Từ sự thoái trào của một trào lưu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mukbang là một trào lưu làm clip về ăn uống, dùng hình ảnh (thức ăn ngồn ngộn) và âm thanh (tiếng thức ăn phát ra khi ăn ngấu nghiến) để thu hút khán giả. Trong vòng vài năm gần đây, mukbang trở nên rất phổ biến trong giới làm Youtube.

Tại nhiều nước trên thế giới, có cả trào lưu người trẻ bỏ việc để đi làm mukbang, bởi theo lý giải của họ, nghề này được rất nhiều, vừa được thoải mái ăn uống, được nổi tiếng và kiếm tiền rất dễ dàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tiết lộ của nhiều mukbang danh tiếng, thu nhập của họ phải lên đến con số hàng chục tỉ đồng mỗi tháng, đến từ tiền Youtube thanh toán và tiền nhận quảng cáo cho các nhãn hàng. Nhiều mukbang chỉ “làng nhàng”, thế nhưng cũng thu về vài chục, vài trăm triệu một tháng.

Tại Việt Nam, có thời điểm có thể thấy nhà nhà, người người làm mukbang. Đủ mọi món ăn, đủ mọi chủ đề được người quay clip khai thác triệt để nhằm “câu khách”. Có thể kể đến một số mukbang nổi tiếng với người xem trong nước như Quỳnh Trần JP, Bà Tân Vlog, Thánh ăn TV, Ninh Nito...

Thời gian đầu, đúng là mukbang đem đến cho người xem tính giải trí cao. Những bữa ăn ngồn ngộn với các món ăn ngon lành, hấp dẫn, âm thanh thu hút phát ra khi ăn cùng với số lượng thức ăn “khổng lồ” được nhồi nhét trong một lần ăn khiến khán giả vừa thấy lạ, vừa thấy thú vị. Nhưng rồi, càng về sau mukbang càng lộ ra những điều phản cảm, nhảm nhí cả ở giới mukbang trong nước lẫn trên toàn thế giới.

Tại Hàn Quốc, Trung Quốc, một số “thánh ăn” đã gây phản cảm với những màn ăn uống thiếu vệ sinh như nuốt sinh vật sống, đựng thức ăn trong giày dép, nuốt quả trứng sống rồi nhả rơi ra bàn rồi lại nuốt lại... Còn tại Việt Nam, cộng đồng mạng cũng chứng kiến không ít trò lố của các mukbang như vừa ăn vừa la hét, nhúng nguyên con gà còn sống chưa vặt lông vào nồi cháo gà...

Không chỉ gây “bức xúc” cho người xem bởi những trò ăn uống quái dị để “câu view”, giới mukbang còn huỷ hoại chính mình bởi thói ăn uống vô độ để phục vụ thị hiếu người xem. Cả trong nước và trên thế giới, người ta đã chứng kiến không ít mukbang béo phì, bệnh tật đầy người, thậm chí nhiều mukbang còn qua đời do tim mạch, đột quỵ và các bệnh hậu quả từ ăn uống vô độ.

Rõ ràng, mukbang chỉ là một trào lưu giải trí cho vui, mang lại nhiều hại hơn là lợi. Nó khiến giới trẻ lệch lạc trong tư duy về ẩm thực, ưa chuộng việc “ăn thùng uống vại” thiếu thẩm mỹ, cốt yếu thoả mãn dạ dày, không quan tâm đến sức khoẻ, đồng thời theo đuổi những trào lưu vô bổ.

May mắn là trong vòng nửa năm trở lại đây, mukbang bắt đầu thoái trào. Tại Hàn Quốc - nước khởi điểm của trào lưu mukbang, người ta đã chán ngán những video clip quay cảnh thức ăn ngồn ngộn chất đầy bàn, những cái miệng hau háu nuốt trọn thức ăn và những âm thanh thô lỗ phát ra khi ăn. Còn tại Trung Quốc, năm ngoái, chính quyền đã yêu cầu các nền tảng chia sẻ video nước này ngăn chặn và gỡ bỏ các video “ăn thùng uống vại”, kết thúc thời đại của các mukbang.

Tại Việt Nam, trào lưu này cũng đang dần tuột dốc bởi nhiều người trẻ đã nhận ra rằng điều đó chỉ mang tới sự lãng phí thực phẩm và có hại cho sức khỏe.

Ở Hàn Quốc đã có trào lưu mới mang tên sosik mukbang. Trào lưu này cũng là quay clip ăn uống, nhưng chú trọng chất lượng món trên bàn ăn chứ không phải số lượng và quan trọng nhất là cách ăn thức ăn phải chậm rãi, thanh nhã. Một số ngôi sao trẻ Hàn Quốc trên mạng xã hội đã nổi lên, thu hút lượng theo dõi đông nhờ những clip ăn uống đẹp mắt, chuẩn mực như thế.

Phan Gia Nghi, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ: “Giờ em đã bỏ theo dõi hết mấy mukbang Việt Nam, chuyển sang các sosik mukbang Hàn để xem cách họ ăn tao nhã, lịch sự như thế nào. Em nghĩ Việt Nam mình, giới trẻ đang trong qua trình hội nhập, rất cần có những clip hướng dẫn cách ăn uống khoan thai, điềm đạm, ăn sao cho tốt cho sức khoẻ, vừa lịch sự vừa hợp lễ nghi, ăn làm sao để phù hợp với từng hoàn cảnh bữa ăn… Điều đó mới thực sự bổ ích và cần thiết”.

Từ sự thoái trào của một trào lưu vô bổ có thể thấy, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, dù cho ở bất kỳ thời đại nào cũng cần hướng tới sự chân - thiện - mỹ để tạo ra những giá trị đích thực cho cá nhân, cộng đồng.