Tư tưởng vượt thời gian của Trạng nguyên đất học

(PLVN) - Đỗ Trạng nguyên ở tuổi 50, Vũ Tuấn Chiêu không chỉ để lại bài học về ý chí kiên trì, mà còn là tư tưởng tiến bộ về xây dựng đất nước hùng cường. Ông là vị Trạng nguyên thứ 13 của nước ta và là Trạng nguyên thứ 5 của triều Hậu Lê. Vũ Tuấn Chiêu nguyên quán làng Xuân Lôi, xã Cổ Da, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), quê mẹ tại xã Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội)...

Người vợ hiền và lời khích lệ “nước chảy đá mòn - có chí thì nên”

Theo gia phả dòng họ Vũ ghi chép lại, năm 6 tuổi cha mất sớm, nhà nghèo, họ hàng thân thích không còn ai. Do cuộc sống khó khăn, mẹ của Vũ Tuấn Chiêu phải đưa con về quê ngoại ở ngoại thành Thăng Long sinh sống. Mấy năm sau, mẹ qua đời, Vũ Tuấn Chiêu lại trở về quê nội, làng Xuân Lôi, xã Cổ Da, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Tại đây, ông kết hôn với người con gái có tên Nguyễn Thị Chìa. Là người nết na, bà Chìa không quản vất vả, chăm chỉ ruộng đồng, vừa phụng dưỡng cha già, vừa nuôi chồng ăn học. Thế nhưng, Vũ Tuấn Chiêu tuy mặt mũi khôi ngô nhưng học hành lại “tối dạ”.

Quang cảnh lễ hội chợ Viềng tại Nam Trực, Nam Định.

Hơn 10 năm đèn sách, tuổi đã ngoài tứ tuần, đường học của ông vẫn không tiến bộ. Trong một lần bà Chìa gánh gạo đến cho chồng, thầy giáo đã gọi người vợ lại để trả chồng về. Thầy bảo rằng: “Tuấn Chiêu tuổi đã nhiều, học hành lại chẳng hơn gì, nay thầy cho chồng con về làm ruộng, giúp đỡ việc nhà cho con đỡ vất vả”.

Thấy thầy có ý kiên quyết, hai vợ chồng bèn thu xếp quần áo, sách vở quang gánh về nhà. Đến đầu làng Xuân Lôi, vợ chồng đặt gánh nghỉ ngơi dưới gốc cây cổ thụ, bên bờ sông có cây cầu đá bắc qua. Trong lúc nghỉ ngơi, Tuấn Chiêu xuống sông tắm, thấy cột đá chân cầu mòn vẹt, bèn hỏi vợ. Nàng Chìa đáp rằng “Cột đá phía dưới do nước chảy lâu ngày đã làm mòn. Đá là vật rắn, nước là vật mềm, nhưng do nước cứ chảy lâu ngày làm đá cũng phải mòn. Việc học hành cũng vậy, phải kiên trì chăm chỉ, có chí ắt sẽ làm nên nghiệp lớn”.

Nghe xong, Tuấn Chiêu "chợt tỉnh", bèn bảo vợ về làng, còn mình quẩy gánh trở lại nơi trọ học. Thấy Tuấn Chiêu trở lại, thày đã nản nhưng vẫn thử ra vế đối và bảo Tuấn Chiêu đối được sẽ nhận lại vào học:

"Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ".

Tuấn Chiêu ứng khẩu đối ngay:

"Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi ".

Thấy vế đối vừa hay lại vừa như báo hiệu một điều gì đó, thầy lấy làm mừng và nhận lại trò Tuấn Chiêu vào học. Từ đó, Tuấn Chiêu càng ham học, học đâu nhớ đó. Năm ông gần 50 tuổi thì vợ qua đời, để lại một người con trai. Tuấn Chiêu cùng con trở lại quê mẹ ở làng Nhật Chiêu để tiện việc học hành, thi cử.

Đình Xuân Lôi - Đền thờ Trạng nguyên tại xã Nam Hùng, Nam Trực.

Quan điểm dùng người “tài - đức” để phụng sự đất nước còn nguyên giá trị

Theo bia tiến sỹ khoa thi 1475 tại Quốc Tử Giám, khoa thi Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 dưới triều Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Khoa thi, có tới hơn 3.000 thí sinh, lấy đỗ 43 người. Đến ngày 11 tháng 5, nhà vua “ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa để chọn thứ bậc”. Đây là khoa thi thứ năm được tổ chức thời Vua Lê Thánh Tông. Sau kỳ Điện thí, nhà vua chọn đủ Tam khôi: Trạng nguyên là Vũ Tuấn Chiêu 49 tuổi, ông người huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Nguyên quán xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, nay là thôn Xuân Lôi, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Vũ Tuấn Chiêu sau làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Hiện nay, tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực còn đền thờ ông.

Trở lại bài thi của ông, thời Vua Lê Thánh Tông việc thi cử rất thịnh đạt. Lê Thánh Tông được coi là nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt, vốn là vị vua ưa chuộng văn học nên ông rất quan tâm đến việc khoa cử. Đây được coi là thời kỳ nhà nước Lê sơ tuyển chọn và sử dụng nhân tài chủ yếu thông qua thi cử. Sử cũ cho hay, tại kỳ thi Đình, đề thi năm đó Vua Lê Thánh Tông hỏi các sĩ tử về phương kế làm cho binh mạnh và biện pháp khiến cho dân giàu. Trong bài văn sách của mình, Vũ Tuấn Chiêu đưa ra các kiến giải của mình một cách sâu sắc về những điều mà vua hỏi.

