"Tương ớt ung thư" có thể do thuốc sâu

Hóa chất gây ung thư Rhodamine B vừa tìm thấy trong mẫu tương ớt có thể có nguồn gốc công nghiệp nhưng cũng có thể đến từ đồng ruộng do phun thuốc trừ sâu, chuyên gia thực phẩm cảnh báo.
Hóa chất gây ung thư Rhodamine B vừa tìm thấy trong mẫu tương ớt có thể có nguồn gốc công nghiệp nhưng cũng có thể đến từ đồng ruộng do phun thuốc trừ sâu, chuyên gia thực phẩm cảnh báo.Nguồn gốc Rhodamine B có trong sản phẩm tương ớt của Công ty Cổ phần Đầu tư &Thương mại Tuấn Thành - chuyên sản xuất tương ớt (trụ sở ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được cơ quan chức năng làm rõ. Kết quả phân tích mẫu tại Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (ATVSTP), Bộ Y tế, cho thấy hàm lượng Rhodamine B – hóa chất được cho là để tạo màu đỏ - trong mẫu tương ớt của doanh nghiệp này là 2,56mg/kg.

Rình rập khắp nơi

Được biết, hướng điều tra tập trung vào quá trình sản xuất ớt bột và đi từ ớt bột. Nếu phát hiện Rhodamine B có trong mẫu ớt bột, có ý kiến cho rằng cần đưa cả sa tế vào vòng ngắm kiểm tra vì thành phần chính của sa tế là ớt bột chưng với dầu, nước và một số gia vị khác.

Thuốc nhuộm Rhodamine được bơm xuống suối để theo dõi dòng chảy của nước xuyên qua hang động karst. (Nguồn: Water.usgs.gov)

Đề cập đến các khả năng Rhodamine B xâm nhập vào tương ớt, chuyên gia Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia nghiêng về nguy cơ người sản xuất và kinh doanh dùng để nhuộm màu thực phẩm và coi đây là nguy cơ nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên, còn có một khả năng xâm nhập khác là từ đồng ruộng, nơi sản xuất ớt nguyên liệu. Ủy ban Gia vị của Liên minh châu Âu (EU) lưu ý, chất nhuộm Rhodamine B có thể đi vào các sản phẩm ớt do sử dụng thuốc trừ sâu tại các cánh đồng trồng ớt. Tận dụng đặc tính phát quang của Rhodamine B, nông dân dùng chúng để giúp kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật phun lên cây ớt.

Thậm chí, một số loại dầu thực vật cũng phát hiện thấy hóa chất phát quang này và người ta cũng nghi chúng được dùng để kiểm soát thuốc trừ sâu khi phun lên các loài cây lấy dầu. Bởi vậy, chất này cũng có thể thấm vào ớt nếu dính dầu trong máy ép ớt.

Ngoài ra, phơi ớt trên sàn được sơn cũng có thể gây lây nhiễm chất nhuộm trên. Điều đáng lo ngại là cơ quan chuyên môn ở Việt Nam chưa chú ý nhiều đến hướng điều tra này vì họ cho rằng, nếu có, hàm lượng cũng không lớn.

Một chuyên gia thực phẩm cảnh báo, vấn đề quan trọng nhất không phải dừng ở vụ tương ớt Tuấn Thành mà nên mở rộng kiểm tra các loại thực phẩm khác khi nguy cơ nhiễm Rhodamine B rất khác nhau. Vẫn theo Ủy ban Gia vị của EU, ngay túi cói nhuộm màu đỏ cũng có thể làm chất nhuộm Rhodamine B thẩm lậu vào sản phẩm.

Hơn nữa, không chỉ với ớt bột hay các chất gia vị nói chung, chất tạo màu Rhodamine B có nguy cơ xuất hiện trong hầu hết sản phẩm lương thực, thực phẩm đi từ cây trồng có dùng phân bón hóa học.

Không chọn màu sặc sỡ

Một cuộc kiểm tra tìm Rhodamine trong mẫu hạt dưa, ớt bột đầu năm nay được thực hiện bởi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho thấy, cứ năm mẫu kiểm nghiệm thì bốn mẫu có Rhodamine B. Các mẫu được thu từ các tỉnh thành như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Huế. Có địa phương, toàn bộ số mẫu được kiểm nghiệm đều thấy có Rhodamine B
Lo ngại nguy cơ xâm nhập của Rhodamine B vào các loại thực phẩm, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần ra lệnh cấm triệt để việc sử dụng Rhodamine B trong tất cả các khâu liên quan đến quá trình sản xuất lương thực và thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, Rhodamine B bị cấm dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Nhưng việc cấm dùng nó trong các thiết bị, quá trình liên quan đến chế biến, nhất là từ khâu trong nguyên liệu, vẫn chưa được đề cập đến.

Với thực phẩm có màu sắc sặc sỡ, đặc biệt thiên về màu cánh gián, nguy cơ nhiễm Rhodamine B rất cao. Phẩm màu thực phẩm và tự nhiên có độ bền kém hơn, lại đắt hơn phẩm màu công nghiệp. Nếu hạt dưa được nhuộm bằng phẩm màu tự nhiên, độ bền màu không cao, rất dễ phai. Nếu được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, màu trên vỏ hạt dưa bám chắc hơn, khó phai hơn.

Chuyên gia thực phẩm khuyến cáo hạn chế chọn thực phẩm có màu sặc sỡ. Chỉ chọn thực phẩm có màu tự nhiên, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng.

Theo
QD
Tiền Phong

Đọc thêm