13%, trở thành công ty xe hơi lớn thứ năm trên thế giới. Cả về văn hóa, qua phim ảnh, Hàn Quốc cũng ngày càng chiếm được sự quan tâm, mến mộ của thế giới, nhất là dân chúng tại các nước châu Á.

Hai tháng trước tôi thăm Seoul lần thứ ba, được chứng kiến khí thế tự tin, phấn chấn, và ý chí tiếp tục vươn lên của người Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên tổ chức tại một nước ngoài 8 nước lớn (G8) đối với Hàn Quốc có ý nghĩa lịch sử. Nhân dịp này Hàn Quốc vận động các tầng lớp dân chúng ý thức hơn nữa khả năng của dân tộc mình, quyết vươn lên ngang hàng các nước tiên tiến. Họ đưa ra các mục tiêu như “đồng hành cùng thế giới và trở thành quốc gia được thế giới kính trọng”, “tiến vào trung tâm của thế giới” (để trở thành quốc gia có ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế), v.v…
Hôm hội thảo về kinh tế châu Á, một dân biểu quốc hội cùng với thị trưởng thành phố Incheon, là thành phố diễn ra hội thảo và là nơi có sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất ở châu Á, đến đọc diễn văn khai mạc. Cả hai người nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng đặc biệt là nội dung rất khúc chiết, ấn tượng, cách diễn đạt nhiều chỗ dí dỏm nên cả hai bài diễn văn đều tương đối dài nhưng nghe không chán. Họ bàn đến tương lai của hợp tác và phát triển ở châu Á và phân tích vai trò của Hàn Quốc với những luận điểm rất được thuyết phục. Nội dung toát ra sự tự tin của Hàn Quốc nhưng người nước ngoài nghe vẫn đồng cảm được.

Từ lúc bắt đầu kế họach phát triển (năm 1962) của một trong những nước nghèo nhất thế giới đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến (1996), Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hàn Quốc là một trong số ít các nước đã không sa vào bẫy của nước thu nhập trung bình mà vượt lên thành nước có thu nhập cao.

Tại sao Hàn Quốc thành công? Khuôn khổ của bài báo không cho phép phân tích chi tiết. Ở đây chỉ nêu hai yếu tố tôi cho là quan trọng nhất.

Trung tâm thương mại thế giới Seoul. Ảnh: thegioihanquoc.com
Thứ nhất, ngay từ đầu đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần thiết phải phát triển, phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là theo kịp Nhật (nước láng giềng từng đô hộ mình). Để có sự đồng thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo chính trị là quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài (trước năm 1987), quyết tâm phát triển của lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược và chính sách do lớp kỹ trị xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng lực, người tài được trọng dụng. Họ có truyền thống chọn được nguời tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất, kể cả những đại học nổi tiếng của Mỹ và các nước khác. Quan chức Nhật Bản nổi tiếng là ưu tú và thanh liêm thế mà khi làm việc với người đồng nghiệp xứ Hàn, họ cũng phải thán phục năng lực, tinh thần trách nhiệm và ý thức về sứ mệnh đối với đất nước của quan chức Hàn Quốc.

Thứ hai, như một giáo sư Mỹ chuyên về Hàn Quốc đã nhận xét, Hàn Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập (industrialization on the basis of learning). Quả đúng như vậy nếu ta khảo sát nỗ lực của Chính phủ trong giáo dục, đào tạo, trong việc tạo ra cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, và nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình học hỏi nước ngoài. Tỷ trọng của ngân sách dành cho giáo dục tăng liên tục. Tỷ lệ học sinh cấp ba trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng từ 34% năm 1965 lên 56% năm 1975 và 91% năm 1984. Tỷ lệ sinh viên đại học trong thời gian đó là 6%, 10% và 26%. Đặc biệt giáo dục mở rộng quy mô nhanh chóng nhưng chất lượng cũng ngày càng tăng.

Hiện nay, tại Hàn Quốc có độ 9 vạn người Việt Nam, trong đó độ 3 vạn là phụ nữ sang lập gia đình ở xứ này, khoảng 6 vạn là lao động (theo dạng xuất khẩu) và vài ngàn sinh viên. Trên đường trở lại Tokyo, trong đầu tôi luôn đọng lại câu hỏi: Bao giờ Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc để sẽ không còn người Việt Nam sang xứ Hàn kết hôn hoặc lao động trong những lý do bất đắc dĩ? Nên nhớ là vào thập niên 1960, nhìn chung Việt Nam không kém Hàn Quốc về trình độ phát triển.
TRẦN VĂN THỌ

Đọc thêm