Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, các em học không phải là làm việc gì quá to lớn, mà từ chính những việc nhỏ nhưng được thực hiện bằng tấm lòng chân thành, nhiệt huyết của các em. Đó có thể là những việc làm đơn giản khi xã hội đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do dịch bệnh, bão lũ.
Vào năm 2021, “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 cần huy động sức mạnh của cả cộng đồng. Có nhiều người dân đã ủng hộ vật chất, tiền của cho công cuộc chống dịch, trong đó, có những em nhỏ đã dành tiền tiết kiệm để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.
Em Anh Khôi (Đống Đa, Hà Nội) khi đó mới học lớp 1, đã sẵn sàng “đập lợn” đóng góp toàn bộ số tiền tiết kiệm được cho Ủy ban MTTQ Việt Nam để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng số tiền em góp là 4 triệu 700 nghìn đồng, đây là tiền mừng tuổi, tiền ăn sáng, tiền ăn quà mà em dành dụm để trong “chú lợn đất”. Khi được hỏi, Minh Khôi chia sẻ chứng kiến các cô, chú bác sĩ đã vô cùng vất vả, phải xa nhà, xa gia đình, chấp nhận khó khăn, nguy hiểm để chống dịch bệnh, em mong muốn được hỗ trợ các bác sĩ tham gia chống dịch.
Tại TP HCM, em Thảo My (khi đó mới 9 tuổi), tự làm hàng chục phần bánh flan mỗi ngày để bán qua mạng và gửi tặng các y, bác sĩ. Trung bình, mỗi ngày em sẽ làm khoảng 120 hộp.
Đến năm 2024, khi cơn bão số 3 Yagi qua đi để lại nỗi đau, tổn thất nặng nề cho nhiều cơ sở, trường học, các em học sinh đã thực hiện đúng lời Bác Hồ đã từng căn dặn thế hệ trẻ “tương thân, tương ái”. Dù không có nhiều để đóng góp, nhưng không ít em đã trích một phần tiền ăn sáng, tiền tiết kiệm để ủng hộ những học sinh vùng bão lũ khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Lấy ví dụ như Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (Hà Nội) cũng đã tổ chức cho cán bộ, học sinh, phụ huynh quyên góp ủng hộ để kịp thời gửi đến đồng bào miền Bắc, mong đồng bào sớm vượt qua đau thương, mất mát. Toàn trường đã quyên góp được khoảng 319.524.000 đồng. Số tiền quyên góp được, trường gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Cầu Giấy, Hội Chữ thập đỏ,...
Đơn cử như câu chuyện của em học sinh Võ Xuân Nghi (SN 2015) - học sinh Trường Tiểu học Lê Lai (Hải Châu, Đà Nẵng). Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ của nhà trường, Xuân Nghi đã trích toàn bộ số tiền mình dành dụm được trong 3 tháng hè để gửi đến người dân miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của bão lũ. Số tiền này bao gồm tiền em bán rác tái chế và tiền thưởng em đạt được khi giành chiến thắng 2 giải bơi lội thành phố, mỗi giải 100 nghìn đồng. Tổng cộng số tiền là 360 nghìn đồng.
Không chỉ sống “chân - thiện - mỹ” theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đất nước đối diện với dịch bệnh, thiên tai, bão lũ. Các em học sinh ở các cấp phổ thông luôn nỗ lực, rèn luyện mỗi ngày. Như trả lại của rơi cho người mất. Mới gần đây nhất, tại huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), hai nam sinh lớp 10 đã nhặt được một chiếc ví chứa tổng tài sản lên đến 26 triệu đồng. Hai em học sinh đã nhanh chóng đến trình báo công an tìm lại người mất đồ. Công an xã đã trao giấy khen biểu dương “Người tốt, việc tốt” của Chủ tịch UBND xã cho hai em.
Để noi theo gương hiếu học của Bác Hồ, rất nhiều em học sinh ở Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong các bộ môn văn hóa. Đặc biệt, các em còn giành được những giải thưởng quốc tế, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của con người, trí tuệ Việt Nam cho bạn bè năm châu. Trong tháng 5 năm nay cả 4 học sinh tham dự đều xuất sắc giành huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tại Kỳ thi Hóa học Quốc tế Mendeleev. Trong đó, hai học sinh giành Huy chương Vàng là: Trần Trung Kiên, lớp 12, Trường Trung học Phổ thông chuyên Amsterdam (Hà Nội); Nguyễn Ngô Đức, lớp 12, Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An).
