Rất nhiều nụ cười và nước mắt xuất hiện trên gương mặt những diễn viên gạo cội của Đoàn Văn công Quân khu 5 khi họ cùng nhau ôn lại những năm tháng cùng sống, chiến đấu và biểu diễn cho bộ đội trên các chiến trường khốc liệt của khu 5 những năm đánh Mỹ. Tuổi xuân của họ gắn với những buổi biểu diễn giữa khói bom, đạn lửa chưa tan.
|
||
Một số diễn viên của Đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 chụp ảnh chung với tướng Đoàn Khuê (ảnh tư liệu, chụp lại). |
Những tác phẩm có “lửa”
Năm 1962, Đoàn Văn công Bộ đội Liên khu 5 trở lại miền Nam bằng đường Trường Sơn với 11 thành viên. Vào miền Nam là trở lại với quê hương sau những năm dài tập kết, dù không ai được gặp người thân, địa bàn hoạt động, biểu diễn lại rộng (từ Quảng Nam-Đà Nẵng vào đến Bình Định), nhưng là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nhà viết kịch Nguyễn Ngọc Kỳ đã từ chối lựa chọn về Tổng cục Chính trị để được ở lại Đoàn Văn công vì nỗi đau đáu về với miền Nam. Những năm đó, anh em trong đoàn chia nhau đi gầy dựng phong trào, tìm diễn viên và biểu diễn những bài hát, vở kịch vốn có của đoàn từ ngày đang ở đất Bắc.
Ông Ngọc Kỳ lúc đó đang là diễn viên, phải hóa trang để đóng vai những nhân vật nữ. Và tất cả anh em trong đoàn nhiều năm sau với quân số đã lớn gấp nhiều lần ban đầu, vẫn luôn làm công việc “kiêm nhiệm” như vừa là người viết kịch bản, biên kịch, đạo diễn, kiêm luôn diễn viên, trang trí sân khấu...
Năm 1964, bằng thực tế là những chuyến hành quân giữa rừng Trường Sơn, ông Ngọc Kỳ sáng tác tác phẩm độc tấu nói “Leo dốc”-với thực tế cách mạng miền Nam là một cuộc leo dốc để tiến lên phía trước. Đây cũng bắt đầu một thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của ông với những tác phẩm đến nay vẫn còn tiếng vang như ca cảnh “Trước giờ xuất kích”, “Lời thề thứ 9”, “Diệt rọ”, thuyết xướng “Chiến thắng Ba Gia”. Và vở kịch đầu tiên ông viết là “Cầm súng”, phỏng theo tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi, được biểu diễn lần đầu tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 5. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, quân ngụy bắt đầu chiến dịch cắm cờ lấn đất, ông viết vở kịch “Một quãng đời”, Đại tướng Đoàn Khuê - lúc đó là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đổi tên vở kịch thành “Đánh típ”, để tăng tính chiến đấu cao của vở kịch.
Năm 1968, NSƯT Phan Ngạn(*) mới vào chiến trường miền Nam nhưng ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng để lại cho đời như với thể loại dân ca kịch có “Ba cha con”, “Bà mẹ Gò Nổi”, “Đốm lửa trên đồng mía”, “Mầm dừa”; thể loại dân ca cảnh có những tác phẩm như “Đường ra phía trước”, thuyết xướng “Tướng ông”... Riêng vở “Tướng ông”, đoàn đã vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch năm 1967. Nói về hai nhà viết kịch Phan Ngạn và Nguyễn Ngọc Kỳ, anh em trong Đoàn nghệ thuật Quân khu 5 đều khẳng định đây là hai tác gia để lại nhiều dấu ấn cho đời, đặc biệt là sự phát triển của dân ca khu 5 những năm chống Mỹ.
Tại chiến trường, người viết đau đáu với từng đứa con tinh thần. Những tác phẩm của họ hừng hực sức sống, trẻ trung, thấm cả máu và nước mắt của người chiến sĩ. Với từng đơn vị bộ đội, có đoàn văn công đến biểu diễn là một niềm hạnh phúc lớn lao. Họ được tiếp thêm tinh thần trước mỗi trận đánh, được truyền thêm sức mạnh, động viên nhau vượt qua những nỗi đau thể xác, trước sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn khi người lính nếm mật nằm gai, gian khổ vô cùng, nhưng được nghe tiếng hát trong veo của ca sĩ Thanh Mai, Ánh Tuyết; được thấy hình ảnh của mình hay đồng đội qua hình tượng một nhân vật trong vở kịch; được xem các tác phẩm múa của Lê Huân, Bích Đào, được nghe tiếng đàn, tiếng sáo của Hoài Liên, Trịnh Mạnh Hùng hay đôi khi nghe một giọng ngâm thơ của cô gái Hà Nội Trung Tấn, đỡ nỗi nhớ cồn cào về quê hương yêu dấu...
