Có nhiều nguời thích sống nơi phố xá hào hoa đông đúc, lại có người muốn an nhàn sống bình nặng nơi miền quê. Có một nhà thơ đã từng lang bạt khắp nơi, giờ về giam mình trong vườn tượng nơi thôn dã. Người ta bảo ông là người của rượu, đất nung, tượng và một tâm hồn thi sĩ hơi gàn, cổ quái. Mặc ai đó nói gì ông cũng chỉ cười, cái cười rất hiền và thanh thản. Đó là nhà thơ Anh Vũ.
|
Nhà thơ Anh Vũ |
Chàng “lêu têu” làm thơ
Nhà thơ Anh Vũ tên thật là Vũ Công Ứng, sinh năm 1943 ở làng Sặt cổ nổi tiếng xưa thuộc huyện Từ Sơn (Hà Bắc cũ), được kết nạp Hội nhà văn năm 2002. Sau bao nhiêu năm tháng chuyển chỗ ở, giờ ông định cư nơi xóm nhỏ Tân Mới, xã Tân Dĩ, Lạng Giang, Bắc Giang. Xung quang nhà ông là cánh đồng, nơi diễn ra những công việc của nhà nông. Ông bảo mình sinh ra từ làng quê, nên cái hình hài và văn hóa làng quê “ngấm” vào. Cho đến giờ, ông vẫn sống với những điều gần gũi, giản dị đó. Đó là đất nung, vườn tượng, cánh đồng và thơ.
Nhà thơ Anh Vũ chuyển di chuyển nhiều nơi vì phải sơ tán trong chiến tranh, đó là các huyện trong địa hạt tỉnh Bắc Giang. Mỗi một lần chuyển nơi ở, ông đều mang theo cây khế nhỏ đi trồng. Bởi làng Sặt quê ông xưa nổi tiếng là “làng khế ngọt”. Gia đình nào cũng có ít nhất vài cây khế, nhà nào nhiều có cả vườn. Ông nói: “Tôi mang cái hồn làng tôi theo, để luôn nhớ về cái gốc gác làng mình. Dù biết rằng, đất nào cũng là quê hương, cũng là chùm khế ngọt cả. Nhưng nhớ về quê tôi thường nao lòng. Tiếc là “làng khế ngọt” đã không còn được như xưa”. Ngồi với ông cả buổi, trong chén rượu trắng đậm đà chất quê, nhà thơ vừa đọc thơ, vừa kể chuyện đời mình, nghe cũng lâm li.
Năm 1960 Anh Vũ đi học ở trường Sư phạm Nhạc họa, lúc đó là những khóa đầu tiên của trường. Chàng sinh viên Anh Vũ học hành rất “lêu têu”, chỉ đam mê vẽ tranh và nặn đất, có chút thời gian nào là gắn chặt mình với những đam mê, rồi đọc sách. Trong thời gian đó, Anh Vũ gặp cô gái Nguyễn Thị Phụng đất Thành nam (Nam Định) xinh đẹp và có tài thơ, vẽ tranh. Tôi xin nói thêm, bà Nguyễn Thị Phụng có tập thơ SEN được dư luận đánh giá cao và đã đạt một giải thưởng. Mê nhau ở cái tài, sau khi ra trường, hai người làm đám cưới.
Cô gái Nguyễn Thị Phụng theo chồng về Kinh Bắc, rồi chung cảnh chạy loạn với chồng, Nhà thơ Anh Vũ cho biết: “Tôi và bà ấy cứ như sao hôm với sao mai. Khi tôi tìm mọi cách để được chuyển đến dạy học ở nơi gần bà ấy dạy thì bà ấy lại phải chuyển đi. Thành ra, mãi sau này mới được ở gần nhau”.
Trong những năm tháng dạy học, có thời gian ông được điều về dạy học ở trường giáo dưỡng Kim Đồng (xã Phương Sơn - Lục Lam). Đây thực chất là trường dành cho trẻ em hư, khó đào tạo. Nơi đây, ông gặp nhà văn Trần Hoài Dương, người cả đời viết cho thiếu nhi và Anh Vũ đã viết nhiều cho thiếu nhi.
