Dấu ấn lịch sử
Khoảng đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Marx–Lenin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc được truyền bá sâu rộng trong nước, có sức ảnh hưởng lớn tới lớp thanh niên ưu tú. Năm 1925, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng ra đời và phát triển mạnh mẽ với phong trào “Vô sản hóa” sôi nổi. Trước tình hình đó, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng nhận thấy phong trào cách mạng cần phải có một tổ chức chặt chẽ với cương lĩnh rõ ràng, phương pháp hoạt động đúng đắn...
Năm 1928, những thành viên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội thuê căn nhà số 5D trên phố Hàm Long làm trụ sở bí mật. Giữa bốn ngôi nhà liền kề chung một khoảng sân sau cùng bếp và khu phụ, căn số 5D có địa thế hoàn hảo khi ngay bên hông là một hẻm nhỏ thông ra phố Lê Văn Hưu. Phía sau nhà có một khoảng vườn um tùm cây cối mọc dại nên ít người qua lại. Nếu có bất trắc, các đồng chí có thể nhanh chóng thoát ra phía sau an toàn.
Cơ sở hoạt động này được giao cho vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung (tức Quốc Anh) và đồng chí Nguyễn Thị Liên sinh sống và quản lý. Đồng chí Quốc Anh bấy giờ đang làm việc tại nhà máy, còn đồng chí Liên ở nhà nội trợ và bảo vệ cơ sở. Là người gốc Nghệ An, họ hoàn hảo trong vai một cặp vợ chồng từ quê ra thành phố kiếm sống. Đồ đạc trong nhà không có gì nhiều ngoài bộ tràng kỷ, giường chiếu, hòm đựng đồ... đều do những hội viên của tổ chức đóng góp.
Bên trong căn nhà số 5D diễn ra những cuộc họp xoay quanh vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo quần chúng, thống nhất tư tưởng và phương hướng hoạt động. Các đồng chí thường ngồi họp tại bộ tràng kỷ ở phòng khách vào đêm muộn, phân công đồng chí Liên ngồi chơi hóng gió bên ngoài nhằm phát hiện bất thường, ra mật hiệu nếu có biến.
Mốc son tháng 2
Một đêm cuối tháng 3/1929, một cuộc họp quan trọng diễn ra, quyết định thành lập Chi bộ 5D Hàm Long - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Chi bộ gồm 8 thành viên nòng cốt là đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Dương Hạc Đính (tức Hoàng Hạc) và Nguyễn Văn Tôn (tức Kim Tôn).
Đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư Chi bộ. Tại cuộc họp này, Chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ như đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội Thanh niên Bắc Kỳ lần 2 để vận động các đại biểu tán thành; vận động các đại biểu địa phương bầu trong số các đồng chí đi dự đại hội thanh niên toàn quốc; thông qua kỳ bộ thanh niên để lãnh đạo các phong trào và phát triển tổ chức công hội, nông hội và tuyên truyền; giữ bí mật để phát triển thêm Đảng viên...
Vừa thành lập, Chi bộ đã chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng đặc biệt trong các xí nghiệp để rèn luyện và phát triển Đảng viên. Tiêu biểu như phong trào đấu tranh của các chị em tại chợ Đồng Xuân, phong trào đình công của công nhân Avia tại Hà Nội, công nhân nhà máy sợi Hải Phòng, dệt Nam Định, gạch Hưng Ký (Yên Viên), nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh), xưởng ôtô Đà Nẵng...
Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời tại nhà số 312 phố Khâm Thiên với Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm các đồng chí trong Chi bộ 5D Hàm Long. Chi bộ 5D Hàm Long trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản Đảng, tiếp tục lãnh đạo phong trào ở Hà Nội và cả nước. Sự kiện này tác động để An Nam Cộng sản Đảng ra đời vào tháng 7/1929, và tổ chức Đông dương Cộng sản Liên Đoàn thành lập vào tháng 9/1929.
Tất cả là tiền đề dẫn tới ngày 3/2/1930 - mốc son của lịch sử dân tộc. Tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, với mục tiêu thành lập một Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội và con người, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Địa chỉ đỏ
Năm 1959, nhà 5D phố Hàm Long trở thành nhà lưu niệm và đến năm 1964 Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cách mạng. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2000 nhà 5D phố Hàm Long được khôi phục kiến trúc, nội thất như thời điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Hiện nay di tích nhà 5D Hàm Long gồm phòng lưu niệm, phòng trưng bày, phòng khánh tiết, phòng làm việc và khu phụ trên diện tích hơn 500m2.
Nơi giáo dục truyền thống cách mạng
Ngày nay, ngôi nhà 5D Hàm Long đã trở thành một di tích cách mạng quan trọng gắn liền với lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc. Nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.