Tưởng niệm 724 năm ngày mất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều địa phương trên cả nước những ngày qua đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 724 năm Ngày mất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300 - 2024) - một vị tướng tài ba, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử dân tộc, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường 3-2 Thành phố Nam Định.
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường 3-2 Thành phố Nam Định.

Theo Cổng thông tin điện tử TP Nam Định, sáng 22/9 (tức 20/8 âm lịch), UBND thành phố Nam Định tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 724 năm Ngày mất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc và Đền Thiên Trường thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Trong không khí linh thiêng, thành kính, các đại biểu tham dự đã ôn lại những chiến công hiển hách của Vương triều Trần và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, thế kỷ XIII. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài ba của dân tộc, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.

Công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã viết nên trang sử vàng của dân tộc với tư tưởng chính trị "thân dân”, “khoan thư sức dân”, “lấy dân làm gốc”, xây dựng quân đội coi trọng về chất lượng, tinh nhuệ, đoàn kết. Đặc biệt là nghệ thuật quân sự đánh giặc, giữ nước dựa vào lòng dân có ý nghĩa lịch sử sâu sắc không chỉ đối với thời Trần mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.

Với tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa triều đại nhà Trần trở thành triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố dự lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tại Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng.

Đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố dự lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tại Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng.

Lễ dâng hương nhằm tri ân công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; qua đó, động viên toàn thể quân dân trong tỉnh phát huy truyền thống của cha ông, chung sức, đồng lòng phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đọc diễn văn ôn lại những chiến công hiển hách của Vương triều Trần và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đọc diễn văn ôn lại những chiến công hiển hách của Vương triều Trần và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Tại TP HCM, vào sáng 21/9 (nhằm ngày 19/8 âm lịch) Đền Đức thánh Trần Hưng Đạo (phường Tân Định, Quận 1) tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 724 (1300 - 2024) Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Tại buổi lễ, các đại biểu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những người bị thiệt mạng do hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.

Phát biểu ôn truyền thống, Trưởng Ban Quản lý Đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo Nguyễn Thế Định cho biết: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1228 - mất năm 1300). Quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Ngài là bậc kỳ tài, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn; là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.

Làm tướng, Ngài biết dẹp bỏ thù nhà dốc lòng báo đền nợ nước, ở ông thể hiện các đức tính: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Tín; là nhà quân sự thiên tài, góp công lớn khi ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông giữ nguyên bờ cõi đất nước và ông được phong Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức niệm hương

Các đại biểu thực hiện nghi thức niệm hương

Ngài còn là nhà chính trị, văn hóa lớn, một trong những áng văn bất hủ được xem là thiên cổ hùng văn mà ông để lại cho đời sau là bài “Hịch tướng sĩ” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, về phép trị nước có cuốn “Binh Thư yếu lược” là cuốn sách quân sự đầu tiên. Sau khi Ngài mất, triều đình đã phong tặng ngài là Hưng Đạo Đại Vương.

Trưởng Ban Quản lý Đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo Nguyễn Thế Định nêu rõ: "Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Đức Thánh Trần Hưng Đạo có một vị trí, vai trò rất đặc biệt. Từ một anh hùng dân tộc có thật trong lịch sử với những chiến công hiển hách, Ngài bước vào không gian thiêng liêng của đời sống tín ngưỡng dân gian như một vị thánh của dân tộc. Nhân dân Việt Nam suy tôn Ngài là Đức Thánh Trần, lập đền thờ ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Lễ Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo hàng năm, là dịp để Nhân dân ta tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc, vị thiên tài quân sự kiệt xuất và cũng để tưởng nhớ công ơn các bậc Tiền nhân của Dân tộc Việt Nam; nâng cao tinh thần trách nhiệm và củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Trước đó vào tối 18/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300-2024) và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

Tôn miếu của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân khắp nơi thờ phụng, nhất là ở vùng biên viễn. Ngài là vị Thánh duy nhất được phối thờ trong tất cả điện thờ Mẫu ở miền Bắc và trong nhiều đền Thánh, đền Quan ở toàn cõi nước ta. Những điểm nổi tiếng linh thiêng có thể kể đến như: Đền Kiếp Bạc - Chí Linh - Hải Dương; Đền Bảo Lộc - Mỹ Lộc - Nam Định; Đền Ngọc Sơn - Hoàn Kiếm - Hà Nội; Đền Đức Thánh Trần - Quận 1 - TP HCM.