Tùng Dương: ‘Thế giới thứ ba có nhiều người tài năng’

Trong những “thao thao bất tuyệt” về đời sống âm nhạc, về gu thời trang, về album “Liti”, Tùng Dương cũng khá thẳng thắn khi nói lên những quan niệm của mình về giới tính thứ ba.

Trong những “thao thao bất tuyệt” về đời sống âm nhạc, về gu thời trang, về album “Liti”, Tùng Dương cũng khá thẳng thắn khi nói lên những quan niệm của mình về giới tính thứ ba.Sẵn sàng chia sẻ với les, gay, bi… nếu họ là bạn tốt- Rất cầu kỳ trong âm nhạc, trong ăn mặc và cả trong nói năng. Vậy điều gì ở Tùng Dương là đơn giản nhất? - Đơn giản nhất của tôi cũng vẫn là nghệ thuật. Đó là cách tôi truyền tải cảm xúc của mình vào bài hát để gửi đến người nghe những thông điệp của cá nhân tôi. Nó được tôi thực hiện một cách rất tự nhiên, không gượng ép theo kiểu “cố làm cho bằng được”. Cho nên, dù bài hát gai góc, ma quái… đến đâu thì tôi vẫn hát được bằng những cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên, nghệ thuật tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều khi lại không đơn giản chút nào. Đôi lúc, phức tạp hóa một vấn đề có khi lại còn dễ hơn là đơn giản. Và tất cả mọi cái còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của chính người nghệ sĩ. Còn nói về lối sống thì tôi cũng thuộc dạng khá tuềnh toàng, qua quít. Tất nhiên, cái sự tuềnh toàng, qua quít đó cũng nằm trong gu thẩm mĩ chung của thời đại, của thế hệ mình chứ không phải là đi ngược dòng. Tôi đơn giản dị nhưng giản dị theo kiểu có văn hóa, có chiều sâu để khi đi ra ngoài đường người ta vẫn tôn trọng tôi. Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn đi cà phê, xem phim với bạn bè, đó là một khía cạnh rất đời thường của cuộc sống. Quan trọng nhất với tôi là luôn có những đích tới trong nghệ thuật và nỗ lực hết mình để đạt được cái đích đó.
Mô tả ảnh.
Ca sĩ Tùng Dương
- Vậy sự đơn giản trong thói quen sống của Tùng Dương có gây bất lợi nhiều cho sự phát triển của ca sĩ Tùng Dương trong nghệ thuật? - Thực ra, đơn giản trong nghệ thuật cũng là một điều khó đạt được chứ không phải dễ. Đơn giản mà người ta vẫn chấp nhận mình và mình vẫn có những bước tiến tích cực là điều mà ai cũng muốn hướng tới. Đó chính là sự thanh cao, sự đơn giản có văn hóa. Có nhiều người cứ nghĩ mình đơn giản nhưng người ngoài nhìn vào lại không thấy họ đơn giản chút nào. Còn nhiều người nghĩ mình cầu kỳ thì thực ra lại đơn giản đến khó tưởng. Tất nhiên, âm nhạc của tôi thì không đơn giản chút nào, dù nó có không cầu kỳ thì tự trong bản thân nó cũng đã hàm chứa những thông điệp, tư tưởng rất đậm tính triết lý, tính nhân văn. Nó khiến người nghe vừa bay bổng nhưng đồng thời cũng phải tư duy theo nó chứ không như những bài hát trên thị trường, nghe mà không đọng lại gì trong đầu, nghe xong thậm chí cái tên bài hát cũng không nhớ nổi. Hoặc ca từ quá ngô nghê chẳng hạn. Tôi thì không bao giờ cho phép mình đơn giản đến mức khó chấp nhận được như vậy. Đấy cũng là cái khó, cái khổ của tôi trên con đường chinh phục khán giả, lớp khán giả riêng có của mình.