Tham gia sản xuất vụ đông, trồng nấm, chăn nuôi theo mô hình trang trại, làm chủ các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, kinh doanh… của tuổi trẻ huyện Xuân Trường đang góp phần tích cực tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu, đẩy nhanh tốc tộ tăng trưởng kinh tế của địa phương…
Từ chuyện cây đậu tương đông…
Phát triển diện tích cây rau màu vụ đông trên đất hai vụ lúa là một chủ trương lớn của huyện Xuân Trường nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Từ mấy năm trước, huyện đã chỉ đạo tiến hành đưa cây đậu tương cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đồng đất của huyện vào sản xuất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công tác chỉ đạo chưa đồng bộ, quyết liệt, tình hình thời tiết không thuận nên mục tiêu phát triển mạnh sản xuất cây đậu tương của huyện không đạt được. Kiên trì với mục tiêu phát triển sản xuất cây đậu tương trên đất hai vụ lúa, năm 2010, huyện Xuân Trường đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài cơ chế hỗ trợ nông dân giống vốn, chi phí dịch vụ, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện tham gia tuyên truyền, vận động, trực tiếp xuống đồng giúp đỡ nông dân. Thực hiện chỉ đạo của cấp uỷ, ngay từ đầu năm, Huyện Đoàn Xuân Trường đã phát động và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên hưởng ứng tham gia cùng bà con nông dân trồng cây đậu tương. Trước hết, mỗi đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia sản xuất hiệu quả phần diện tích gia đình đăng ký. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đảm nhận sản xuất phần diện tích còn lại đã quy hoạch trồng đậu tương. Cơ quan Huyện Đoàn Xuân Trường đã đăng ký trồng 1ha cây đậu tương đông tại xã Xuân Phong. Đoàn Thanh niên các xã đều đăng ký tham gia sản xuất cây đậu tương, trong đó Đoàn xã Xuân Phú trồng 2ha, Đoàn xã Thọ Nghiệp 2ha, Đoàn xã Xuân Ngọc 3ha… Bí thư chi đoàn 8, xóm 12B (xã Xuân Kiên) Trịnh Thanh Hoài cho biết, vụ đông năm 2010, chi đoàn 8 đảm nhận trồng 7 sào đậu tương, hiện tại cây đậu tương đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Sau khi thu hoạch, toàn bộ kinh phí thu được sẽ bổ sung vào quỹ hoạt động của chi Đoàn. Cùng với các hội, đoàn thể trong huyện, sự hưởng ứng tích cực, hiệu quả của đông đảo đoàn viên, thanh niên trong huyện đã góp phần quan trọng phát triển mạnh diện tích cây đậu tương đông trên địa bàn. Theo thống kê, năm 2010, huyện Xuân Trường đã trồng hơn 600 ha cây đậu tương, cao nhất từ trước đến nay…
Đến những giám đốc doanh nghiệp trẻ
|
Doanh nhân trẻ Trần Kiều với sản phẩm máy chế biến thức ăn chăn nuôi. |
Xuân Trường là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất CN-TTCN. Các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên, thị trấn Xuân Trường có nghề cơ khí truyền thống đang phát triển cả về quy mô, trình độ kỹ thuật. Nhiều thanh niên làng nghề đã vươn lên trở thành giám đốc, chủ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Về xóm 6, xã Xuân Tiến, chúng tôi được nghe kể nhiều về anh Trần Kiều, một thanh niên của làng nghề Kiên Lao mới ngoài 30 tuổi đã là giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các loại máy, thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi. Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, từng có mong muốn lập nghiệp tại thủ đô nhưng sau những trải nghiệm, anh Kiều nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đang ngày càng có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, anh đã từ bỏ công việc ở một viện nghiên cứu trở về quê lập nghiệp. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy hoạt động chăn nuôi hiện rất phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong khi đó các loại máy, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất này không nhiều. Với hiểu biết về công nghệ thông tin, anh lên mạng tra cứu, tìm hiểu kiến thức sản xuất các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh đã huy động vốn thành lập Cty TNHH Tân Thiên Phú chuyên sản xuất các loại máy ép cám viên, máy nghiền thức ăn chăn nuôi, máy trộn, máy sấy, các thiết bị xử lý môi trường…, giá chỉ từ 3,5-10 triệu đồng/máy, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở chăn nuôi, sản phẩm của Tân Thiên Phú nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Cũng nhờ có trình độ công nghệ thông tin, anh Kiều tự thiết kế webside riêng để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm qua mạng Internet. Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm Tân Thiên Phú xuất xưởng trên một nghìn máy các loại. Quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Kiều đã không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân ngay tại quê hương mà còn thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…
Từ năm 2001, huyện Xuân Trường đã thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ với mục đích tập hợp những doanh nhân trẻ tuổi của địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Anh Trịnh Văn Dương, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Đông, là phó chủ nhiệm câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ huyện Xuân Trường cho biết, đến nay, câu lạc bộ đã có 20 thành viên. Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khá đa dạng, gồm đóng tàu, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ khí dân dụng, gỗ mỹ nghệ, kinh doanh vận tải thuỷ… Nhờ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp thành viên câu lạc bộ đang tạo việc làm cho trên 600 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 1,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ còn có nhiều hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở, gây quỹ học bổng Sóng Hồng ủng hộ con em địa phương có thành tích trong học tập…
Đồng chí Trần Văn Vỵ, Bí thư Huyện Đoàn Xuân Trường cho biết, vì nhiều lý do, thanh niên nông thôn trong huyện có xu hướng rời quê đi làm ăn xa ngày một đông. Bên cạnh những mặt tích cực, việc này cũng để lại nhiều hệ lụy xã hội phức tạp, có không ít thanh niên xa quê, thiếu sự quản lý của gia đình, tổ chức đoàn thể đã mắc vào các loại tệ nạn xã hội. Thời gian qua, Huyện Đoàn Xuân Trường đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn trong huyện hướng mạnh các hoạt động vào việc hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương thông qua các hoạt động làm đầu mối hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phối hợp tổ chức các lớp học nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… BCH Huyện Đoàn tập trung hỗ trợ, xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Ngoài mô hình thanh niên tham gia phát triển sản xuất cây đậu tương đông ở các địa phương, BCH Huyện Đoàn đã xây dựng thành công mô hình thanh niên sản xuất nấm ở các xã Xuân Ninh, Xuân Vinh, Xuân Phong, Xuân Kiên, mô hình thanh niên chăn nuôi theo quy mô trang trại ở Xuân Kiên… Đặc biệt, tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng hoạt động của câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ của huyện với tôn chỉ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nhất là trách nhiệm thu hút, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, qua đó giúp thanh niên nông thôn có việc làm ổn định ngay trên quê hương mình./.
Bài và ảnh: Trần Duy Hưng