Sau khi ra đời năm 1930, Đảng bộ Đà Nẵng đã chọn lựa một số thanh niên khỏe mạnh, biết võ thuật, có tinh thần dũng cảm, mưu trí tham gia công tác bảo vệ, hoạt động theo phương thức bí mật.
Đến năm 1941, Đảng bộ xây dựng một số tiểu, tổ tự vệ, du kích mật ở các địa bàn nội thị làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân đấu tranh và chuẩn bị hình thành lực lượng vũ trang Đà Nẵng. Năm 1945, lực lượng tự vệ thành phố đã phát triển lên 1.400 người, bao gồm nhiều thành phần như: công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, công chức, binh lính trong bộ máy chính quyền Pháp-Nhật… biên chế thành 4 đại đội, 3 trung đội và 8 tiểu đội, trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ. Trong quá trình chiến đấu và trưởng thành, tự vệ Đà Nẵng đã góp phần cùng các lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26-8-1945, đóng góp những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trên địa bàn Đà Nẵng.
Ngay từ những ngày đầu hình thành và xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, lực lượng Tự vệ-biệt động được đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng có số lượng hợp lý, chất lượng cao, bố trí trên khắp các địa bàn và trong hầu hết các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế-xã hội, cả trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, bởi đây là lực lượng nòng cốt để tiến hành chiến tranh nhân dân trong lòng địch. Trong kháng chiến chống Pháp gọi là “đặc vụ quân sự, tự vệ chiến đấu, tự vệ mật”, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gọi là “Tự vệ-biệt động”. Nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân giao phó cho lực lượng Tự vệ-biệt động là: vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, tạo bàn đạp cho các đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực mở các trận đánh lớn và các chiến dịch tấn công Đà Nẵng.
Chấp hành nhiệm vụ được giao, trong suốt quá trình kháng chiến, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ thành phố, Tự vệ-biệt động đã bám chắc địa bàn, liên tục sử dụng lực lượng, vũ khí trang bị tiến công các cơ quan, đồn bót của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc vụ quân sự và tự vệ đã đánh những trận xuất sắc: Bót gác Ngã Năm, Đài Thiên văn, Khu Đông, rạp xi-nê Mô-rin, Tòa Thị chính, kho xăng Nại Hiên, cầu Hòa Phú, ga Đà Nẵng, đồn Mỹ Khê, An Hải gắn liền với những cái tên: trung đội đặc vụ quân sự, tự vệ Khu Đông sông Đà, các đồng chí Lê Tiền, Nguyễn Văn Lang, Phạm Thị Biên, Huấn, Tâm, Luận, Nhu...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng tự vệ-biệt động đã phát triển mạnh mẽ, đều khắp và mở nhiều trận đánh xuất sắc ở cảng Sông Hàn, Quân vụ thị trấn, khối phố Thanh Khê, Xương Bình, kho xăng Nại Hiên, kho bom đạn Phước Lý, sân bay Đà Nẵng, Chi cảnh sát quận Đông Giang, chốt điểm Cống Tiềm, bót gác ngã ba Huế, Tòa thị chính, khách sạn đường Lê Đình Dương, các cư xá sĩ quan Mỹ- ngụy, Nam Triều Tiên, Philippines ở đường Pasteur, Yên Bái, Phan Châu Trinh... với những cái tên nổi tiếng như Đại đội đặc công-biệt động Lê Độ, các đội tự vệ-biệt động quận Nhất, quận Nhì, quận Ba với các anh hùng, dũng sĩ như: Nguyễn Hữu Đức, Hà Văn Trí, Đặng Đình Vân, Lê Độ, Trần Thị Chiến, Nguyễn Văn Nhàn, Hồ Thị Lý, Nguyễn Thị Tám, Võ Văn Cả, Phan Thị Mùa...
Bên cạnh việc tiêu diệt sinh lực địch, lực lượng tự vệ-biệt động Đà Nẵng còn là nòng cốt trong xây dựng thế trận lòng dân, vận động tuyên truyền nhân dân có nhận thức đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng, động viên mọi người tham gia hoạt động cách mạng, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt trong các đoàn thể quần chúng, tạo cơ sở chính trị vững chắc của thế trận lòng dân, điển hình như các căn cứ lõm Bắc Mỹ An, xóm Mốc, Tây An, Hồng Phước, Khu đông Sông Đà, Sơn Trà, Thanh Khê, Hòa Cường, Thạc Gián, Xuân Hà, các căn cứ bàn đạp trung gian như: Hòa Hải, Hòa Xuân, Hòa Tiến, Hòa Châu, Phước Tường, Hòa Liên, Hòa Hiệp và các căn cứ bàn đạp phía sau như: Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Thắng, Điện An, Điện Ngọc.
Xây dựng các tuyến hành lang cơ động từ Thăng Bình,Tam Kỳ qua Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc, Đà Nẵng cùng với các đầu mối, trạm liên lạc... tạo thành hệ thống nối kết liên hoàn vững chắc đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chiến tranh nhân dân trong lòng địch.
Bên cạnh đó còn xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa đón cán bộ, chiến sĩ biệt động vào ra Đà Nẵng bằng các phương tiện vận tải quân sự một cách dễ dàng.
Lực lượng tự vệ-biệt động đã kết hợp chặt chẽ, linh hoạt phương châm đấu tranh 2 chân (chính trị, quân sự) và 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), vận dụng sáng tạo, phong phú, đa dạng các hình thức chiến thuật như: tập kích, phục kích, phản kích, cải trang, nghi binh, cảm tử, bằng mọi vũ khí, hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng chính trị của quần chúng lập chiến công, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn mất ổn định, kẻ địch lo sợ, hoang mang, lúng túng, dồn chúng vào thế bị động, bất ngờ.
Những chiến công và thành tích xuất sắc của lực lượng tự vệ-biệt động Đà Nẵng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước năm 1975. Đã có 2 tập thể và 10 cá nhân thuộc lực lượng tự vệ-biệt động Đà Nẵng được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
Phát huy truyền thống đó, lực lượng tự vệ của thành phố hiện nay đã được xây dựng phát triển đều khắp trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, là lực lượng nòng cốt vừa sản xuất kinh doanh, vừa tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp và phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội địa bàn.
NHƯ Ý