Tuyên Quang thực hiện 5 giải pháp quy hoạch xã nông thôn mới

(PLVN) -  Nhằm thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp quy hoạch xã nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
Đường nội đồng sạch đẹp của thôn Nà Chang, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Ảnh: Lê Hanh)
Đường nội đồng sạch đẹp của thôn Nà Chang, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Ảnh: Lê Hanh)

Những năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực.

Tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 18 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 83 vườn đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới.

Trong năm 2023, Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã nông thôn mới nâng cao, 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2025, có thêm huyện Sơn Dương và huyện Hàm Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn lên 3/7 huyện thành phố. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 17 tiêu chí.

Dù những kết quả đạt được là đáng mừng, tuy nhiên việc xây dựng nông thôn mới cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

Đặc biệt, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025” có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn. khiến các địa phương, nhất là những địa phương miền núi như Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Đoàn thanh niên xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm (Ảnh: Lê Hanh)

Đoàn thanh niên xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm (Ảnh: Lê Hanh)

Tỉnh Tuyên Quang cũng xác định nâng cao chất lượng xây dựng, và thực hiện các quy hoạch gắn với việc thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới, các cấp cần được quan tâm để đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện công tác quy hoạch xã nông thôn mới tốt, tỉnh cũng đề ra một số giải pháp cụ thể.

Một là, các huyện, thành phố cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn các xã trên địa bàn đối với các trường hợp như: Những xã đã có quy hoạch xây dựng nông thôn được duyệt nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới; Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn xuất hiện những thay đổi về chính sách, chủ trương, các quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt làm thay đổi các dự báo của quy hoạch xây dựng nông thôn; Các biến động về thay đổi ranh giới hành chính, các yếu tố khác có ảnh hưởng đến các dự báo về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, các huyện cần chủ động và khẩn trương lập quy hoạch xây dựng vùng huyện (đối với huyện chưa lập) theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng huyện phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba là, các xã cần chủ động tiến hành rà soát, đánh giá nội dung quy hoạch chung xã đã phê duyệt; việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xã phải phù hợp các quy hoạch cấp trên như: Quy hoạch chung của tỉnh Tỉnh Tuyên Quang đã được phê duyệt, và quy hoạch các vùng huyện liên quan, phù hợp với các quy định về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bốn là, cần thực hiện nghiêm việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch và có sự giám sát của cộng đồng và các chủ thể chịu sự ảnh hưởng của quy hoạch chung của xã. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ và người dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch chung của xã trong xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tiếp tục kiến nghị với bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh nâng giá trị chi phí lập quy hoạch nông thôn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí điều chỉnh quy hoạch chung của các xã, đặc biệt là các xã vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Với kinh nghiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023. Đồng thời, tạo động lực, tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong cả giai đoạn 2021-2025.

Đọc thêm