Thời của trí tuệ nhân tạo: OCOP Hà Nội phải 'chuyển mình' để vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi cách tạo ra giá trị và thị trường toàn cầu ngày càng khắt khe, chương trình OCOP không thể tiếp tục bằng lòng với số lượng mà cần phải tập trung vào phát triển sản phẩm từ cách kể câu chuyện, phân phối  sản phẩm cho tới mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Hà)
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Hà)

“Sản phẩm đẹp thôi chưa đủ” - OCOP Hà Nội cần câu chuyện và sức cạnh tranh

Phát biểu tại hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2024 diễn ra ngày 15/4, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đồng hành với Hà Nội trong việc tổ chức các sự kiện tôn vinh và trao chứng nhận sản phẩm OCOP. Những nỗ lực này góp phần làm rõ vai trò của OCOP không chỉ với phát triển nông thôn mà còn trong cấu trúc kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai chương trình, theo ông Tiến, sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận không chỉ qua số lượng mà phải tập trung nhiều hơn vào chất lượng, tính sáng tạo và khả năng hòa nhập thị trường. “Sản phẩm đẹp là chưa đủ, mà phải kể được câu chuyện, phản ánh được văn hóa, vùng đất, và quan trọng là phải có sức cạnh tranh thực sự”, ông Tiến nhấn mạnh.

Dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Tiến cho biết hiện cả nước có hơn 15.000 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có hơn 3.300 sản phẩm chiếm khoảng 1/5 đến 1/4 tổng số. Tuy nhiên, nếu không bắt kịp xu hướng tiêu dùng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc, vị thế này sẽ khó giữ được.

“Không thể nghĩ rằng thị trường Trung Quốc vẫn dễ tính. Giờ họ yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn đóng gói, và những điều này đang dần tương đồng với thị trường châu Âu”, ông Tiến nói.

Để giải bài toán này, ông Tiến cho rằng, OCOP Hà Nội phải bước vào một giai đoạn phát triển mới nếu muốn đưa OCOP Hà Nội vươn ra ngoài biên giới.

Tận dụng Trí tuệ nhân tạo để phát triển sản phẩm OCOP trong thời kỳ mới

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ đắc lực trong việc đổi mới sản phẩm và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Theo ông, nếu trước đây doanh nghiệp mất hàng tháng để lên ý tưởng, thiết kế bao bì, xây dựng nội dung quảng bá, thì hiện nay AI có thể thực hiện toàn bộ quy trình đó chỉ trong vài phút, thậm chí còn tối ưu hóa việc phân tích thị trường, xu hướng tiêu dùng.

“Cuộc chơi đã thay đổi. Vấn đề không phải là chúng ta ngồi nghĩ làm sản phẩm gì nữa, mà là đặt đúng câu hỏi cho AI. Từ đó, AI sẽ giúp chúng ta gợi ý hướng đi, nguyên liệu kết hợp, thị trường tiềm năng, và thậm chí là tạo ra nội dung quảng bá đa ngôn ngữ”, ông Tiến chia sẻ.

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội được trưng bày tại hội nghị công bố và trao chứng nhận năm 2024. (Ảnh: Thanh Hà).

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội được trưng bày tại hội nghị công bố và trao chứng nhận năm 2024. (Ảnh: Thanh Hà).

Cũng theo ông, việc ứng dụng công nghệ số không dừng lại ở giai đoạn sáng tạo mà còn mở rộng sang khâu phân phối. Trên nền tảng thương mại điện tử, các chủ thể OCOP có thể sử dụng AI để tự tạo nội dung giới thiệu sản phẩm bằng nhiều thứ tiếng, phục vụ các thị trường cụ thể như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… mà không cần đầu tư lớn vào đội ngũ nhân sự hoặc agency như trước.

Từ câu chuyện của gian hàng OCOP Hà Nội tại Hội chợ Công nghệ Milan (Ý) năm 2023, ông Tiến khẳng định: "Hà Nội đã bước đầu kết nối được với các hiệp hội quốc tế về thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng cũng là áp lực lớn bởi các thị trường cao cấp sẽ không chấp nhận những sản phẩm thiếu chuẩn hóa hoặc thiếu câu chuyện thương hiệu".

Ngoài chất lượng và công nghệ, ông Tiến cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với bảo vệ môi trường. "Không thể phát triển bằng mọi giá mà bỏ quên yếu tố bền vững. Hà Nội là thủ đô, là hình mẫu quốc gia, thì sản phẩm OCOP Hà Nội cũng phải là biểu tượng tiêu biểu cả về chất lượng lẫn ý thức bảo vệ môi trường”, ông nói.

Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, Hà Nội đang nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vì vậy, ông cho rằng các làng nghề, chủ thể OCOP cần nghiêm túc tham gia vào quy trình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện môi trường. Ông đề nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì các gian hàng OCOP tại các hội chợ quốc tế, đồng thời phát triển các nền tảng thương mại số, xây dựng mạng lưới kết nối với các nhà mua hàng quốc tế.

“Chúng ta không thể mãi hài lòng với 3.300 sản phẩm và vài buổi lễ vinh danh. Sản phẩm OCOP muốn sống được, lan tỏa được, phải trở thành một mắt xích trong chiến lược kinh tế xanh, chuyển đổi số và hội nhập thị trường thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đọc thêm