Trong đó ông cho rằng: “Binh mạnh thì trong nước yên ổn, bên ngoài thần phục, nước sẽ vững như bàn thạch. Dân giàu thì lễ nghĩa được thi hành, giáo hóa cũng theo đó trở nên tốt đẹp”, mà muốn cho binh mạnh phải chọn tướng giỏi và nên “dùng nhà Nho để cai quản việc quân thì quân sẽ mạnh”, những nhà Nho đó không chỉ học rộng văn hay, thông kinh bác sử mà phải có lòng dũng khí, cố gắng quên mình.

Còn muốn dân giàu thì cũng cần “dùng Nho để chăn dân, nhưng phải dùng kẻ Nho có phẩm chất, có tác dụng. Giảm bỏ kẻ ăn không, bớt chi tiêu phung phí, thực hành chế độ tiết kiệm để của cải sinh sôi, muôn họ giàu có. Vậy lo gì nước không giàu”.

Gia phả bản gốc họ Vũ ở Nhật Tân (trong đó có ghi chép lại bàn văn sách của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu). (Ảnh trong bài: PV)

Tuy chỉ tập trung mấy chục năm nơi “cửa Khổng sân Trình” nhưng quan điểm của Vũ Tuấn Chiêu lại có tầm nhìn lớn, kế thừa chính sách “thân dân”, lựa chọn, sử dụng người hiền tài của các triều đại Lý Trần thuở trước, lấp lánh đằng sau là những tư tưởng tiến bộ, thể hiện sự uyên bác và bề dày kinh nghiệm thực tế trong đời sống.

Về sau, ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Triều đình truy phong là “Tuấn lương Quang ý tôn thần”, sau gia tặng thêm làm “Dực bảo Trung hưng, Linh phù tôn thần”. Hiện nay tại nhà thờ chính của Vũ Tuấn Chiêu ở xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá ghi hành trạng và 17 đôi câu đối ca ngợi sự thành đạt và công lao của ông đối với dân với nước.

Trong đó có câu: “Hồng Đức văn chương khôi nhất giáp/Xuân Lôi trở đậu lịch thiên thu”.

Nghĩa là: “Đời Hồng Đức văn chương nêu nhất giáp/Đất Xuân Lôi thờ cúng nghìn thu”.

Tư tưởng của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu về "Binh mạnh" và "Dân giàu" không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang tính thời sự sâu sắc. Đó là tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn về mối quan hệ biện chứng giữa sức mạnh quân sự và sự thịnh vượng của đất nước. Những kiến giải của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu… "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Mộ của ông ở Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Tiến Duật - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết, Nam Trực là một vùng đất đậm đặc về các di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay trên địa bàn huyện có 240 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 82 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng bao gồm: 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 67 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh. Việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các di tích luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm. Hàng năm, Ban quản lý các di tích huyện tiến hành kiểm kê và xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Hiện nay, nguồn kinh phí để thực hiện trùng tu tôn tạo các di tích chủ yếu là do Nhân dân địa phương đóng góp và huy động từ các người con xa quê hương. Vì vậy, việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo các di tích còn hạn chế.

Hàng năm, chính quyền địa phương và Nhân dân duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống không chỉ là tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công với đất nước mà còn nhằm duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị tốt đẹp của dân tộc và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch…

Nam Định là vùng đất nổi tiếng về truyền thống hiếu học và là nơi sản sinh ra nhiều bậc nhân tài cho đất nước. Trong đó, có 5 vị Trạng nguyên đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

1. Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1235 - 1255), quê quán: xã Nam Thắng, huyện Nam Trực. Ông đỗ Trạng nguyên năm 12 tuổi, được mệnh danh là "Trạng nguyên thần đồng" của nước Việt; ông là nhà ngoại giao tài ba, từng được cử đi sứ nhà Minh, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và củng cố chính quyền nhà Trần.

2. Trạng nguyên Đào Sư Tích (1350 - 1396), quê quán: thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Ông đỗ Trạng nguyên năm 28 tuổi.

3. Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1496), quê quán: xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản. Ông đỗ Trạng nguyên năm 23 tuổi đời Vua Lê Thánh Tông. Là nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà âm nhạc học, nhà thơ, nhà giáo dục thời Lê sơ. Có nhiều đóng góp trong việc phát triển khoa học, kỹ thuật và giáo dục của đất nước.

4. Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (1423 - ?), quê quán: xã Nam Hùng, huyện Nam Trực. Ông đỗ Trạng nguyên ngoài 50 tuổi, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ. Ông có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và củng cố chính quyền nhà Lê.

5. Trạng nguyên Trần Văn Bảo (1524 - 1611), quê quán: xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Ông đỗ Trạng nguyên năm 27 tuổi, ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao. Làm quan đến chức Thượng thư, ông có nhiều đóng góp cho đất nước thời nhà Mạc Phúc Nguyên.

Những vị Trạng nguyên này không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam Định mà còn là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Đọc thêm