6 sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống của Bánh mứt kẹo Bảo Minh đạt chuẩn OCOP 4 sao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giữ vững niềm tự hào là thương hiệu bánh kẹo truyền thống hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh vừa ghi dấu ấn  tượng tại Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024, khi có tới 6 sản phẩm tiêu biểu được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao.
Đông đảo các đại biểu và người dân tham quan, thưởng thức các loại sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao tại Hội nghị.
Đông đảo các đại biểu và người dân tham quan, thưởng thức các loại sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao tại Hội nghị.

Gìn giữ hồn Việt trong từng chiếc bánh

Sáng 15/4, tại Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024, 6 sản phẩm tiêu biểu của Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã vinh dự được trao chứng nhận OCOP 4 sao, tiềm năng đạt 5 sao. Đó là các loại bánh: bánh Trong vị ngô, bánh Trong vị lá dứa, bánh Trong vị gấc, bánh Nướng thập cẩm, bánh Nướng đậu xanh và bánh Chả.

Không chỉ đơn thuần là các loại bánh quen thuộc với người dân trong cuộc sống hàng ngày, đây còn là những sản phẩm mang trong mình hương vị truyền thống Việt Nam, được chăm chút bằng cả tâm huyết của những người thợ lành nghề, kết hợp giữa công thức cổ truyền và công nghệ hiện đại.

Với Bảo Minh, mỗi chiếc bánh là một “tác phẩm” ẩm thực gói ghém hồn quê, lưu giữ nét đẹp văn hóa và khơi dậy ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Sáu sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao của Bảo Minh được trưng bày tại Hội nghị.

Sáu sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao của Bảo Minh được trưng bày tại Hội nghị.

Trong 6 loại bánh đó, bánh Trong là một loại bánh dẻo truyền thống được Bảo Minh phát triển thành ba phiên bản mới: vị ngô, vị lá dứa và vị gấc.

Đây là những chiếc bánh trong suốt, mềm dẻo, được tạo màu từ nguyên liệu tự nhiên: bắp nếp vàng ươm, lá dứa xanh mướt và gấc đỏ thắm. Nhân bánh được kết hợp hài hòa giữa đậu xanh nghiền nhuyễn, nước cốt dừa thơm ngậy, tạo nên hương vị thanh mát, ngọt dịu, dễ thưởng thức. Cảm giác khi ăn là lớp vỏ mềm mịn tan nơi đầu lưỡi, phần nhân đậm đà như gợi nhớ những buổi xế chiều bên hiên nhà, nơi bà và mẹ gói bánh trong khói bếp.

Cùng với đó, bánh Nướng thập cẩm và bánh Nướng đậu xanh là hai loại bánh không thể nào thiếu vào mỗi dịp Trung thu.

Bánh Nướng Bảo Minh được giữ dáng vẻ cổ truyền với vỏ bánh nướng vàng ruộm, mềm thơm. Bánh thập cẩm có là các loại mứt bí, hạt dưa, mỡ phần, vừng trắng, lá chanh thái chỉ… hoàn quện vào nhau, tất cả được chế biến theo tỉ lệ riêng, vừa đậm đà vừa bùi ngậy, phù hợp với cả người lớn tuổi lẫn giới trẻ.

Trong khi đó, bánh Nướng đậu xanh lại được các người thợ lành nghề dành cho sự đơn giản chỉ với nhân đậu xanh xay nhuyễn mịn, ngọt nhẹ nhưng lại không thiếu phần hấp dẫn, tinh tế bởi mùi thơm rất đặc trưng, rất thích hợp dành cho các ông, các bác dùng trong những khoảnh khắc sum vầy cùng ngụm trà nóng. Cả hai loại bánh này đều không sử dụng chất bảo quản, độ ngọt được tiết chế để phù hợp khẩu vị của từng người tiêu dùng.

Riêng bánh Chả - một món bánh đặc trưng lâu đời của Hà Nội cũng là một minh chứng sống động cho cách Bảo Minh gìn giữ tinh túy ẩm thực vùng miền.

