Sau bốn lần vào tù, phải đến lần cuối cùng - khi được tái sinh sau án tử hình, trong tâm tưởng người đàn ông này mới sống dậy giấc mơ báo hiếu mẹ, trả ơn vợ và thực hiện trách nhiệm của một người cha.
Vào tù rồi lại ra khám
Là con thứ hai trong một gia đình có ba anh em trai, bố mẹ từ Bình Định tập kết ra Bắc, cuộc đời Đào Minh Tú (sinh năm 1972, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) từ nhỏ đã không hạnh phúc. Lên 6 tuổi, Tú đã phải chứng kiến cảnh gia đình tan vỡ khi bố mẹ Tú mỗi người một ngả. Gia đình ly tán, một bàn tay người phụ nữ ấy đã phải nuôi ba đứa con nhỏ, cáng đáng mọi chuyện trong gia đình. Cuộc sống vốn khó khăn, nay lại mất đi trụ cột trong nhà, một đôi vai ấy không thể gánh vác nổi tất cả...
Đang học dở lớp sáu, Tú phải nghỉ học ở nhà để có điều kiện cho em đi học. Hàng ngày, Tú phụ giúp mẹ xay bột làm quẩy rồi đem đi bỏ các mối. Công việc đó cũng giúp gia đình ổn định và bản thân Tú cũng bớt đi sự thèm khát khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường.
Thế nhưng, vốn học hành đã ít lại thiếu sự bảo ban nghiêm khắc của người cha, cái tính ham vui đã khiến Tú bập vào một đám bạn chỉ thích uống rượu, chơi bời suốt ngày. Và điều gì phải đến đã đến, năm 1991, khi mới 19 tuổi đầu, chàng thanh niên Đào Minh Tú đã đeo trên mình một bản án 18 tháng tù giam vì ban đêm cắt khóa vào nhà dân ăn trộm một chiếc xe máy, chưa kịp mang đi tiêu thụ thì đã bị bắt.
Trở ra xã hội chưa được bao lâu thì năm 1994, Tú lại một mình đột nhập vào nhà dân để nẫng một cái đầu VCD. Lần này Tú bị TAND huyện Từ Liêm tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”.
Quá tam ba bận. Năm 1996, người mẹ già của Tú lại khóc hết nước mắt khi thằng con trời đánh lại bị bắt và lĩnh 5 năm tù vì trộm hai chiếc xe máy và gây rối trật tự công cộng.
|
Việc đầu tiên tử tù Đào Minh Tú nghĩ đến sau khi “thoát chết” là giấc mơ báo hiếu mẹ già. |
Kế hoạch hoàn lương bất thành
Sau những chuỗi “thành tích” bất hảo của mình, năm 2002 Tú ra tù và kết hôn với chị Nguyễn Thị M (sinh năm 1973). Người phụ nữ hiền lành này sau đó sinh hạ cho Tú một “cô công chúa” kháu khỉnh. Nhìn cái cảnh hai vợ chồng Tú vui thú làm ăn, người thân của cựu tù nhân này mừng lắm, ai cũng nghĩ rằng cái thằng nhãi đạo tặc ấy cuối cùng rồi cũng biết sợ, và quan trọng hơn là biết yêu quý cái cuộc sống bình dị của một con người chân chính.
Nhưng trớ trêu thay, chỉ vì một giây phút ngắn ngủi không ghìm được cương “con ngựa chứng yêng hùng” trong dòng máu của mình, Tú đã cướp đi sinh mạng của một người khác xuất phát từ một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt. Lần này, TANDTC tuyên phạt Đào Minh Tú án Tử hình về tội “Giết người”!
Đó là một ngày cuối năm 2004. Hôm ấy Tú chở vợ con đến khai trương quán bia của người bạn thân ở gần nhà. Khi bia rượu đã tới tầm, Tú có việc đột xuất phải đi nhưng vẫn để vợ con lại ngồi chung vui với các bạn. Một lúc sau Tú quay lại đón thì vợ con Tú đã tự đi về trước. Quay trở ra đường, Tú nhìn thấy một vật màu đỏ dưới đất, tưởng là chiếc bật lửa nên nhặt lên kiểm tra thì hóa ra đó là một con dao díp nhỏ. Không suy nghĩ gì, Tú bỏ vật đó vào túi và tiếp tục phóng xe về nhà.
Tới con ngõ rẽ vào nhà, xe của Tú xảy ra va quệt với một người phóng xe từ trong ngõ ra. Trong lúc hai bên đang to tiếng cãi cọ thì một thanh niên lạ mặt xuất hiện nói với Tú: “Mày ở đâu đến đây mà định gấu mèo ở đất này? Mày thích tao đánh mày luôn...”, rồi lao vào túm cổ áo và đấm Tú. Trong lúc đánh trả, Tú chợt nhớ trong túi có con dao vừa nhặt được liền rút ra, đâm một nhát vào người kia. Nạn nhân trúng dao bỏ chạy vào một quán nước gần đó, còn Tú bỏ về nhà nằm ngủ, một lúc sau thì bị công an bắt...
