Người Tày cho rằng, treo bánh khắp nhà thì những linh hồn người lang thang chết ốm hoặc chết đói ngoài rừng, ngoài đường... không có nhà cửa, nơi thờ cúng đều có bánh ăn Tết.
Tục lệ nhân văn
Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu có 96,3% dân số là người dân tộc thiểu số trong đó 58,3% là dân tộc Tày với những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo chứa đựng tính nhân văn cao cả. Đặc biệt, người Tày có phong tục treo bánh Cốc Mò khắp nhà trong dịp Tết rất đặc trưng và ít bị pha trộn với các dân tộc khác.
Vào ngày 25 tháng Chạp, người Tày ở Bình Liêu bắt đầu rửa lá dong gói bánh Cốc Mò để treo ở khắp nhà. Bánh Cốc Mò được làm từ là gạo nếp, không nhân, bọc trong lá dong (hoặc lá chuối), cuốn thành hình chóp nhọn giống chiếc sừng bò. Gạo nếp để gói bánh phải được ngâm 3 tiếng rồi để ráo nước, sau đó đem trộn lẫn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn.
Bánh sau khi gói xong được xâu thành chùm hoặc để rời từng chiếc, xếp vào nồi đổ ngập nước, rồi bắc lên bếp luộc trong 2 tiếng.
|
Bánh Cốc Mò có hình chóp nhọn được người Tày treo ở khắp nhà dịp Tết. |
Theo quan niệm của người Tày, bà con sẽ treo bánh ở khắp các cửa sổ trong nhà và cửa sổ ngoài vườn (chuồng trâu, chuồng lợn) để những người không có nhà cửa đi qua đói thì lấy về ăn. Đặc biệt, việc treo bánh Cốc Mò khắp nhà còn có ngụ ý là để cho linh hồn những người lang thang chết ốm hoặc chết đói ngoài rừng, ngoài đường... không có nhà cửa, nơi thờ cúng có bánh ăn Tết.
Số bánh này sau Tết được coi là lộc, người ta bóc ra cho trẻ con ăn với quan niệm khi ăn lộc, những đứa trẻ sẽ có cuộc sống no ấm khỏe mạnh hơn, có nhà cửa, không phải sống lang thang.
|
Phong tục treo bánh Cốc Mò dịp Tết của người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh được gìn giữ đến tận bây giờ. |
Cùng với đó, người Tày sẽ gói 2 loại bánh chưng khác nhau gọi là bánh bố hình tròn, bánh mẹ dài để cúng tổ tiên với quan niệm gửi linh hồn các con vật rất gần gũi với con người là cá, gà, ngan, lợn xuống cõi âm để người quá cố làm vật nuôi như khi họ còn sống. Bánh chưng của người Tày rất to, được gói bằng 12 bơ gạo, nhân bánh có 1 con cá suối nặng 2,5 lạng, 1 quả trứng và 1 miếng thịt ba chỉ.
Đến chiều 30 Tết, bánh được đưa vào bàn thờ để cúng tổ tiên. Sau Tết, bánh được bóc ra, cả họ phải tập trung đông người ăn mới hết. Nếu có khách đến, chủ nhà rất ân cần mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà coi như may mắn quanh năm.
Một nét đặc trưng khác trong dịp Tết của người Tày đó là, vào sáng 30 Tết, mọi người dậy thật sớm để quét dọn nhà cửa, tỉa chân hương, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa nhà, cây cối. Các gia đình người Tày thường dán giấy đỏ từ cửa nhà, bàn thờ tổ tiên đến chuồng trại và dụng cụ sản xuất... Giấy đỏ là vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc, sức khỏe, cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hại. Việc dán giấy đỏ là để cảm ơn và mời các vật dụng ăn Tết cùng gia chủ.
|
Vào sáng 30 Tết, mọi người dậy thật sớm để quét dọn nhà cửa, tỉa chân hương, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa nhà, cây cối |
Mùng 1 Tết, chủ nhà sẽ dậy thật sớm cùng người nhà xuống suối lấy nước về rửa mặt mũi, chân tay vì đồng bào quan niệm rửa nước suối sạch sẽ sẽ được một năm nhiều may mắn. Trong khi chờ chủ nhà lấy nước, con cháu đi cùng sẽ lấy dây buộc vào hòn đá cuội mang về nhà tung vào chuồng trâu, chuồng gà ngụ ý mong muốn một năm mới trâu bò, lợn gà sinh sôi đầy chuồng, đầy sân.