Bánh chả nhỏ xinh, được làm từ bột mì nhào kỹ, nhân gồm mỡ phần cắt hạt lựu, đường, lạc rang, vừng, lá chanh thái chỉ và một chút quế thơm. Khi nướng lên, bánh có lớp vỏ giòn rụm, nhân thơm lừng, béo nhẹ, mang đến cảm giác giòn tan, ngậy ngọt mà không hề ngấy. Mỗi chiếc bánh như một lát cắt ký ức, đưa người thưởng thức trở về với hương vị Hà thành xưa, đặc biệt khi dùng trong buổi trà chiều, giữa tiết trời hanh hao trong những ngày thời tiết giao mùa.

Giữa thị trường bánh kẹo công nghiệp ngày càng đa dạng, những sản phẩm như thế vẫn giữ được bản sắc riêng, bền bỉ vươn lên nhờ chất lượng và câu chuyện văn hóa đằng sau.

OCOP không chỉ là chứng nhận

Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh khẳng định: “Chúng tôi xem OCOP không chỉ là một chứng nhận, mà là sự thừa nhận cho nỗ lực giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống trong thời đại công nghiệp hóa”.

Bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh (đứng thứ 2 từ bên trái qua) cùng các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh (đứng thứ 2 từ bên trái qua) cùng các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Theo bà Ngô Thị Tính, để đạt chứng nhận OCOP 4 sao, doanh nghiệp không chỉ cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn phải giữ được bản sắc văn hóa, có mẫu mã phù hợp thị trường và triển vọng phát triển. Đó là lý do Bảo Minh đã mạnh dạn kết hợp công nghệ hiện đại với phương pháp thủ công để giữ trọn hương xưa nhưng khoác lên mình một “chiếc áo” mới, tươi tắn và hấp dẫn hơn với thế hệ người tiêu dùng trẻ.

Ít ai biết rằng, Bảo Minh khởi đầu từ một hộ làm bánh truyền thống với quy mô gia đình, truyền nghề qua nhiều thế hệ. Nhưng từ năm 2019, khi chính thức bước vào sân chơi OCOP, doanh nghiệp này đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay, Bảo Minh sở hữu hai nhà máy sản xuất tại Hà Nội và TP.HCM, với sản phẩm có mặt không chỉ tại hệ thống siêu thị trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Ý, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Đáng chú ý, sản phẩm bánh cốm - một đặc sản gắn liền với làng Vòng, Hàng Than - món ăn tinh hoa Hà Nội - của Bảo Minh cũng đang được đánh giá là tiềm năng đạt OCOP 5 sao trong năm nay. Đây cũng là sản phẩm đã được Bảo Minh thành công đưa sang thị trường Bắc Mỹ.

“Chúng tôi rất tự hào vì sản phẩm làng nghề của mình không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa mà còn ngày càng chất lượng hơn, nhờ kết hợp với công nghệ, thiết bị hiện đại,” bà Tính nói.

Sự xuất hiện của gian hàng Bảo Minh tại hội nghị OCOP không chỉ thu hút đông đảo đại biểu Trung ương, thành phố và các địa phương, mà còn trở thành biểu tượng cho sự trở lại mạnh mẽ của sản phẩm truyền thống Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Theo bà Tính, chương trình OCOP đã tiếp thêm động lực lớn cho các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ làng nghề và doanh nghiệp truyền thống đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa sản phẩm để vươn tầm quốc tế. “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã phát triển hơn 20 sản phẩm OCOP. Đây là bệ đỡ để sản phẩm làng nghề có thể ‘cất cánh’, tiếp cận người tiêu dùng thế giới và khẳng định chỗ đứng bền vững trên thị trường,” bà nhấn mạnh.

Với 6 sản phẩm vừa được vinh danh OCOP 4 sao và tiềm năng đạt 5 sao, Bảo Minh một lần nữa khẳng định rằng: giữ gìn truyền thống không có nghĩa là đứng yên. Mà trên con đường phát triển bền vững, doanh nghiệp này đang cho thấy cách một thương hiệu truyền thống có thể đi cùng thời đại, để đưa “hương vị quê nhà” lan tỏa tới thị trường quốc tế.

Đọc thêm