Mất sổ gạo vì… nghệ sĩ nửa mùa
Khi đang dạy ở Trường giáo dưỡng ấy rất tốt, lũ học trò hư, nghịch ngợm rất nghe lời ông thì sang năm 1972 ông muốn chuyển sang Ty văn hóa Hà Bắc nhưng trường giữ lại. Họ bảo nếu ông đi thì ông sẽ bị cắt sổ gạo. Anh vũ vẫn quyết đi. Sau này, chính ông cũng không rõ sao lúc đó lại quyết định như vậy. “Có lẽ do cái chất nghệ sĩ nửa mùa của tôi. Tôi muốn làm một cái gì đó khác đi. Khi đi rồi bị cắt sổ gạo. Sang Ty Văn hoá Hà Bắc (cũ), tôi cùng một số anh em bạn bè thành lập Hội VHNT Hà Bắc, rồi làm biên tập cho tạp chí của Hội. Nhưng tôi như con ngựa bất kham, lại chạy sang làm bên bảo tàng”- ông tâm sự.
Sang bảo tàng, là lúc tình yêu với đất nung trỗi dậy trong Anh Vũ. Do ông được tiếp xúc với tượng, với nghê đá, với những linh vật dân gian. Điều đó thắp lên khao khát sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Phụng, thời gian đó không khỏi buồn vì thấy môn nghệ thuật nào chồng mình cũng muốn “đấm đá” một tí. Rồi sẽ chẳng tới đâu. Nhưng đó là tính khí của ông, bản chất con người ông. Có khuyên can cũng không được. Cuối cùng bà cũng ủng hộ niềm đam mê của chồng.
Những ngày nhàn hạ, ông cùng nhà điêu khắc Lê Ngọc Liên trao đổi kinh nghiệm, cùng nặn đất, làm tượng. Tượng làm ra ông không bán, chỉ để chơi và tặng bạn bè. Ở phủ Thành Chương có rất nhiều tượng của Anh Vũ góp mặt. Giờ về hưu, mọi gian khó của cuộc đời đã trải qua. Sáu người con của ông bà đã thành đạt. Nhà thơ Anh Vũ cho phép mình sống ẩn dật, gần gũi với vườn tượng, với đất nung. Khu vườn của ông là một thế giới vừa thực vừa ảo. Phần nhiều các nhân vật bước ra từ cổ tích, từ truyện dân gian và nhân vật trong văn học.
Tất cả sự chăm chút của Anh Vũ cho vườn tượng là hướng đến một tâm huyết với văn hóa. Những bức tượng lớn nhỏ đều mang hơi thở của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, đẫm chất dân gian Kinh Bắc. Toàn bộ đều được ông nặn bằng tay, với nguyên liệu là đất. Trong khu vườn đó, ông đặt cả một lò nung nhỏ để tự mình theo dõi và nung lấy. Nhà thơ Anh Vũ nhiều đêm nằm mơ, thấy những bức tượng đất nung như vừa bước ra từ cổ tích, nói cười rổn rả.
Lại có hôm mơ thấy mình say khướt cùng bức tượng anh Chí Phèo vẫn cười hềnh hệch ngoài kia. Cũng có lần, sau chuyến đi xa, trở về nhà ông nằm mơ thấy một hình bóng giai nhân nào đó vừa chợt gặp nhưng cũng đủ làm lòng xao xuyến, rồi sinh thơ: “Em khép kín/ Cá tính riêng vùng non nước/ Buồn nỗi gương soi đẹp cùng ai/ Ngày đêm rỗng trời/ Về đâu cơn bấc cơn nồm thổi mãi...”
“Vương quốc” gia đình êm ấm
Những tưởng cái chất nghệ sĩ mạnh, khiến cho Anh Vũ bỏ bễ vợ con, gia đình. Nhưng không, ông hoàn toàn chế ngự được cá tính, cái lãng mạn “nửa mùa” để vẫn làm nghệ thuật, làm một người chồng người cha có trách nhiệm với gia đình.
Với Anh Vũ, văn thơ không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Nghiệp văn còn là cuộc chơi không dễ dàng gì. Với ông, mọi thứ vẫn còn ở phía trước. Là nhà thơ, nghệ sĩ, không phải nói nhiều, chẳng phải đòi hỏi gì nhiều ở cuộc sống này. Tất cả cái Tài, cái Tầm sẽ hiện ở tác phẩm, ở trang sách. Câu nói của ông: “Đời tôi sau này may ra còn một hạt cát, một cơn gió nhẹ” giống như một triết lý mơ hồ.
Rượu mềm môi và thi thoảng thơ lại vút lên, xen lẫn những câu chuyện về thời thế, về tượng và đất. Mái tóc Anh Vũ xõa ngang vai, thi thoảng “ông già đất” lại cười phớ lớ. Ông vừa cho ra đời một tập thơ. Ở đó có nhiều suy nghiệp hơn, như những trăn trở của đất đai, của một người đã trải qua nhiều cay đắng và niềm vui. Người ta vẫn thấy thấp thoáng những cơn say nghệ thuật lẫn say trần thế, thấp thoáng hơi men.
Vãn Tình