Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng Thương mại cổ phần dầu khí Toàn cầu (GPBank). Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ở nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX nhận định bị cáo Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) giữ vai trò chủ mưu. Bị cáo Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1977, ở Hoàng Mai, Hà Nội) giữ vai trò đồng phạm giúp sức tích cực.
Đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, HĐXX cho rằng bị cáo Đoàn Văn An (cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank), bị cáo Tạ Bá Long (SN 1955, ở Ba Đình, Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank) có vai trò chính.
Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, theo HĐXX, quá trình điều tra, bị cáo Tạ Bá Long thừa nhận trách nhiệm của mình, tích cực khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo có công với cách mạng. Một số bị cáo khác gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có công với cách mạng, quá trình công tác được tặng thưởng…
Sau một hồi phân tích, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án từ 24 tháng tù đến 13 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng nhóm tội trên, 2 bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 đến 8 năm tù.
Đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, HĐXX tuyên phạt các bị cáo từ 24 tháng tù đến 12 năm tù. Trong đó, bị cáo Đoàn Văn An bị tuyên 12 năm tù. Cộng với bản án khác, bị cáo An phải chấp hành hình phạt chung là 25 năm tù. Bị cáo Tạ Bá Long bị tuyên 9 năm tù, cộng với bản án khác, bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù.
HĐXX xác định trong vụ án này, ngân hàng bị thiệt hại số tiền hơn 437 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cho cá nhân, trong thời gian từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2011, Phùng Ngọc Khánh (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty M&C) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Trọng Hiếu (Chủ tịch HĐQT Công ty ĐLSG) và Kim Văn Bộ (Phó GĐ Công ty ĐLSG) lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty ĐLSG với giá hơn 477 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khánh còn nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực hiện theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là hơn 14,2 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng để dùng làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho Công ty ĐLSG vay 305 tỷ đồng tại Hợp đồng tín dụng ngày 23/9/2011, trong đó đã chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng của ngân hàng. Đến nay không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C.
Đối với Tạ Bá Long và nhiều người khác là lãnh đạo, nhân viên Hội sở ngân hàng và chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Thương mại cổ phần dầu khí Toàn cầu, cáo trạng xác định họ đã thực hiện không đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp, bảo đảm khả năng trả nợ… /.