Tượng Phật cổ - nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng
Chùa Vẽ thuộc làng Vẽ, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang) có lịch sử kéo dài, bắt đầu từ thế kỷ 11. Ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần trùng tu và theo nhiều tài liệu, chùa đã được xây dựng lại vào thời Lý, rồi sau đó được tu bổ trong các triều đại Trần, Lê.
Chùa Vẽ không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử mà còn là một nơi linh thiêng, có ý nghĩa sâu sắc đối với người dân Bắc Giang. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh. Ngôi chùa được biết đến với không gian tĩnh lặng, thanh bình, là nơi lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự yên bình và chiêm nghiệm.
Chùa Vẽ rộng khoảng 5.000m2, kiến trúc theo lối chùa truyền thống Bắc Bộ với cách bố trí nội công - ngoại quốc, gồm các hạng mục tam quan, khuôn viên sân vườn, tòa tam bảo, hai dãy hành lang, nhà chung kiểu chồng diêm. Phía sau hậu đường là nhà thờ tổ 5 gian, cạnh có nhà Trai, nhà in Kinh, nhà Tạo soạn, nhà Khách và bên dưới là điện thờ Mẫu.
Ngôi chùa cổ còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, sơn son thếp vàng công phu, phản ánh giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng. Các tài liệu, hiện vật khác như bát hương, mõ gỗ, nhang án thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chuông đồng thời Tây Sơn và cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1720) vẫn được lưu giữ tại chùa, mang giá trị lịch sử văn hóa, giá trị nghiên cứu khoa học.
![]() |
Bức tượng Phật đẹp, mang phong cách điêu khắc Phật giáo Bắc bộ. (Ảnh: Đặng Công) |
Trong quá trình tu sửa vào năm 2018, người dân phát hiện ba bệ chân tảng đá hoa sen với phong cách kiến trúc của thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) dưới nền tòa Tam Bảo. Bệ đá chân tảng có cạnh hình vuông, chất liệu đá xanh, bề mặt trang trí hình hoa sen được bố cục các cánh thành một vòng tròn. Hoa sen bao gồm 16 cánh chính và 16 cánh phụ ở dưới. Viền theo các cánh sen có một đường được chạm chìm. Phát hiện này mở ra cái nhìn mới về lịch sử xây dựng của chùa Vẽ, có thể từ thời Trần.
Hệ thống thờ tự thuộc dòng Lâm tế Bắc tông, tượng Phật điêu khắc tinh xảo, trải qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên được màu sơn son thếp vàng lộng lẫy. Mỗi pho tượng tại chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người nghệ nhân thế kỷ XVII.
Có thể nói, ngoài chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), tại vùng này không có ngôi chùa nào Phật điện có tượng cổ kính và đẹp hài hòa như ở chùa Vẽ. Năm 1994, chùa Vẽ được công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngôi chùa ghi dấu lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Long, đây là ngôi chùa cổ, nằm ở vị trí đặc biệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời, cũng là minh chứng cho sự tài ba trong chiến lược quân sự của cha ông ta, dân tộc ta.
Ngôi chùa nằm ngay ở vị trí cửa ngõ thành phố Bắc Giang hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội, là địa bàn quan trọng trong trận chiến Chi Lăng - Xương Giang, năm 1427. Chiến thắng tại thành Xương Giang có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo sau 10 năm chiến đấu. Chiến thắng ghi dấu mốc chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, quyết định nền độc lập dân tộc vào thế kỷ XV.
Nhắc đến trận chiến Chi Lăng - Xương Giang phải nhắc tới địa danh làng Vẽ nơi chùa Vẽ tọa lạc. Nhắc đến chùa làng Vẽ phải nhắc thêm cả chùa làng Thành. Dân Bắc Giang nhiều người biết đến giai thoại về sự tích tên gọi làng Thành, làng Vẽ. Trong trận chiến Chi Lăng - Xương Giang ở địa điểm thành Xương Giang, để ngăn quân xâm lược cha ông ta đã cho xây thành kiên cố ở phía trước, phía sau thì dựng thành lũy giả tạo cảm giác điệp trùng khiến quân thù chùn bước. Vị trí bên ngoài, thành lũy xây thật giờ đây gọi là làng Thành, ở phía bên trong thành lũy giả được gọi là làng Vẽ.
