Tuor giá rẻ nhưng quản lý vẫn phải 'đắt'

(PLVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có “Báo cáo đánh giá toàn diện về tình trạng tour du lịch giá rẻ trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự”, theo đó tour du lịch giá rẻ đến Việt Nam tập trung chủ yếu tại 3 thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN là do đặc điểm thị trường khách đi du lịch với số lượng đông, thị trường dễ tính, khách thích mua sắm, ăn uống vui chơi, giải trí.
Hình minh họa
Hình minh họa

Từ thực tiễn có thể thấy, tour giá rẻ thời gian qua tập trung tại một số địa phương Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa vì những lý do như điểm đến có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có khả năng cung ứng dịch vụ đa dạng, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển đồng bộ; có khả năng tiếp cận bằng đường bộ, đường biển...

Tour giá rẻ có cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của tour du lịch giá rẻ là tồn tại theo quy luật cung - cầu của thị trường, tour giá rẻ đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường khách nhất định trong giai đoạn du lịch trở thành nhu cầu phổ biến của số đông, nhu cầu đó cũng phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ ở mức độ trung bình của điểm đến.

Tour du lịch giá rẻ đem lại nhiều lợi ích trong việc tăng lượng khách đến nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Kinh doanh tour du lịch giá rẻ đem lại doanh thu, việc làm cho nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ trực tiếp và gián tiếp.

Bên cạnh đó, sự gia tăng lượng khách đến đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ và hàng hóa tại chỗ, khuyến khích sản xuất. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ còn là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Việc gia tăng lượng khách du lịch không chỉ tác động đến ngành du lịch mà còn có tính chất lan tỏa góp phần thu hút đầu tư, phát triển bất động sản du lịch, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan để phục vụ du lịch...

Bên cạnh mặt tích cực thì tour du lịch giá rẻ cũng là nơi mà ý thức chấp hành pháp luật bị xem nhẹ nhất khi một số doanh nghiệp lữ hành, cơ sở cung ứng dịch vụ của Việt Nam với ý thức pháp luật chưa đầy đủ, thiếu sự liên kết, cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá tour để đón khách... Song song với sự gia tăng của các hoạt động du lịch giá rẻ là sự gia tăng của lực lượng hướng dẫn viên du lịch, lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là số hoạt động bất hợp pháp...

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các Bộ: VH-TT&DL, Công an, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Bộ VH-TT&DL với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và làm rõ các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành, du lịch thời gian qua, các giải pháp, chính sách, cơ chế tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch trên phạm vi toàn quốc; đề xuất cụ thể nội dung và hình thức văn bản chỉ đạo phù hợp của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành trong thời gian tới. 

Đọc thêm