Càng ngày những khối thi phi truyền thống khác với quan niệm về một ngành học nào đó lâu nay càng nhiều hơn. Ngoài một số lý do liên quan nguồn tuyển, điều này cũng cho thấy việc bó buộc về khối thi đã không còn cứng nhắc như trước.
SV trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TPHCM ngày ra trường |
Khối D thi CNTT
Vài năm trở lại đây, việc khá nhiều trường (nhất là các trường ĐH ngoài công lập) tuyển khối D1 đối với ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) giống như một xu hướng lạ.
Lạ bởi tuy được phép nhưng nếu xét theo quan niệm khối thi - ngành truyền thống, điều này giống như một sự chắp vá. Môn Toán thì đã đành nhưng môn Văn và Anh văn thì rất nhiều người sẽ thấy khác xa với ngành CNTT.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc nhiều trường bổ sung khối D1 vào ngành CNTT xuất phát từ lý do chính là nguồn tuyển. Nguồn tuyển CNTT tại các trường ĐH, CĐ từ khoảng ba năm trở lại đây không còn dồi dào như trước nữa, vì những học viện đào tạo CNTT chuyên nghiệp mở ra ngày càng nhiều, chương trình học bám sát thực tế và cơ hội việc làm rõ ràng hơn.
Việc khủng hoảng thí sinh thi CNTT bắt đầu từ năm 2008. Rõ ràng nhất trong năm này là sự thiếu hụt thí sinh vào trường ĐH CNTT – ĐH Quốc gia TPHCM, trường ĐH đào tạo CNTT thuộc dạng chuyên nghiệp nhất trong hệ thống các trường ĐH.
Trong năm 2008, theo thống kê của VPĐD Bộ GD&ĐT tại TPHCM, trong số 55.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) gửi về đây chỉ có vài thí sinh đăng ký thi vào trường ĐH CNTT.
Ngành CNTT mà thí sinh đăng ký tại các trường ĐH khác cũng rất ít ỏi. Chính vì vậy, theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường có ngành CNTT chuyển hướng sang khối D là một sự lựa chọn tất yếu.
Các trường đang có tuyển khối D cho ngành CNTT thường là các trường ĐH ngoài công lập: ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương TPHCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Lạc Hồng, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang…
Các ngành CNTT tại các trường như ĐHKHTN, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH CNTT – ĐH Quốc gia TPHCM… vẫn chỉ tuyển khối A như truyền thống.
Khối nào cũng tuyển
Năm nay, Trường ĐH Văn Hiến sẽ xét tuyển thêm chuyên ngành Xã hội học Truyền thông và Báo chí. Chuyên ngành này sẽ xét tuyển thí sinh thi vào các khối A, C, D như ngành Xã hội học lâu nay của trường.
Như vậy, đây sẽ là chuyên ngành mới của trường tuyển khối A phi truyền thống bên cạnh các ngành học tuyển hai năm trở lại đây trong trường như Tâm lý học, Văn hóa du lịch…
Ngành Du lịch của ĐH Hùng Vương cũng xét tuyển thí sinh thi vào khối A như ĐH Văn Hiến để mở rộng nguồn tuyển bên cạnh mở các ngành học xét tuyển cả khối B như Công nghệ sau thu hoạch, Quản trị bệnh viện để lấy thêm thí sinh khối B rơi rụng từ nhiều trường công lập mà ít trường có ngành tuyển.
Tuyển những ngành phi truyền thống đình đám nhất là ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TPHCM.
Năm nay, trường tiếp tục hướng đi như hai năm trước, tuyển khối A cho các ngành Triết học, Địa lý, Xã hội học, Thư viện – Thông tin; tuyển khối B cho các ngành Địa lý và Tâm lý học.
Trả lời PV về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho hay: “Có ba lý do để ĐHKHXH&NV TPHCM tuyển khối A. Thứ nhất là mở rộng nguồn tuyển. Thứ hai, theo thống kê, mỗi năm có đến 55% thí sinh thi khối A trong các kỳ tuyển sinh và việc mở thêm khối thi ở các ngành này là một giải pháp để các em có nhiều lựa chọn.
Thứ ba, kết quả học tập của thí sinh khối A có xu hướng tốt hơn thí sinh các khối khác cho nên tuyển vào sẽ nâng chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, không thể nói các ngành học như Triết học chẳng hạn đơn thuần chỉ cần kiến thức ngành xã hội - nhân văn. Có các em khối A thi vào cũng tiếp thu kiến thức không đến nỗi nào”.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng việc có các khối thi phi truyền thống để thi vào nhiều ngành học khiến việc phân khối thi trở nên ít cứng nhắc hơn nhiều, bớt đi lúng túng của cả trường ĐH lẫn thí sinh.
Điều này khiến việc thi cử gần hơn với cách thi ở nhiều trường ĐH ở nước ngoài, đó là tổ chức thi Văn, Toán bắt buộc và một môn thi tùy theo sự lựa chọn của trường ĐH đó.
Theo Tiền Phong