Tương lai nào cho Tổng thống Syria al-Assad?

Các cường quốc thế giới đã đạt được sự đồng thuận về một kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria, trong đó có cả những thành viên của chế độ cũ. Tuy nhiên, các nước phương Tây cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không có chỗ đứng trong chính phủ liên hiệp lâm thời.

Các cường quốc thế giới đã đạt được sự đồng thuận về một kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria, trong đó có cả những thành viên của chế độ cũ. Tuy nhiên, các nước phương Tây cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không có chỗ đứng trong chính phủ liên hiệp lâm thời.

Ngoại trưởng Nga Lavrov và ông Annan.  Ảnh : AFP

Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, ngày 30/6, các cường quốc thế giới đã đạt được nhất trí về một kế hoạch chuyển giao quyền lực chính trị ở Syria thông qua tiến trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. “Hội nghị Nhóm hành động về Syria đã nhất trí rằng chính phủ chuyển tiếp ở Syria có thể bao gồm các thành viên chính phủ hiện nay, cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác.

Chính phủ này sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung” – đặc phái viên chung của Liên Hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Ả rập (AL) Kofi Annan cho biết sau cuộc họp. Nga và Trung Quốc cũng đã ký vào thỏa thuận cuối cùng, trong đó không có bất kỳ lời kêu gọi từ chức rõ ràng đối với ông Assad.

Dù ông Annan không nêu cụ thể tên và rằng quyết định lựa chọn những thành viên trong chính phủ đoàn kết dân tộc phụ thuộc vào người dân Syria nhưng ông nói thêm rằng ông không tin người dân Syria sẽ lựa chọn những người “với đôi bàn tay vấy máu” làm người lãnh đạo của họ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì nói thẳng rằng Washington không muốn ông Assad tham gia vào quá trình chuyển tiếp về chính trị tại Syria. “Ông Assad sẽ vẫn phải ra đi” – bà Hillary nói. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng chung quan điểm và nói rằng rõ ràng ông Assad sẽ phải bước xuống.

Ngoại trưởng Anh William Hague thừa nhận kết quả đạt được tại hội nghị lần này cho thấy phương Tây đã có sự nhượng bộ đáng kể trước Nga và Trung Quốc. “Nga đã thành công trong việc thuyết phục các nước khác đi theo quan điểm của mình” – ông Hague nói. Tại cuộc họp, 2 nước này khẳng định quan điểm người dân Syria sẽ phải quyết định việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như thế nào, thay vì để các nước khác quyết định số phận của họ. Từng là một đồng minh lâu dài của Syria, Nga cũng không chấp thuận việc loại bỏ ông Assad.

“Quá trình chuyển đổi sang một giai đoạn mới sẽ do người dân Syria quyết định. Việc loại bỏ bất kỳ bên nào ra khỏi tiến trình chuyển giao ở Syria là điều không thể chấp nhận được” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh: “Giải pháp chính trị cho vấn đề Syria chỉ có thể do người Syria thực hiện và được các bên liên quan chấp thuận. Các thế lực bên ngoài không thể ra quyết định thay cho người dân Syria”.

Trước hội nghị, các bên tham gia tỏ ra khá bi quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận trong quá trình đàm phán bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước phương Tây và Nga – Trung Quốc về cách thức để chấm dứt tình trạng bạo lực đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 83 người, hầu hết là dân thường trong ngày 30/6.

Tình trạng bạo lực ở Syria đang có xu hướng xấu đi khi cả lực lượng chính phủ và phe đối lập đều đã nhận được thêm vũ khí từ các nước bê ngoài. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) đã cảnh báo về một “bối cảnh nhân đạo thảm khốc” tại thị trấn Douma – địa điểm đã trở thành mục tiêu trong các chiến dịch quân sự khốc liệt từ ngày 21/6. Theo SOHR, đã có trên 15.800 người thiệt mạng do bạo lực kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền hồi tháng 3/2011.

Tình trạng bạo lực tại Syria cũng đã dấy lên những lo ngại về những ảnh hưởng xấu đến sự ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Syria và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng căng thẳng sau vụ Syria bắn hạ một máy bay trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 1 tuần trước. Cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố đã cử binh lính và khí tài quân sự đến khu vực biên giới giữa 2 nước.

Tuệ Minh (theo AFP)

Đọc thêm