Riêng Hà Nội, Tiền Giang và Thái Bình cho tất cả học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT nghỉ hết 8/3. TP HCM là địa phương cuối cùng ra quyết định cho học sinh cấp mầm non, tiểu học, THCS và lớp 10, 11 được nghỉ hết 15/3. Riêng học sinh lớp 12 được nghỉ hết 8/3.
Trước đó chiều 27/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ học từ 01 đến 02 tuần (học sinh trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên đi học từ ngày 02/3/2020).
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống Covid-19, đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Phải nói rằng quyết định cho học sinh trở lại trường, dẫu hôm nay mới là các cháu THPT và sinh viên các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học, không còn là nỗi lo riêng của bất kỳ ai, từ phụ huynh, thầy cô giáo, ngành GD&ĐT cho đến quan chức có trọng trách của Chính phủ.
Phải thừa nhận, Covid-19 có những diễn biến bất thường, phức tạp so với những dịch bệnh khác trước đây. WHO và các nhà khoa học đã từng lúng túng về giải mã, đặt tên và khả năng kiểm soát.
Ngay hôm qua, chính các nhà khoa học hàng đầu thế giới về dịch tễ vẫn nhận định, vẫn chưa biết nCoV phản ứng như thế nào vào mùa hè. Những virus mới lây nhiễm sang nhiều người có thể hoạt động tốt thậm chí khi thời tiết không thuận lợi.
Ngay cả khi những virus Corona chúng ta biết phụ thuộc vào mùa, thật sai lầm nếu kỳ vọng virus này cũng có chiều hướng tương tự. Đặc biệt nguy hiểm là, các ca nhiễm virus Corona nhưng không phát triệu chứng.
Ở Việt Nam, thành quả bước đầu chống dịch Covid-19 đã được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Lo lắng là chính đáng nhưng không hoang mang; tin tưởng vào thành công của “trận đầu” để tự tin nhưng không chủ quan, đó là thái độ dứt khoát vì “chống dịch như chống giặc”.
Trong Chỉ thị mới nhất về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch”.
Chúng ta đã bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, thành công của chống dịch có phần quan trọng từ hiểu biết và sát cánh của người dân với Chính phủ.
Lo là chính đáng nhưng tin vào mình mới bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến.