Lễ khai hội năm nay cũng gắn với sự kiện tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2025), kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965 - 2025) và phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác.
Dự khai hội có đoàn đại biểu quốc tế gồm đại diện tỉnh Viêng Chăn (nước CHDCND Lào); Đoàn đại biểu thành phố Suwon, (Hàn Quốc); đại diện UNESCO tại Việt Nam và đại diện các bộ, ban, ngành, trung ương; lãnh đạo các tỉnh lân cận
![]() |
Dự lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc ngoài đại diện các bộ, ban, ngành, trung ương còn có các đoàn đại biểu quốc tế |
Trong diễn văn khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu khẳng định: Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, gắn liền với lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Nơi đây, đã quy tụ nhiều bậc cao nhân, hiền sĩ ẩn tu; nơi lập đại bản doanh chống quân Nguyên của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn; nơi Tam tổ Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả ẩn tàng; Tư đồ Trần Nguyên Đán mở Động Thanh Hư và Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chọn đây là nơi để “Ngẫm, suy việc Dân, vận Nước".
Cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài và du khách thập phương lại trẩy hội về với Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thắp nén hương tưởng nhớ Đệ tam Tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
Ngày 15/2/1965, trong hành trình lần cuối về thăm Hải Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dừng chân tại Côn Sơn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, địa phương đã đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với nhiều mục tiêu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Song song với phát triển kinh tế, Hải Dương xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị để gìn giữ cho muôn đời sau. Các di tích lịch sử - văn hóa như: Côn Sơn - Kiếp Bạc; Văn miếu Mao Điền; chùa Thanh Mai; đền Xưa - chùa Giám – Đền Bia; Kính Chủ - An Phụ - Nhẫm Dương… sẽ tiếp tục được đầu tư, trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 diễn ra từ ngày 11 - 20/2 (tức 14 - 23 tháng giêng) được tổ chức với quy mô lớn. Lễ khai hội gồm các hoạt động chính: Chương trình nghệ thuật “Côn Sơn in dấu chân Người"; khởi trống khai hội; cung tuyên thân thế và sự nghiệp của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; lễ dâng hương, trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người"...
Các nghi lễ của lễ hội được duy trì gồm: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ và Mông Sơn thí thực... Phần hội có hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; vật cổ truyền, cờ tướng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.
Sau diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã khởi trống khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025.
Ngay sau lễ khai hội, trong không khí linh thiêng của núi rừng Côn Sơn, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.
Năm 2012, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di vật: Bia Thanh Hư Động, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi, Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào các năm 2015, 2017 và năm 2024. Những giá trị to lớn văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng của Khu di tích đặc biệt Quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc góp phần quan trọng và tính xác thực cho hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.