- Còn trong tình bạn thì sao? - Tình bạn cũng như tình yêu của tôi đơn giản nhưng cũng có những chuẩn mực riêng. Tôi luôn đặt ra cho mình những nguyên tắc để tình bạn, tình yêu không bị đơn giản hóa theo kiểu bông phèng. Giản dị trong tình bạn, tình yêu của tôi chính là sự chân thành. Tình yêu cũng cần chân thành. Tình bạn cũng cần chân thành. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự chân thành cũng giúp bạn cảm nhận được sự chân thật về tình cảm của những người xung quanh đối với mình. Điều đó sẽ giúp cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn rất nhiều.- Chính nhờ điều đó mà Tùng Dương có được rất nhiều bạn bè, kể cả những người bạn thuộc thế giới thứ ba? - (Cười và tỏ ra khó chịu). Thực ra thì tôi không thích những dạng câu hỏi kiểu như thế này bởi như thế có thể gây hiểu lầm cho người đọc. Còn để trả lời thì tôi thấy bạn bình thường, hay bạn thuộc thế giới thứ ba cũng có người này, người nọ. Thế giới thứ ba cũng có rất những người bạn sống rất tài năng. Còn tôi không muốn nói sâu vào chuyện đó vì đó là cuộc sống riêng tư của họ. Tôi chưa bao giờ có sự phân biệt trong quan hệ bạn bè. Dù họ có là les, bi, gay… hay giới tính thứ 4, thứ 5 gì đi chăng nữa thì nếu họ là bạn tốt của tôi, tôi vẫn sẵn sàng chia sẻ với họ như những người bạn tốt.Rất buồn vì bị chê “sao xấu”- Nhưng những phát ngôn dạng như thích vào shop thời trang nữ và chọn những bộ đồ "men" nhất để mặc dễ khiến người ta hiểu là bạn đang có vấn đề về giới tính? - Đấy là sự khác thường của người nghệ sĩ làm nghệ thuật sáng tạo phải có. Chẳng hạn như John Felix – anh ấy là một người rất đẹp trai, cơ bắp, đóng những vai phản diện và đầy cá tính nhưng anh ấy vẫn chọn cho mình những trang phục rất cá tính đấy chứ. Đấy là gu thời trang của mỗi người. Một khi bạn có những trình độ nhất định về thời trang thì bạn sẽ định vị được như thế nào là đẹp duy mĩ, như thế nào là đẹp ấn tượng. Bản thân tôi có những cái nhìn hơi khác người nhưng không phải bộ trang phục nào tôi cũng có kiểu chọn lựa như thế. Có những bộ trang phục của nữ mà chỉ cần quá một chút là sẽ trở nên phản cảm. Cái đó nó còn là cả một nghệ thuật chọn đồ nữa. Thời tôi mặc các loại quần áo lấp lánh, đeo các loại vòng cổ, vòng tay… đã qua rồi. Bây giờ tôi thích cái gì đó đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng vẫn phải ấn tượng và tạo được phong cách riêng. Khác lạ mà gọn gàng, đẹp chứ không phải khác lạ mà trông chẳng có sự liên quan gì đến nhau. Trên thế giới hiện có rất nhiều khuynh hướng thời trang và unisex là một khuynh hướng thời trang mà hiện nay có rất nhiều bạn nữ, bạn nam lựa chọn. Những bạn nữ có cá tính mạnh thì chọn những trang phục hơi “men” một chút, còn bạn nam sống lãng mạn một chút thì thường chọn những bộ quần áo mềm mại, dịu dàng, kiểu cách. Đấy không phải là sự lệch lạc đâu mà là một xu hướng mới của thời đại.
Mô tả ảnh.
- Có thể xem mỗi người có một gu thời trang riêng và không thể bắt người này giống người kia. Nhưng thứ thời trang bạn mặc luôn bị đưa vào mục “Sao xấu trong tuần” hoặc nhận được không ít sự phản đối của những người xung quanh thì liệu có nên xem lại cách ăn mặc đó? - Nói về “Sao xấu, sao đẹp” của một trang tin thì tôi không phục tí nào cả. Thậm chí khi đọc những dòng comment đó tôi không thấy có gì phải bận tâm cả. Việc tôi bị liệt vào “sao xấu” không ảnh hưởng gì đến tôi cả bởi với tôi quan trọng nhất là nó thỏa mãn gu thẩm mĩ của mình. Còn những người làm chuyên mục đó có phải là chuyên gia về thời trang đâu. Theo tôi, như thế nào sẽ hợp lý hơn, đặt ra những câu hỏi đại loại như: “Theo bạn, như thế này là xấu hay đẹp?” rồi trích những chương trình, những sự kiện diễn ra trong tuần và thăm dò ý kiến của công chúng mà trao giải “trái cóc xanh” hay “bông hồng vàng” gì đó cho những người được bình chọn là ăn mặc dở nhất, đẹp nhất trong tuần. Như thế sẽ văn minh hơn rất nhiều. Từng có nhiều bạn đồng nghiệp của tôi than phiền về chuyên mục này và thậm chí họ còn bị suy sụp nữa.- Bạn tự tin rằng mình chưa hề bị suy sụp lần nào mặc dù thường xuyên bị xếp vào mục “Sao xấu”? - Suy sụp thì không mà buồn thì có. Buồn vì còn rất nhiều công chúng chưa hiểu hoặc quá khắt khe với mình. Tôi vẫn nghĩ những điều khắt khe đó có thể làm cho mình tốt hơn chứ chưa bao giờ hiểu đó là sự ghét bỏ nên tôi vẫn tiếp nhận những lời khen, lời chê để chỉnh đốn lại mình theo hướng tốt hơn. Nhưng mà vẫn không thể không buồn khi mình bị chê như thế.- Có mâu thuẫn hay không, khi bạn vừa cố gắng đơn giản hóa sự phức tạp trong âm nhạc để đưa âm nhạc đến gần với khán giả nhưng lại vừa chọn lối thời trang không giống ai để mặc khi biểu diễn? - Tôi nghĩ là công chúng thời nay có trình độ thẩm định, cảm nhận về thời trang, âm nhạc tinh tế và nâng cao hơn rất nhiều so với thời xưa. Chính vì thế họ cũng có cái nhìn thông thoáng hơn đối với thời trang, với âm nhạc. Và tôi tin chắc là họ sẽ có cách cảm nhận thấu đáo đối với tôi hay bất kỳ người nào, xấu dở họ sẽ nhìn thấy ngay. Còn, sáng tạo trong nghệ thuật mà cũng bắt buộc người ta phải theo số đông, làm vừa lòng tất cả mọi người thì chẳng khác gì vô tình giết chết nguồn cảm hứng sáng tạo của họ. Làm như thế họ sẽ không thể đi xa được.Album 30.000 euro đơn giản vì ước mơ- Khẳng định trong mình luôn tồn tại một sự ngầu và ngông của nghệ sĩ. Vậy bỏ ra tới 30.000 euro để làm album "Liti" có phải là để khẳng định cái ngông và ngầu nghệ sĩ đó? - Thật ra làm đĩa không phải để thể hiện cái ngầu, cái ngông của người nghệ sĩ đâu mà tôi chỉ muốn ước mơ, dự định của mình được thực hiện. Đây là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Việt Nam kết hợp giữa âm nhạc điện tử (electronica music) và nhạc giao hưởng. Và như thế đương nhiên là phải kỳ công và phức tạp rồi. Ở thế giới, dòng nhạc này cũng chưa phải là đại chúng nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn muốn làm bởi họ có những đối tượng khán giả riêng của họ. Tôi cũng vậy, tôi muốn khán giả ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của mình trong nghệ thuật… Nên tôi lường được trước rằng, có thể album này ra không phải một sớm một chiều mà hot như album của nhiều bạn trẻ hiện nay nhưng quan trọng hơn là con đường dài, sự đi xa.
Mô tả ảnh.
- Album có tên là "Li ti" nhưng bìa của album lại chỉ có một con mắt với duy nhất hình ảnh của một Tùng Dương ma quái. "Li ti" ở đây có nghĩa là Tùng Dương? - Hàm ý của cả album này là hãy mở mắt để chúng ta được giao lưu, chúng ta được xích lại gần nhau bằng lòng nhân ái. Sự đố kỵ, nhỏ nhen… sẽ bị đẩy lùi nếu chúng ta biết chế ngự nó và đẩy lòng nhân ái lên cao. Mọi sự quan sát đều tập trung vào đôi mắt nên nếu mở rộng đôi mắt ra bạn sẽ nhìn thấy được rất nhiều điều thú vị từ cuộc sống, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi thừa nhận là hình ảnh của bìa album hơi trừu tượng, triết lý… Nhưng trên bìa đĩa, nếu bạn quan sát kỹ sẽ thấy là có nhiều đôi mắt với nhiều Tùng Dương khác nhau đấy. Mỗi một hình ảnh là một trạng thái cảm xúc, một con người Tùng Dương khác nhau chứ không chỉ có mỗi ma quái, quằn quại. Và trong đó, Tùng Dương cũng chỉ là một hạt bụi “li ti” trong gió, trong cuộc đời này mà thôi.
Theo Hà Tùng Long
Bưu điện Việt Nam

Đọc thêm