Từng bước xã hội hóa cơ chế tống đạt giấy tờ của nước ngoài

(PLVN) - Hiện nay, số lượng các vụ việc dân sự được giải quyết tại các tòa án cấp tỉnh là rất lớn trong khi nguồn lực cán bộ và ngân sách không được bổ sung. Để giảm tải áp lực cho hệ thống các cơ quan tố tụng, việc tạo cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài là vô cùng cấp thiết.

Quy định còn chưa đầy đủ

Trong những năm gần đây, có thể thấy, các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch về dân sự, thương mại, lao động và hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không ngừng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức và phức tạp về nội dung dẫn đến số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp (TTTP) Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển thực hiện tăng nhanh đáng kể. 

Vào thời điểm năm 2005 số lượng yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự hàng năm gửi đến Việt Nam và Việt Nam gửi ra các nước trung bình là 800-1000 yêu cầu, đến nay số lượng yêu cầu TTTP đã tăng lên 3000-4200 yêu cầu/năm (tăng gấp hơn 4 lần) đòi hỏi quy trình thủ tục thực hiện phải được cải cách, rút ngắn và cắt giảm hồ sơ, các khâu trung gian để giảm tải gánh nặng cho các cơ quan thực thi ở trung ương cũng như ở địa phương.

Trong bối cảnh số lượng các vụ việc dân sự cần được giải quyết tại tòa ngày càng gia tăng, việc thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) cho nước ngoài với số lượng ngày càng nhiều đã tạo thêm gánh nặng cho hoạt động của các tòa án địa phương. Để giảm áp lực cho hệ thống các cơ quan tố tụng, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ nói chung theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (bao gồm cả tống đạt văn bản giấy tờ trong nước) nhiều tòa án đã thực hiện việc tống đạt hồ sơ kể cả hồ sơ theo yêu cầu của nước ngoài thông qua thừa phát lại.

Hiện nay theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định 08), thừa phát lại có thẩm quyền tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến TTTP về dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (điểm b, khoản 1, Điều 32). Bên cạnh đó, các tổ chức cá nhân ngoài nhà nước được thực hiện chức năng tống đạt văn bản tố tụng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 172) và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 101) không chỉ bao gồm thừa phát lại mà còn bao gồm nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính, người có chức năng tống đạt và những người khác mà pháp luật có quy định. 

Do đó, quy định của Luật TTTP về thẩm quyền thực hiện tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của nước ngoài hiện nay là chưa đầy đủ và chưa có cơ chế cho xã hội hóa hoạt động việc tống đạt giấy tờ.  

Giao tổ chức tư nhân thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài

Để giải quyết tình trạng trên, dự thảo Luật TTTP về dân sự đưa ra giải pháp thực hiện ủy thác tống đạt giấy tờ theo quy định nguyên tắc, cơ chế giao tổ chức tư nhân thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài sẽ cắt giảm được quy trình tại Tòa án/Cơ quan thi hành án dân sự, giảm tải công việc cho các cán bộ nhà nước. Do đó tiết kiệm được thời gian, tài chính và nguồn lực thực hiện.

Trong trường hợp chỉ thực hiện xã hội hóa với các hồ sơ theo Công ước tống đạt để thu chi phí (ước tính 300 hồ sơ/năm), khi các yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài đến Việt Nam được gửi theo kênh Công ước tống đạt, Bộ Tư pháp là đầu mối tiếp nhận sau đó chuyển trực tiếp cho cơ quan tư nhân được lựa chọn. Hiện nay, các yêu cầu tống đạt giấy tờ theo quy trình với tổng thời gian thực hiện nhanh nhất theo cách hiện hành là 30-36 ngày (không tính thời gian hồ sơ lưu lại các đơn vị trung chuyển vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ).

Trong trường hợp thực hiện với toàn bộ các yêu cầu ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ do nước ngoài gửi đến (gần 1200 hồ sơ/năm), sẽ tiết kiệm chi phí cho nhân lực giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí bưu điện Bộ Tư pháp gửi hồ sơ cho Tòa án/cơ quan thi hành án; sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các yêu cầu qua đó tạo lòng tin các đối tác nước ngoài.

Như vậy, nếu theo giải pháp này, các cơ quan trực tiếp thực hiện yêu cầu này là Tòa án/Cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiết kiệm nhân lực phải bỏ ra trong tiếp nhận và chuyển thực hiện các yêu cầu đến để gửi đến đơn vị trung gian. Việc xã hội hóa cho dù qua đơn vị thực hiện nào cũng rút ngắn thời gian thực hiện ủy thác, đẩy nhanh thời gian giải quyết các tranh chấp dân sự và thương mại có liên quan đến người dân và doanh nghiệp. 

Đọc thêm