Tụt lợi không những mất thẩm mỹ mà còn khiến cho “bộ nhai” có nguy cơ bị “giảm nhân sự”. Lúc đó, e rằng mọi can thiệp đều quá muộn!
Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng, do lợi di chuyển về phía chóp chân răng khiến mất men chân răng và tăng cảm giác tê buốt, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn đến ăn uống, sinh hoạt. Bệnh này không chỉ là nỗi khổ của người già, mà còn làm phiền cả những người trẻ tuổi, cho dù họ vẫn đánh răng thường xuyên.
Vì sao lợi không “ôm” nổi răng?
Tụt lợi là do một số bộ phận khác quanh răng, bảo vệ răng bị tổn thương như: lợi, chân răng, tủy... khiến các bệnh về răng phát triển. Thông thường tụt lợi là do việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, không đánh răng hoặc đánh không sạch làm các cáu bẩn ở răng lâu ngày bị canxi hóa thành cao răng, trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn phá hoại tổ chức răng. Một nguyên nhân khác là đánh răng sai kỹ thuật và quá mạnh khiến chân răng bị mòn nhanh, lợi bị tổn thương, chảy máu. Mức độ tụt lợi sẽ phụ thuộc vào vị trí của răng, góc của chân răng trong cung và xương hàm, độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Một số nguyên nhân khác có thể do răng cắn phải vật rắn khiến lợi bị tổn thương co lại và viêm tại chỗ.
Triệu chứng ban đầu là viêm lợi, sưng đỏ hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng hoặc cắn một vật cứng. Quá trình viêm nhiễm gây ra tình trạng tiêu xương quanh răng, lâu ngày sẽ thấy lợi tụt xuống theo mức xương quanh răng. Khi có những biểu hiện này, nếu không được chữa trị lâu ngày bệnh sẽ nặng khiến cho lợi ngày càng “rời xa” răng, thành tụt lợi. Lúc này, lợi sẽ không còn che phủ vào bảo vệ cổ răng, chân răng hay chảy máu, tủy răng co lại, nước miếng chảy nhiều, miệng hôi. Cổ răng và chân răng sẽ bị mòn do sang chấn từ bàn chải và thức ăn, lâu dần răng lung lay, rồi rụng.
Để cải thiện tình trạng tụt lợi
Trước tiên, cần thay đổi cách vệ sinh răng miệng bằng những biện pháp chăm sóc, can thiệp giảm thiểu hậu quả. Tự bản thân người bệnh phải khắc phục bằng cách chọn bàn chải loại đầu lông tròn và mềm để giảm nguy cơ sang chấn lợi, mòn men răng, ngà răng. Chọn loại thuốc đánh răng, nước súc miệng (được khuyến cáo cho người bị tụt lợi) có thành phần fluoride, chlorhexidine (0,12%), sodium fluoride (0,2%), potassium nitrate (3%) để làm men răng cứng hơn, giúp giảm ê buốt, độ nhạy cảm, giảm mòn răng. Nên hạn chế các loại nước chanh, cam, nước ngọt có ga, sữa chua vì nó làm tăng cảm giác buốt răng.
Nếu tình trạng ê răng, đau buốt không cải thiện mà còn tiến triển theo chiều hướng xấu, bạn hãy mau chóng tìm đến chuyên gia nha khoa. Bạn sẽ được hướng dẫn dùng thuốc bôi hoặc thuốc ngậm có fluoride hằng ngày, hiện tượng ê buốt sẽ giảm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Tiếp đến, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch fluoride kết hợp với ánh sáng lazer giúp bịt kín 90% các ống ngà bị hở. Phương pháp phủ mặt răng bằng composite hoặc xi măng glassionomer được coi là phương pháp hiệu quả để giảm buốt răng, đặc biệt với những mặt răng đã bị mòn do chải răng.
Ngoài ra, người bệnh có thể được ghép tổ chức bù lại phần lợi bị tụt để che phủ chân răng và cổ răng, tránh mòn tổ chức cứng của răng, có thể lấy tổ chức ghép ở vùng hàm ếch hoặc vùng răng lân cận. Phẫu thuật ghép tổ chức nha chu là phương pháp tốt nhất để phục hồi thẩm mỹ và chức năng của bộ nhai cũng như giảm khả năng rụng răng sớm cho người bệnh .
Thu Quế