“Việc gì khó có thanh niên”
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, những năm qua, việc học tập và làm theo lời Bác được tuổi trẻ tại các tỉnh, địa phương thực hiện hiệu quả phát huy vai trò năng nổ, sáng tạo của thanh niên. Trong năm 2025, hàng nghìn thanh niên đến từ nhiều tỉnh, địa phương của Việt Nam sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự. Tại TP HCM, tổng số lệnh gọi công dân nhập ngũ nghĩa vụ quân sự đã trao tại TP HCM là 4.197, trong đó lệnh chính thức là 4.003 công dân (4.000 nam, 3 nữ), lệnh dự phòng là 194. Công dân nhập ngũ nghĩa vụ công an nhân dân là 987 thanh niên. Ở tỉnh Bắc Giang, có hơn 3 nghìn thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, tỉnh Bình Phước khoảng 1.600 người lên đường nhập ngũ trong năm 2025. Đây đều là những thanh niên trong độ tuổi 19, 20, với lòng quyết tâm, ý chí mong muốn được rèn luyện bản lĩnh, sẵn sàng cống hiến cho đất nước, dân tộc.
|
Thanh niên Việt Nam đã và đang có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: Đoàn Thanh niên) |
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân thì làm”, trong đợt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, hàng nghìn chiến sĩ, dân quân trong độ tuổi thanh niên đã tham gia diễu binh. Họ đem lại hình ảnh trẻ trung, năng động, tràn đầy nhiệt huyết của người lính với Tổ quốc. Các chàng trai, cô gái trong bộ quân phục nghiêm trang đứng giữa thời tiết nóng nực, mưa dầm vẫn kiên định, vững chãi, mạnh mẽ ghi dấu ấn trước người dân một niềm tin tưởng, yêu mến dành cho những chiến sĩ công an, cảnh sát, dân quân.
Đó còn là những thầy, cô giáo trẻ bám bản, bám làng ở vùng cao, biên giới hải đảo. Có người trong họ vừa mới tốt nghiệp, ra trường, có thầy, cô giáo đã xin về dạy vùng cao được khoảng chục năm. Đối diện với con đường dốc đổ đứng, lớp học sơ sài, học sinh thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng họ vẫn nỗ lực mỗi ngày “gieo con chữ” đến các em nhỏ.
Còn nhớ, bức ảnh cô giáo Nguyễn Thị Trang (Trường Tiểu học Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) ngã xe lấm lem bùn đất trên hành trình “gieo chữ” khiến mọi người vừa cảm phục lẫn xúc động. Trên mạng xã hội, mọi người trân quý sự nỗ lực của giáo viên vùng cao. Được biết, điểm trường nơi cô giảng dạy là một trong vùng xa nhất ở huyện miền núi Ba Tơ, đường đi lầy lội, nhiều bùn đất, rất khó khăn khi di chuyển. Cô đã gắn bó 12 năm với học sinh và trở thành một cô giáo trẻ được các em yêu mến, kính trọng. Cô Trang là một trong số hàng nghìn giáo viên trẻ khác ngày ngày bám bản, “gieo chữ”, thắp sáng tương lai cho học sinh vùng cao.
Bên cạnh đội ngũ giáo viên, các y, bác sĩ trẻ cũng đang làm tròn trách nhiệm “lương y như từ mẫu”, họ luôn đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên đầu. Vào năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng nổ mạnh mẽ, hàng nghìn bác sĩ từ khắp nơi tại Việt Nam xung phong vào “tâm điểm” dịch bệnh để cứu chữa. Mới gần đây nhất, câu chuyện bác sĩ trẻ Phạm Tiến Mạnh chuyên ngành thẩm mỹ tại Hà Nội. Trên đường về nhà, bác sĩ thấy phía trước có một đám đông tụ lại, đoán là vừa xảy ra tai nạn. Anh không ngần ngại xuống xe xem tình hình thì thấy một cô gái đang nằm bất động, mắt trợn ngược, cơ thể co giật, biểu hiện rất nguy cấp. Lúc đó, bác sĩ Mạnh lập tức lao vào hỗ trợ sơ cứu vì biết rằng, từng giây lúc ấy là sự sống, không thể chậm trễ.
Điểm đặc biệt, phía sau xe ô tô của bác sĩ Mạnh có một dòng chữ: “Tôi là bác sĩ. Nếu bạn cần giúp đỡ, xin hãy dừng xe tôi lại”. Hình ảnh chiếc xe dán dòng chữ đặc biệt của bác sĩ Mạnh từng được chia sẻ rộng rãi trên các hội nhóm mê xe. Đây được nhận xét là “khẩu hiệu ngắn gọn nhưng chứa đầy tình người”.
Ngoài các chiến sĩ công an, quân đội, y, bác sĩ, giáo viên,... vẫn còn đó đội thanh niên xung kích, họ luôn âm thầm, lặng lẽ xuất hiện mỗi khi người dân cần đến. Từ những hoạt động đơn giản như tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi ở trong quận, huyện. Cho đến phát quà người già neo đơn, cựu chiến binh, người cao tuổi. Hay đến công việc hệ trọng hơn như phòng, chống thiên tai, bão lũ, khắc phục hậu quả. Còn nhớ sau khi cơn bão Yagi đi qua vào tháng 9 năm 2024, hàng loạt các đội thanh niên xung phong đến từ nhiều tỉnh, thành phố đã tham gia hỗ trợ người dân, chính quyền ở những vùng tổn hại nặng nề.