Khi phát hiện thì sản phẩm đã tràn lan
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm là: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Trong đó, với nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố.
Chính sách này được xem là bước cải cách tích cực, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động linh hoạt, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, dán nhãn “sữa bột cao cấp” hoặc “sản phẩm dinh dưỡng” rồi quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.
Nhiều DN thậm chí không nộp hồ sơ công bố, hoặc công bố sai lệch nội dung sản phẩm, dẫn đến việc hệ thống hậu kiểm không kịp phản ứng, trong khi sản phẩm đã ra ngoài thị trường.
Với cơ chế hậu kiểm như hiện nay, các lực lượng chức năng có thể chỉ phát hiện sai phạm sau khi sản phẩm đã được phân phối rộng rãi. Khi đó, người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân, thiệt hại không chỉ là tiền bạc, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng. Hậu quả không chỉ dừng ở cá nhân, mà còn làm xói mòn niềm tin của xã hội vào thị trường thực phẩm chức năng, ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu làm ăn chân chính.
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, bà nhận được nhiều ý kiến của cử tri phản ánh rằng, có khoảng trống pháp lý trong quản lý thị trường sữa. “Nhiều loại sữa giả vẫn được quảng cáo công khai, thậm chí ghi rõ thành phần trên nhãn mác, nhưng vẫn lưu hành suốt 4 năm qua mà người tiêu dùng không thể kiểm chứng. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng hệ thống pháp luật còn lỗ hổng”, bà đặt vấn đề. Theo bà, đây là vấn đề cấp thiết, bởi các sản phẩm sữa kém chất lượng chủ yếu nhắm vào người già, trẻ nhỏ, người bệnh và phụ nữ mang thai.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho DN được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý, khiến cho một bộ phận DN đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Siết chặt cơ chế tự công bố để ngăn ngừa rủi ro
Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để khắc phục “lỗ hổng” từ cơ chế tự công bố, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, để quản lý hiệu quả và ngăn chặn từ gốc, việc sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết, cần rà soát và điều chỉnh Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đặc biệt là cơ chế tự công bố sản phẩm. Việc tự công bố chỉ nên áp dụng đối với nhóm sản phẩm có mức độ rủi ro thấp. Với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như thực phẩm chức năng, cần áp dụng chế độ kiểm duyệt trước khi lưu hành, bao gồm thẩm định hồ sơ, kiểm nghiệm thành phần và đánh giá tác dụng.
|
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Song song đó, cần tăng cường năng lực hậu kiểm cho các cơ quan quản lý tại địa phương, đầu tư hệ thống giám sát bằng công nghệ, nâng cao chuyên môn nhân lực và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ, ngành chức năng để xử lý vi phạm một cách kịp thời và đồng bộ. Cơ chế tự công bố cần đi kèm trách nhiệm pháp lý rõ ràng để DN không thể lợi dụng.
Đối với hoạt động quảng cáo sai lệch, gây hiểu lầm, cần áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc và có tính răn đe thực sự. Những người nổi tiếng, các nền tảng mạng xã hội tham gia vào hoạt động quảng bá sai sự thật cũng cần phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài xử phạt hành chính, cần bổ sung quy định xử lý hình sự đối với những hành vi gian dối có tổ chức, quy mô lớn và gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Người dân cần được cung cấp kiến thức để phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, hiểu rằng không có bất kỳ “thần dược” nào thay thế được một lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng và việc điều trị y khoa bài bản.
Truyền thông, các tổ chức xã hội và ngành Y tế cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, để từng cá nhân có thể tự bảo vệ mình trước “ma trận” thực phẩm chức năng đang nhiễu loạn trên thị trường hiện nay.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần hành động mạnh mẽ hơn để lấp đầy “lỗ hổng” pháp lý, củng cố cơ chế kiểm soát và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước khi những hệ lụy lớn hơn nữa có thể xảy ra.