Kơho Sre là một nhóm tộc người phân bố rộng rãi từ đồng bằng ven biển tỉnh Đồng nai - Bình thuận lên đến nam Lâm Đồng. Nhóm Kơho Sre chiếm khoảng hơn một nửa trong tổng số 150.000 người của cả tộc Kơho.
|
Thiếu nữ KơHo đang dệt thổ cẩm. |
Người Kơho Sre có nguồn gốc văn hóa biển nên ở Di Linh hiện nay vẫn còn địa danh như là ruộng muối (sre pvõh), là một làng hiện thuộc xã Gung Ré. Về tiếng nói, người Kơho thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer phương nam. Nét đặc trưng của người Kơho Sre là họ rất coi trọng chế độ mẫu hệ phụ quyền. Cư dân sống theo làng có hội đồng làng và già làng cai quản, đứng đầu. Giải quyết mọi việc trong buôn làng là già làng nên họ rất xem trọng tiếng nói của người già và già làng là người nắm vững luật tục, kiến văn rộng rãi, nhất là khả năng thuyết phục cộng đồng. Trong gia đình thì lại khác, ý kiến của bà già được tôn trọng hơn là ý kiến của ông già, người vợ quyết định mọi việc thu chi trong gia đình, nhưng lao động chính trong gia đình thì vẫn là người đàn ông. Trong giao tế của dòng họ thì ông cậu lại là người có tiếng nói quyết định.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, lễ hội, ma chay, cưới xin,… trong mọi giao lưu giữa cộng đồng làng thì tinh thần cộng đồng rất được tôn trọng, vì đó là điều kiện và thời gian để các dòng họ có cơ hội gặp gỡ chia sẻ công việc với nhau. Người Kơho tiến hành sản xuất theo kiểu vần công đổi công cho nhau, nhờ đó mà thanh thiếu niên trong làng có dịp gặp gỡ tìm hiểu về khả năng, tinh thần thái độ lao động với các kỹ năng sống thường ngày. Cũng nhờ các lễ hội văn hóa được tổ chức hàng năm trong làng cũng là dịp để họ làm quen nhau, như lễ cúng mùa màng một năm một lần, còn gọi là cúng đình vào khoảng tháng 9, để tạ ơn yàng cho mùa màng được bội thu. Đây cũng là dịp tốt cho các đôi bạn trẻ giao lưu, tìm hiểu tính nết, lời ăn tiếng nói qua câu hát đối đáp, qua các trò vui. Tình cảm trai gái cũng xuất phát từ những sinh hoạt cộng đồng hàng ngày như sau một ngày làm việc thì họ có dịp gặp gỡ ở giếng nước tắm. Ở mỗi làng có nguồn nước tắm khác nhau, có làng thì tắm giếng hay mội nước, có làng tắm sông và có làng thì tắm suối…
Qua sự giao du như vậy khi người con trai đã để mắt đến một người con gái nào mà có vẻ cũng ưng ý, thì đến tối người con trai sẽ đến nhà con gái đó để trò chuyện với nhau. Những tín hiệu tình cảm bắt đầu khi tiếng đàn môi rung lên bên vách, chỗ người con gái ở, để hẹn hò. Họ rất tự do trong quá trình tìm hiểu nhau, như vậy khi hai người đã thật sự mến nhau, ưng thuận và quyết định tiến tới hôn nhân, người con gái sẽ thưa chuyện cùng cha mẹ để chọn ngày hẹn với nhà bên trai qua hỏi chồng.
Trước khi qua nhà trai đi hỏi chồng bên họ người con gái sẽ có một buổi bàn bạc, trong đó người giữ vai trò quan trọng và có tiếng nói nhất đó là ông cậu. Ông cậu là người đại diện quyết định mọi việc. Sau khi nhà gái đã bàn bạc và có sự thống nhất với nhau, họ sẽ xin hẹn với bên gia đình trai trước hai hoặc ba ngày để đến bàn việc hỏi cưới chồng. Thời gian mà họ đến sẽ là vào buổi tối khoảng tầm 7 giờ tối, bên họ gái sẽ cử ra hai người biết cư xử ăn nói gọi là kon gùng (ông mai) để mở đầu câu chuyện (tề lam gùng lọt). Thời gian trình bày nói chuyện trao đổi về lễ vật, ràng buộc, có thể rất lâu. Đến khi hai bên đã thống nhất cho đôi bạn trẻ đến với nhau thì bên trai sẽ yêu cầu những lễ vật mà nhà gái sẽ phải đưa cho họ trai, đó gọi là ‘rơkă kạr’.
Số lễ vật đó bao gồm 1 con trâu (bắt buộc phải có). Vàng tùy theo người ít người nhiều. Áo cho bố chồng (ào bẹp), chuỗi hạt (nhòng trang, nhòng keo), một bộ áo ves cho bố chồng hay chú chồng, một nồi bằng đồng gọi ‘glá’, một ống điếu hút thuốc bằng tre,…
Số lượng vật thách cưới mỗi đám có khác nhau tùy theo họ trai đòi nhiều hay ít, và sẽ chọn ngày làm đám hỏi, ngày đó gọi là ‘vơ chik bộ’, đó là ngày định ước quan trọng với nhiều nghi thức, người đại diện tiến hành mọi việc trong ngày này vẫn là ông cậu. Lúc này ông cậu bên nhà trai và ông cậu bên nhà gái sẽ đứng trước ché rượu cần để cầu xin ơn yàng chúc phúc cho đôi bạn trẻ mọi việc tốt đẹp, đôi bạn trẻ này sẽ đứng trước ché rượu cần rồi họ sẽ lấy một cái ồi trùm đầu người con trai và con gái lại với nhau. Lúc này người cậu bên họ trai chúc phúc và đưa hai đầu con trai và con gái cùng đụng nhau để từ đây họ sẽ thành vợ thành chồng. Chiếc vòng của người con gái được trao cho người con trai và vòng của con trai trao cho con gái. Sau đó hai người uống chung một chén rượu cần do ông cậu rót cho. Khi mọi việc đã xong bên họ gái sẽ chọn ngày đưa lễ vật. Đưa mọi lễ vật xong, bên họ trai và bên họ gái mới thống nhất với nhau ngày làm đám cưới. Nếu chưa đủ lễ vật, họ vẫn thành vợ chồng nhưng chưa được cưới. Khi nào có đủ khả năng thì làm, có khi kéo dài cả chục năm.
Người Kơho cũng có tục nối dây, chấp nhận kiểu hôn nhân lấy con cô con cậu, tục nối dây thường được duy trì ở các dòng họ khá giả do họ sợ mất cái tài sản, nên không cho người ngoài bước vào gia đình mình. Họ chỉ muốn con cháu trong dòng họ nắm giữ của cải. Phong tục đó nay vẫn còn nhưng ít, như ở làng văn hóa Kminh.
Ngày xưa còn có phong tục phải lấy em hoặc chị vợ nếu chẳng may vợ qua đời, mới được ở lại nhà đó, không thì người đàn ông đó sẽ bị đuổi về nhà bố mẹ hay chị em mình.
Phong tục trong cưới hỏi ngày dần bị lãng quên, có những tục lệ nào đó ngày nay không còn nữa, do cuộc giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người. Tuy vậy những nét đẹp của mỹ tục vẫn tồn tại thành truyền thống, những hủ tục thách đố, trả nợ nhạt phai dần.
DANZBI KA HẸ