Dự án CSAT là giai đoạn 3 của Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) do IFAD tài trợ, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện tại 02 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, đã kết thúc vào cuối năm 2020. Dự án CSAT với một số nội dung và hợp phần trọng tâm như: chiến lược mục tiêu, vùng địa lý, nhóm mục tiêu của dự án cũng như các hợp phần và tiểu hợp phần của dự án.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng Chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường, xem đây là nền tảng ổn định kinh tế - xã hội.
Tại Bến Tre, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia IFAD và Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFDC) để cùng thực hiện và đẩy nhanh tiến độ Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSAT).
Bưởi Bến Tre được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường |
Được biết, trong các nhóm mục tiêu của dự án này tại Bến Tre được xác định là nhóm sản phẩm chủ lực như: dừa, tôm biển, cây giống, gia súc, cây ăn trái và nhóm sản phẩm đặc thù của địa phương. Dự kiến khi triển khai Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 60 ngàn hộ dân, trong đó Bến Tre là 25 ngàn hộ. Nguồn vốn dự án chủ yếu từ vốn vay IFAD, vốn đối ứng của Chính phủ, đóng góp từ người hưởng lợi, đóng góp của doanh nghiệp và Quỹ DFCD. Hai bên đã thảo luận nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn vốn tài trợ.
Nhiều mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu giúp người dân cải thiện cuộc sống |
Trước những lợi ích mà dự án mang lại, Bến Tre mong muốn IFAD tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Tài chính sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, cần thay đổi tên gọi các Tiểu hợp phần sát thực tế của Bến Tre và mục tiêu cụ thể. Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan cần có sổ tay hướng dẫn chi tiết cách tiếp cận nguồn tài trợ để các doanh nghiệp của Bến Tre có thể tham khảo về tiêu chí, điều kiện tham gia.
Dự kiến trong thời gian tới, khi dự án CSAT nghiệm thu, sẽ thúc đẩy sự liên kết của chuỗi giá trị, tạo nền tảng quyết định cho sự phát triển nông nghiệp bền vững cho tỉnh Bến Tre. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao tạo tiền đề cho việc tiếp cận thị trường thế giới./.