Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Phan Đại Nghĩa - UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Nam Đàn.
![]() |
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Danh nhân Lê Đức Tuy - Vị quan thanh liêm, chính trực
Ngài Lê Đức Tuy (1444-1516) là hậu duệ đời thứ sáu của Lê Viết Tạo, xuất thân từ dòng dõi nho học thông tuệ, yêu nước thương dân. Quê gốc Hải Dương, nhưng ông đã chọn vùng Thịnh Lạc (nay là xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An) để lập nghiệp.
Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học, ông được cha là Lê Trừng Nguyên hết lòng dạy dỗ, tạo điều kiện theo đuổi học vấn. Với tư chất thông minh và ý chí bền bỉ, năm 1467, khi tròn 23 tuổi, ông đỗ vào Quốc Tử Giám, mở ra con đường khoa bảng vẻ vang.
![]() |
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. |
Dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông được bổ nhiệm giữ chức Quản lĩnh Đại phu, Quản lĩnh phủ Anh Đô, Thừa tuyên Nghệ An và được phong tước Vinh Phúc Bá. Ông nổi danh thanh liêm, chính trực, hết lòng phụng sự quốc gia. Nhận thấy vùng Thịnh Lạc là miền đất địa linh nhân kiệt, ông chọn nơi đây làm trị sở, dốc lòng xây dựng vùng đất này.
![]() |
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Không chỉ tận tâm với quốc sự, ông còn cùng nhân dân khai hoang, lập giáp Đồng Nhân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng đất. Khi ông qua đời, nhân dân mai táng và lập đền thờ tại vùng Bến Đá để tưởng nhớ công lao của vị quan thanh liêm. Triều đình phong kiến đã ghi nhận công đức và ban sắc phong ông là “Bản cảnh Thành hoàng nẫm trứ linh ứng, trú phong Dực bảo Trung hưng linh phù tôn Thần”, giao cho giáp Đồng Nhân phụng sự.
![]() |
Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy. |
Hiện nay, đền thờ ngài Lê Đức Tuy nằm tại xóm Nhân Hậu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc gỗ và trang trí vôi vữa của các nghệ nhân dân gian Việt Nam từ đầu thế kỷ 16.
Bảo tồn Di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy
Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền thờ đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ con cháu. Dòng họ Lê phát triển rộng rãi đến nhiều vùng đất như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương..., đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Các hậu duệ của danh nhân Lê Đức Tuy tiếp nối truyền thống hiếu học, trung nghĩa, cống hiến trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục, chính trị, quân sự đến kinh tế - xã hội.
![]() |
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch Tu bổ, tôn tạo di tích Mộ và đền thờ Lê Đức Tuy của UBND tỉnh. |
Nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa, tâm linh và lịch sử của di tích, năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An công nhận đây là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2017, Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
![]() |
Ông Lê Hồng Quang - Đại diện Hội đồng gia tộc họ Lê phát biểu tại buổi lễ. |
Tuy nhiên, sau hơn 600 năm tồn tại, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục bị hư hại, tường rêu phong, kết cấu công trình không còn vững chắc. Trước thực trạng đó, ngày 25/01/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy.
Dự án được triển khai trên khu đất rộng 7.488,1m², trong đó:
Diện tích xây dựng: 679,8m².
Diện tích cây xanh, sân đường, cảnh quan: 6.808,3m².
Việc tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của di tích, xứng tầm với công lao đóng góp của danh nhân Lê Đức Tuy. Đồng thời, dự án đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ mai sau, góp phần phát triển tuyến du lịch ven sông Lam và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án sẽ phục dựng các hạng mục quan trọng, bảo đảm giữ nguyên nét cổ kính của di tích, kết hợp với cảnh quan hài hòa. Đồng thời, các công trình phụ trợ sẽ được xây dựng phù hợp để phục vụ du khách và người dân khi đến tham quan, chiêm bái.
Gìn giữ hồn cốt di sản cho thế hệ mai sau
Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy không chỉ là công trình bảo tồn di sản mà còn thể hiện trách nhiệm của địa phương trong việc gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa. Dự án này góp phần tiếp nối truyền thống tri ân công lao của các bậc tiền nhân, đồng thời tạo điểm nhấn văn hóa cho địa phương.
![]() |
Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức khởi động dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy. |
Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa và truyền thống yêu nước, hiếu học cho thế hệ trẻ. Đồng thời, Di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy sẽ là điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch tâm linh xứ Nghệ, góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa của vùng đất Nam Đàn.