Tín ngưỡng thờ thần sông, thần nước
Con thuyền gắn bó với đời sống, sinh hoạt, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ cổ xưa đến nay. Lễ hội đua thuyền thường được tổ chức tại các tỉnh, thành ven sông vào dịp đầu Xuân, đầu năm mới, thờ thần sông, thần nước với mong muốn mang lại một năm mới mưa thuận, gió hòa, thuận buồm xuôi gió. Thuyền rồng sử dụng trong lễ hội phải là những chiếc thuyền được đóng một cách chắc chắn, chuẩn bị kỹ lưỡng, sơn son thếp vàng, trang trí hình rồng ở đầu thuyền với màu sắc bắt mắt, toát lên vẻ uy nghi, lẫm liệt. Thuyền có hình thoi, được đóng bằng thứ gỗ khô, nhẹ, bền, chắc, lòng thuyền có chỗ ngồi cho các tay đua. Lễ hội đua thuyền rồng thường có hai phần, phần lễ và phần hội. Sau khi chuẩn bị thuyền cho cuộc thi, người dân tiến hành nghi thức cúng lễ, đây được coi là phần quan trọng nhất thể hiện quan niệm tâm linh của người dân biển về tổ tiên của mình, về các vị thần sông, thần biển. Khi cúng lễ xong, các đội bắt đầu thi tài.
Trong lễ hội đua thuyền, các đội chơi đến từ làng, xã khác nhau sẽ tham gia thi đấu với nhau trên sông, hồ hoặc vịnh. Trò chơi này yêu cầu tinh thần đoàn kết, sự phối hợp và kỹ năng chèo thuyền của các thành viên trong đội. Mỗi đội có từ 20 - 30 vận động viên được chọn lựa từ những người có tay chèo giỏi, thanh niên có sức khỏe trong làng. Mỗi đội có người chỉ huy, có người lái ở đuôi và có người ở giữa tát nước. Số người còn lại được bố trí hai bên thuyền. Đội nào thuyền chèo thuyền đến đích nhanh nhất sẽ là đội chiến thắng. Phần thưởng của lễ hội đua thuyền thường bao gồm danh hiệu, cúp và tiền thưởng cho các đội thuyền xuất sắc nhất. Phần thưởng không chỉ là nguồn động lực để các đội nỗ lực thi đấu, mà còn là cách để khích lệ tinh thần cạnh tranh công bằng và khuyến khích người dân gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của quê hương mình.
Đầu Xuân năm Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương đã tổ chức lễ hội đua thuyền sôi nổi thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Nậm Nhùn năm 2025, UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tổ chức Lễ hội “Đua thuyền đuôi én, đua bè”. Các vận động viên của 9 đội đua thuyền đuôi én, 9 đội đua bè và đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện tham gia cổ vũ. Thông qua hoạt động tổ chức Lễ hội nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của cư dân sinh sống vùng ven hồ Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu, tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, đoàn kết giúp đỡ và học tập lẫn nhau giữa các dân tộc anh em.
![]() |
Các đội đua thi đấu hết mình, băng băng về đích. (Ảnh: Lê Cung) |
Cũng đầu tháng 2/2025, tại khu vực Đảo Nổi, Hồ trung tâm TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) diễn ra “Giải đua thuyền truyền thống TP Gia Nghĩa”. Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho hay: “Việc tổ chức sẽ góp phần thu hút phong trào luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc nói chung và môn đua thuyền đuôi én, đua bè nói riêng; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Là hoạt động thiết thực để quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Nậm Nhùn, là một trong những tiền đề để phát triển du lịch của huyện Nậm Nhùn trong những năm tới”.
Trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách
Sáng 3/2/2025, trên sông Vu Gia, UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức “Giải đua thuyền truyền thống”, thu hút đông đảo du khách và người dân trong và ngoài huyện đến cổ vũ. Giải đua thuyền năm nay thu hút hơn 400 vận động viên của 10 thuyền đua nữ và 15 thuyền đua nam đến từ 15 xã/thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Mỗi thuyền đua có 13 vận động viên là lực lượng xung kích cứu hộ, cứu nạn ở cơ sở. Hai bên bờ sông Vu Gia, khán giả hồi hộp chứng kiến các pha tranh tài kịch tính, phấn khích, hò reo ủng hộ tinh thần các đội đua.
