Từng bước nâng cao chất lượng dân số

Những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ tỉnh ta tiếp tục tập trung vào các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm sinh gắn với từng bước nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai (BPTT) hàng năm đạt cao. Năm 2010, toàn tỉnh có 28.872 trẻ được sinh ra, giảm 219 cháu so với cùng kỳ năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 1,031% so với năm 2009.

Những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ tỉnh ta tiếp tục tập trung vào các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm sinh gắn với từng bước nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai (BPTT) hàng năm đạt cao. Năm 2010, toàn tỉnh có 28.872 trẻ được sinh ra, giảm 219 cháu so với cùng kỳ năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 1,031% so với năm 2009. Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV dân số - KHHGĐ trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu giảm sinh, thời gian qua nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số như: khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; các đề án liên quan đến cơ cấu và chất lượng dân số được triển khai thực hiện. Đề án kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân được triển khai thí điểm năm 2006 ở 2 xã của huyện Vụ Bản, đến năm 2010 đã nhân rộng ra 21 xã trong tỉnh. Đề án được triển khai với các nội dung: Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn, khám sức khỏe cho đối tượng… đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân nói chung và đặc biệt là đối tượng vị thành niên, thanh niên về SKSS, đồng thời cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai từ năm 2007 nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến nay, đề án đã được triển khai tại 62 xã, phường của 7 huyện, thành phố với các nội dung: Tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân nói chung và đặc biệt là các thai phụ có nguy cơ cao đến khám và thực hiện sàng lọc trước sinh, tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai sắp sinh và gia đình sàng lọc sơ sinh cho trẻ mới sinh để phát hiện những bệnh mà nếu để lâu thì không thể khắc phục được như thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh… Việc chẩn đoán và điều trị sớm những bệnh này trong những tuần đầu đời là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bình thường của trẻ. Tính đến hết tháng 10-2010, đã có 1.103 lượt thai phụ tham gia sàng lọc, phát hiện 26 trường hợp dương tính thiếu G6PD và thiếu TSH 01, trong đó có 3 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương…

Tuy nhiên, công tác nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô và chất lượng dân số chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển của xã hội. Mức giảm sinh chưa thực sự vững chắc, đặc biệt, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta khá cao: Năm 2009, con số này là 116 bé trai/100 bé gái, năm 2010 là 121 bé trai/100 bé gái. Ở một số vùng nông thôn, năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng là 134 bé trai/100 bé gái, Nam Trực 125 bé trai/100 bé gái… Bên cạnh đó, việc thực hiện hai đề án “Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân” và “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” còn gặp khó khăn… Trước những thách thức đó, cần tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số - KHHGĐ; huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số - KHHGĐ…; đưa công tác dân số - KHHGĐ trở thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh đẻ trong một bộ phận nhân dân, hạn chế dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ phải kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân chuyển đổi hành vi tự nguyện thực hiện mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh. Mặt khác, cần tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS ở những vùng có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Tiếp tục thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như: khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên... Đẩy mạnh phong trào toàn xã hội chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa về thể chất và trí tuệ, tinh thần và đạo đức, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng./.

Minh Thuận

Đọc thêm