Bất chấp tình trạng nhiều ngành học phải đóng cửa do không tuyển đủ sinh viên, quy mô đào tạo đại học, cao đẳng năm học tới theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tăng 5-7%.
|
Thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2010 . Ảnh: Phạm Yên |
Đại diện nhiều trường cho rằng, quy trình giao chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT khá đơn giản: các trường dự kiến, trình Bộ xét và… duyệt, bởi quy mô tuyển sinh đã được duyệt trước. Việc giao chỉ tiêu vẫn nặng về cảm tính, chưa đến mùa tuyển sinh đã biết sẽ tăng quy mô đào tạo.
“Cách giao chỉ tiêu hiện nay của Bộ GD& ĐT giống như người bốc thuốc chữa bệnh. Nhưng trong khi nhiều ngành phải đóng cửa thì Bộ GD&ĐT vẫn tăng quy mô đào tạo mà chưa có cơ sở khoa học rõ ràng. Điều đó thật khó hiểu”, đại diện một trường nhận xét.
Năm 2010, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 3.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Năm tới, theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT, trường dự tính tăng tối đa 10% chỉ tiêu. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nói: “Tên trường chúng tôi có thêm hai chữ công nghệ rồi nên tăng chỉ tiêu đào tạo là chuyện thường. Năm nào trường cũng tăng, chủ yếu căn cứ trên hai yếu tố là đội ngũ giáo viên đủ, phòng học còn”.
Theo ông Hóa, các trường thường tập trung vào ngành học kinh tế, trong đó hot nhất là ngành ngân hàng, tài chính và kế toán. Tuy nhiên, “sức nóng” đó chỉ phản ánh nhu cầu theo học chứ không phải nhu cầu việc làm của xã hội.
Ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN), cho biết, trong nhiều năm qua, một số ngành khoa học không tuyển đủ chỉ tiêu như: thổ nhưỡng, địa chất, công nghệ biển, địa chất... Lý do là điểm sàn đưa ra cao hơn của Bộ GD&ĐT, và người học nghĩ rằng theo học những ngành này sẽ phải đi làm việc ở… miền núi, biển.
Trước thực tế trên, nhiều nhà tuyển sinh cho rằng, đã đến lúc phải giao chỉ tiêu tuyển sinh khoa học và chính xác trên cơ sở thống kê, dự báo nguồn nhân lực chứ không để các trường tự chạy theo nhu cầu ảo của xã hội. Theo đó, cần có một cơ quan dự báo phát triển nhân lực.
Ngoài khâu ra chỉ tiêu, theo một nhà tuyển sinh ở khu vực Hà Nội, ngành GD&ĐT cũng cần kiểm soát kỹ khâu xây dựng chỉ tiêu của các trường qua các thông số trên mạng theo hệ thống “ba công khai“ (điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; chất lượng giáo dục thực tế và thu chi tài chính). Đối với ngành khó tuyển sinh, ông Bùi Duy Cam đề xuất, phải có chế độ khuyến khích người học như trao học bổng, giảm học phí…
Ông Vũ Văn Hóa lý giải tiếp: cải cách chính sách tiền lương cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc định hướng phát triển nguồn nhân lực.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng, chính các bộ, ngành, tỉnh, thành phải xác định chiến lược phát triển kinh tế để từ đó đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực cho từng ngành nghề. Từ đó, ngành GD&ĐT mới có căn cứ khoa học để đào tạo nhân lực.
Theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT, dự kiến năm 2011, tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tăng 5-7%, tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%, đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010. Đối với các trường đại học, đặc biệt các trường tốp đầu, sẽ giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học, giảm dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, mở rộng quy mô đào tạo sau ĐH và ĐH chính quy. |
Theo Tiền Phong Online