Ngoài ra, còn có các lễ hội đua thuyền rồng được tổ chức tại nhiều địa phương như: thành phố Phan Thiết (Bình Thuận); làng Trù Ninh, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Krông Ana (Đắk Lắk), UBND xã Cà Ná và xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận)…
Các lễ hội đua thuyền đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự, tạo nên không khí sôi động và náo nhiệt trong những ngày đầu Xuân. Những chiếc thuyền rồng được trang trí cờ phướn nhiều màu sắc, oai phong rẽ nước tiến lên như vũ bão trong tiếng reo hò cổ vũ, tiếng trống kèn của người dân đứng ở hai bên bờ sông. Người dân mãn nhãn với giải đua thuyền và màn biểu diễn nhào lộn trên sông. Vùng biển phía Nam còn có tục lắc thuyền thúng đua ngày hội là một nét lạ, góp phần phong phú thêm lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam.
Lễ hội đua thuyền tại các vùng miền diễn ra trong những thời điểm khác nhau, với các nghi thức khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là cầu may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sóng yên, biển lặng, tôm cá đầy ghe.
![]() |
Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến xem và cổ vũ các đội tham gia. (Ảnh: Thu Hường) |
Với nghi thức trang trọng, các lễ hội đua thuyền không chỉ là bộ môn thể thao thể hiện khí phách mà còn là “bảo tàng sống” phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Đồng thời, nó cũng thể hiện phần nào đời sống tâm linh của người dân, với tín ngưỡng thờ thần sông, thần nước, một nét đẹp văn hóa đã tồn tại từ xa xưa. Qua đó tăng cường tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm… của các ngư dân trong việc chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những giá trị văn hóa, nghệ thuật tích tụ qua hàng trăm năm đã góp phần khuôn đúc tâm hồn và tính cách của người dân Việt.
Từ một hoạt động dân gian, lễ hội đua thuyền mang lại trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách và người dân tham gia góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Cẩn trọng những tai nạn đáng tiếc
Vào sáng 8/2/2025, xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam tổ chức “Giải đua thuyền truyền thống” trên sông Chợ Được. Khi đến hoa tiêu ở vòng đua thứ 3, thuyền đua của thôn Phước An (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) gặp nạn, bị lật và chìm. Vụ tai nạn khiến 2 người bị thương nhẹ đã được đưa đến bệnh viện ở huyện Thăng Bình để điều trị. Còn anh N bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.
Ngày 9/2/2025, trong quá trình diễn ra Lễ hội Đua thuyền truyền thống tỉnh Đồng Nai tại khu vực phía trước đình Tân Lân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), 1 thuyền đua (gồm 12 vận động viên, có mặc áo phao đầy đủ) bất ngờ bị lật. Lập tức, các ca nô chuyên dụng của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai), Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) trực bảo vệ lễ hội đã có mặt, kịp thời đưa 12 vận động viên lên bờ an toàn.
Trước đó, ngày 8/2/2019, anh Bùi Xuân Khuê tham gia Giải bơi thuyền Rồng truyền thống trên biển do UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức. Trong lúc đua, do sóng lớn đánh lật thuyền nên anh Khuê ngã xuống biển, không may bị va đập với thuyền làm anh chấn thương sọ não. Ngay sau đó, anh Khuê đã được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Để đảm bảo an toàn giao thông, ứng phó các tình huống bất ngờ tại lễ hội đua thuyền, Phòng Cảnh sát giao thông cùng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các tỉnh, thành đã bố trí các ca nô túc trực trên sông, tăng cường kiểm tra chất lượng, an toàn các tàu, thuyền tham gia. Các cơ quan chức năng yêu cầu các vận động viên mặc theo áo phao trong quá trình thi đấu, người dân, du khách tham gia cổ vũ lễ hội chấp hành nghiêm hướng dẫn của lực lượng bảo vệ.