Sức mạnh để vượt qua gian khổ
Khi vừa tròn 13 tuổi, cô gái Thu Vân vẫn không nghĩ có ngày mình trở thành diễn viên kịch nói, hay có thể hát, đàn để phục vụ cho hàng nghìn lượt chiến sĩ giữa bạt ngàn Trường Sơn. Năm 1963, khi Đoàn Văn công Liên khu 5 về Tiên Phước biểu diễn, Thu Vân được tuyển theo đoàn. Cô Thu Vân nhớ lại: “... Có khi đoàn được lệnh diễn cho một đơn vị đi qua trên đường hành quân. Chưa xem xong vở kịch, họ đã được lệnh lên đường. Lúc đó tiếng hát của các ca sĩ vẫn vang lên. Những bước chân đi cứ ngoái đầu nhìn lại...”.
Trong cuộc đời làm diễn viên ở đầu tuyến lửa, cô nhớ mãi lần đến biểu diễn ở một bệnh xá thuộc xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi (nơi bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm công tác), nơi có rất nhiều thương binh nặng, bị bỏng toàn thân. Các y tá, bác sĩ phải cởi áo, chỉ che phần ngực, để lưng người thương binh dựa vào lưng mình cho dịu bớt cơn đau, khi giường bệnh toàn là giường tre. Các diễn viên đến hát, ngâm thơ ở tận giường những người chiến sĩ. “Có khi, gương mặt người thương binh băng trắng vòng quanh, chỉ nhìn thấy được đôi mắt người lính. Đôi mắt ấy nhìn mình, như có bao nhiêu điều muốn nói. Những hình ảnh ấy làm cho mình có thêm sức mạnh, để vượt qua gian khổ. Dù ngày hôm sau quay lại, được y tá thông báo là người thương binh hôm qua được mình ngâm thơ giờ đã vĩnh viễn ra đi...”. Hồi ức, làm cô bật khóc. Hồi ức, đưa cô trở về với những ký ức thương đau. Ấy là năm 1962, giữa chiến trường ác liệt, 5 diễn viên của đoàn đã hy sinh trong một trận đánh của địch tại Nước Là, Trà My, Quảng Nam. Ấy là năm 1964, khi cô cùng tham gia đào công sự ở trận địa Ba Gia-Vạn Tường, thì bất ngờ địch dội bom. Hai người bộ đội đã lấy thân mình che chở cho cô. Một chiến sĩ hy sinh, một người bị thương nặng để cứu mạng cho cô. Đó là cái ơn mưa móc trong đời mà cô không bao giờ quên được.
Ở chiến trường thì cái gì mình cũng làm được! Tâm niệm đó của những diễn viên của Đoàn Văn công Liên khu 5 đã để lại những vai diễn để đời. Như diễn viên Thu Vân năm 15 tuổi đã diễn thành công vai bà mẹ trong vở kịch “Lời thề thứ 9”; diễn viên kịch Nguyễn Sáu nổi tiếng với những vai phản diện, ông nhập vai rất tốt trong vai những thằng ác ôn giết người không ghê tay, đến nỗi khi diễn liên tục bị bộ đội ném đá lên sân khấu.
35 năm sau ngày hòa bình, niềm hạnh phúc của những diễn viên của đoàn, với người trẻ nhất cũng đã trên 60, là vẫn tiếp tục cống hiến tài năng nghệ thuật của mình trong các hội diễn của quận, thành phố. Riêng nhà viết kịch Nguyễn Ngọc Kỳ vẫn tiếp tục sáng tác. Ông nhận được rất nhiều Huy chương Vàng cho các vở kịch “Không gian thì thầm”, “Hẹn mùa sau”, “Con bồ câu nhỏ”... và đặc biệt hai người con của ông, ca sĩ Ngọc Lê và Thanh Yên đã tạo được tiếng vang trong làng âm nhạc Việt Nam. NSƯT Trịnh Mạnh Hùng lại nổi tiếng với nhiều bản nhạc, khí nhạc như “Bình minh cao nguyên”, “Sông Hàn một khúc tình ca”... Vợ chồng nghệ sĩ múa Lê Tôn Sùng-Từ Thị Công Lễ phụ trách văn nghệ ở CLB Thái Phiên...
Có lẽ 35 năm hay nhiều hơn nữa, người còn sống, người mãi mãi ra đi, nhưng bầu lửa nhiệt huyết trong trái tim những người nghệ sĩ ấy vẫn cháy, bởi tuổi xuân của họ được tôi rèn trong lửa đỏ.
Đoàn Văn công bộ đội liên khu 5 được thành lập ngày 20-3-1952 tại Hoài Nhơn, Bình Định. Năm 1954 đoàn tập kết ra Bắc phục vụ cho Sư đoàn 324, 305. Năm 1962, một bộ phận của đoàn trở lại miền Nam. Năm 1968 và 1972 đoàn được chi viện thêm một số diễn viên từ Hà Nội, được đào tạo bài bản tại các trường Nghệ thuật Quân đội và Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1975, 1979 đến 1985, nhiều diễn viên của đoàn tham gia phục vụ tại chiến trường Campuchia. Năm 2002, đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. |
Hoàng Nhung