Giấc mơ sau tái sinh
Sau nhiều lần kháng cáo bất thành, tưởng như ngày ra pháp trường chắc chắn sẽ đến với Tú thì trong đợt ân xá của Chủ tịch Nước năm 2006, Tú đã được giảm án xuống chung thân và chuyển lên giam giữ tại Trại giam Tân Lập (Phú Thọ).
“Khi bị giam giữ để thi hành án tử hình, tư tưởng của cháu lúc đó chỉ còn chờ đợi cái chết. Nhưng khi được hưởng ân xá của Chủ tịch Nước, cháu đã suy nghĩ và quyết định cải tạo thật tốt để có thể thay đổi được gì đó” - phạm nhân Đào Minh Tú tâm sự.
Phạm nhân Tú được cán bộ quản giáo cho vào lao động trong đội gấp giấy của phân trại. Cũng như bao phạm nhân khác, hàng ngày đến giờ thì làm, có kẻng thì ăn cơm, tối ai có chỗ người ấy ngủ, nhưng với Tú, cải tạo không đơn thuần chỉ là làm cho xong việc mà đằng sau đó lại là một hy vọng lớn - cải tạo để báo hiếu mẹ, trả ơn vợ.
Ngày Tú bị bắt về tội giết người, con gái Tú mới 13 tháng tuổi. Vậy mà bây giờ thời gian vụt trôi, bé gái đã lớn vụt và đang học lớp hai. Mỗi lần nhắc về cô con gái đã lớn lên mà không được cha mình ôm ấp, chiều chuộng, đưa đón, Tú lại đượm buồn, cúi mặt xuống cố ghìm nén những giọt nước mắt. “Ngày xưa 6 tuổi, bố cháu đã bỏ anh em cháu đi. Bây giờ cháu cũng vậy cán bộ ạ. Ở trên lớp học của con gái cháu, mỗi học sinh đều treo một bức ảnh gia đình, nhưng của con cháu thì không có ảnh bố. Mỗi lần lên thăm cháu, nó toàn khóc và bắt đền bố, cháu thương nó lắm, cháu đã trốn tránh trách nhiệm làm cha của mình” - Tú nghẹn ngào nấc lên.
Theo cán bộ quản giáo Nguyễn Văn Hoa, mặc dù Tú có nhiều tiền án nhưng suốt từ khi chuyển lên đây, Tú cải tạo rất tốt, liên tục được xếp loại khá, tốt trong những năm qua. |
“Nếu được xếp loại tốt thì cháu sẽ được thêm thời gian gặp người thân hoặc được gặp trong phòng riêng. Cháu nợ mẹ chữ Hiếu không biết đến khi nào trả được. Nếu cải tạo tốt liên tục khoảng ngoài 20 năm là cháu được về với gia đình, nhưng lúc đó mẹ cháu cũng đã nhiều tuổi... Cho nên cháu cố gắng cải tạo thật tốt để mỗi lần được gặp mẹ càng lâu càng tốt, mẹ cháu lên thăm thấy vậy cũng vui lòng. Bây giờ cháu chỉ có thể báo hiếu được cho mẹ theo cách đó” - Tú nói.
Bên cạnh đạo hiếu là tình nghĩa vợ chồng. Tuy ở trong tù nhưng Tú biết rằng vợ mình ở ngoài tuy không có nghề nghiệp ổn định nhưng đang phải một mình vừa gánh vác công việc nhà chồng, vừa chăm lo cho mẹ chồng lại tần tảo nuôi con ăn học. Tú cũng biết rằng những gói quà nhỏ bé mà chị Nguyễn Thị M hàng tháng thăm nuôi chồng đến từ sự chắt bóp, dành dụm tối đa của người phụ nữ này.
“Với vợ, cho dù cháu có làm gì đi nữa thì cũng không trả hết được. Cháu chỉ muốn nói một lời cảm ơn tới vợ, một mình phải thay cháu làm tất cả” - Tú chia sẻ.
Tiếng kẻng trong phân trại kêu vang báo hiệu đến 10h - giờ nghỉ trưa của phạm nhân, cũng đã đến lúc cuộc trò chuyện kết thúc. Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, trong ánh mắt sâu thẳm của Tú lúc nào cũng sáng lên một sự quyết tâm và hy vọng sớm được trở về... Tạm biệt phóng viên, Tú bước những bước đi dứt khoát quay về hướng Phân trại số hai Trại giam Tân Lập. Cái dáng đi ấy là dáng đi của một con người đang dùng tất cả quyết tâm để đứng dậy sau một vết trượt đã quá dài...
Văn Minh