Chùa Vẽ và chùa Thành là hai ngôi chùa gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân Bắc Giang nói riêng, xứ Kinh Bắc nói chung. Hai ngôi chùa chỉ cách nhau vài trăm mét đường đi bộ, chính hội được tổ chức ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Ngày nay, khi Bắc Giang cho xây dựng đền Xương Giang và mở rộng quy mô Lễ hội Xương Giang thành hội trọng điểm của tỉnh, hội chùa làng Thành, làng Vẽ nằm trong quần thể lễ hội lớn này.
![]() |
Tượng Phật cổ - nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng. (Ảnh: Đặng Công) |
Chùa Vẽ Bắc Giang không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là trung tâm của các hoạt động tâm linh và lễ hội. Lễ hội chùa Vẽ diễn ra vào dịp đầu xuân, vào ngày mùng 6, 7 tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách và phật tử tham gia. Một trong những hoạt động đặc biệt trong lễ hội là lễ rước tượng Phật từ chùa ra khu vực xung quanh, để mọi người có thể chiêm bái và cầu phúc. Trong Lễ hội chùa Vẽ, các nghi thức tế lễ và thờ cúng được tiến hành long trọng.
Các cụ bà ra chùa tụng kinh, để lễ Phật và đón tiếp khách thập phương đến tham dự. Ngày mùng 7 khách thập phương đến tham quan dâng hương thường đông như nêm. Các già làm cơm ở nhà chùa, chủ yếu đều là xôi oản lễ Phật. Tiếng tụng kinh và gõ mõ xen kẻ với tiếng chuông vang lên trong khắp khu chùa. Ở làng Vẽ các vãi sẽ đón tiếp nhau bằng lối hát kể hạnh. Lối hát này có một số bài mời khách, mời nước, mời trầu, hỏi thăm, ca ngợi và tiễn nhau về… tuỳ theo hoàn cảnh để đối đáp. Lối hát này ai ai cũng thuộc, ai biết hát thì tham gia đều rất vui vẻ.
Bên cạnh các nghi lễ trang trọng, lễ hội cũng có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, như múa lân, hát quan họ và các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, náo nhiệt cho cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Điển hình là trò kéo chữ Hán “Thiên hạ thái bình” hoặc “Toàn dân khai hội”… Theo đó, mỗi chữ 30 người, 4 chữ một lần xếp, nam nữ thanh niên tay cầm cờ quạt, hoa, ăn vận đồng phục theo sự chỉ dẫn của hai tổng cờ. Ngồi xuống đứng lên 3 lượt, tung hoa, hô vang chữ mình được xếp, đi quanh bãi xếp chữ theo lệnh tổng cờ. Cướp cầu cũng là trò chơi độc đáo của hội làng Vẽ. Đây là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp muốn cầu cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là dịp để mọi người thể hiện lòng thành kính đối với Phật, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc.
Không chỉ có lễ hội, chùa Vẽ còn là nơi thường xuyên tổ chức các khóa tu, thiền định và những buổi chia sẻ giáo lý Phật giáo. Những hoạt động này thu hút không chỉ các phật tử mà còn nhiều người tìm đến với sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Các khóa tu giúp mọi người có cơ hội quay về với chính mình, tĩnh tâm và tìm kiếm sự bình an trong cuộc sống bộn bề.
Ngoài ra, chùa Vẽ còn là nơi tổ chức các chương trình từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó trong cộng đồng. Những chương trình từ thiện này không chỉ thể hiện lòng nhân ái của người dân nơi đây mà còn là một phần quan trọng trong việc duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo.
Chùa Vẽ là một minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của người dân Bắc Giang. Không chỉ là một ngôi chùa đơn thuần, đây là một địa điểm tâm linh, một phần của linh hồn dân tộc, gắn liền với những giá trị truyền thống của đất nước.
Xót xa, tiếc nuối khi chùa Vẽ bị cháy
![]() |
Rạng sáng 10/2/2025, chùa Vẽ bất ngờ bốc cháy. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, vụ cháy đã khiến toàn bộ tòa Tam bảo, bao gồm 5 gian, 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263m2; cùng với 25 pho tượng cổ và hiện vật quý giá: 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án bị thiêu rụi...
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu địa phương bảo vệ những gì còn sót lại tại di tích 300 tuổi này. Di tích hàng trăm năm bị hỏa hoạn thiêu hủy với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh vô giá bị mất đi là nỗi xót xa, tiếc nuối của bao người. Nhiều bậc cao niên chứng kiến di tích nghệ thuật quốc gia bị cháy các hiện vật quý đã không cầm được nước mắt. Với di sản văn hóa, nếu không được gìn giữ thì một khi đã mất là vĩnh viễn. Thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền bởi chẳng có tiền nào mua nổi giá trị lịch sử.