Tuyển sinh năm 2011: Đâu là giải pháp mới?

Với mục tiêu tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực nên ngay sau khi mùa tuyển sinh 2010 kết thúc, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những dự định nhằm thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh năm 2011.

Với mục tiêu tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực nên ngay sau khi mùa tuyển sinh 2010 kết thúc, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những dự định nhằm thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh năm 2011. [links()]Những ý tưởng “kì lạ” Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết là thời gian tới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi để tìm ra phương án tuyển sinh hợp lý. Một phương án mới mà Thứ trưởng Ga nêu ra là có thể chỉ tổ chức thi một lần với một số môn quy định. Theo Thứ trưởng Ga, nếu chỉ còn một đợt thi thì gánh nặng đối với gia đình và xã hội sẽ giảm đi. Giải thích về ý tưởng này, Thứ trưởng Ga đưa ra ví dụ, các trường CĐ không nhất thiết phải thi mà chỉ lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển hoặc hiện ĐH đang thi riêng các khối A, B, C, D, có thể sau này sẽ thi chung một khối với số môn thi tăng lên để thí sinh tự chọn. Như vậy, thay vì ba đợt thi như hiện nay thì chỉ cần một đợt thi để có kết quả xét tuyển vào tất cả các trường. Mặc dù đây mới chỉ là ý tưởng trao đổi tại một hội nghị nhưng không ít các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa tin và chính điều này đã khiến không ít người “bất ngờ”. Theo đánh giá của lãnh đạo của một trường ĐH tại Hà Nội thì hiện nay công tác tuyển sinh “3 chung” vẫn là giải pháp tốt. Phương thức tuyển sinh hiện nay các trường đều cho rằng là hợp lý. Lâu nay các trường chỉ than phiền đến việc “lỗ” tuyển sinh do số lượng hồ sơ ảo. Tuy nhiên với việc năm 2010, Bộ Tài chính đã cho phép thu tiền nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh ngay từ đầu thì vấn đề này cũng đã được giải quyết phần nào. Cũng chung quan điểm, một cán bộ tuyển sinh lâu năm ở TPHCM chia sẻ: “Trước đây để tránh tình trạng thí sinh đỗ dồn về các thành phố lớn dự thi (đặc biệt là Hà Nội và TPHCM) nên Bộ GD-ĐT đã tách thành 3 đợt thi. Bên cạnh đó cũng nhằm giảm chi phí cho gia đình thí sinh và sự căng thẳng của xã hội nên quyết định thành lập 3 cụm thi Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ. Nếu bây giờ chúng ta phá vỡ kết cấu này thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ở các địa phương có tổ chức thi và khi đó chỉ tăng thêm sự căng thẳng chứ không thể giảm được”. Cũng theo cán bộ tuyển này nếu tuyển sinh thay đổi theo hình thức này cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc bố trí phòng thi và đánh số báo danh bởi mức độ đề thi từng môn ở mỗi khối thi có sự chênh lệch. Chẳng hạn như đề thi toán khối A, B thường có mức độ khó hơn khối D…Đổi mới theo phương pháp nào? Theo lãnh đạo của ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội thì phương án tốt nhất là giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh bởi từng ngành đào tạo yêu cầu với những môn thi đặc thù, các trường sẽ có những phương thức thi phù hợp để lựa chọn được nguồn đầu vào đáp ứng ngành học đó. “Trước đây chúng ta cũng đã từng giao cho các trường tự chủ tuyển sinh nhưng lại không quản lý được tính trung thực của các kì thi này. Chính vì thế mà giải pháp “3 chung” ra đời. Mặc dù tồn tại được 9 năm nhưng đến thời điểm này đây vẫn là phương án tối ưu nhất”, lãnh đạo này cho biết. Quan điểm của lãnh đạo này không phải là thiếu cơ sở bởi trong nhiều hội nghị tuyển sinh toàn quốc không ít ý kiến ca ngợi giải pháp này bởi nó giúp cho các trường bớt mệt mỏi và lo lắng. Đặc biệt là khâu ra đề. Bên cạnh đó với cải tiến thi trắc nghiệm các môn Hóa, Lý, Sinh và Ngoại ngữ nên kì thi cũng đảm bảo tính khách quan nhiều hơn. Tuy nhiên với sự ra đời của khá nhiều các trường ĐH, CĐ nên đã khiến không ít các trường ngoài công lập lên tiếng đòi quyền tự chủ tuyển sinh bởi với ràng buộc điểm sàn việc tuyển đủ chỉ tiêu là rất khó khăn. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga từng khẳng định với báo chí, không thể bỏ được điểm sàn vì đây là điều kiện cần thiết để kiểm tra chất lượng đầu vào. Nếu bỏ điểm sàn thì tất cả thí sinh sẽ vào học ĐH, CĐ hết, rất khó kiểm soát chất lượng. Hiện nay, điểm sàn của Bộ đã tính toán đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Nói là thế nhưng trong mùa tuyển sinh năm 2010, mặc dù Bộ GD-ĐT đã nhân nhượng cho các trường kéo dài thời gian xét tuyển đến tận tháng 11 nhưng nhiều trường vẫn ngậm ngùi cay đắng đóng cửa không ít ngành đào tạo. Các trường đều cho rằng không có nguồn để tuyển nên cho dù có kéo dài thêm cũng chẳng vớt vát được gì. Trong khi đó từ khi tuyển sinh “3 chung” đến nay thì chưa một lần điểm sàn rơi ra khỏi phạm vi từ 13-15 cho dù đề mỗi năm có sự chênh lệch tương đối lớn. Chính vì sự cứng nhắc và “cổ hủ” này khiến tình trạng tuyển sinh vài năm trở lại đây luôn xảy ra tình trạng “lách luật” để tuyển đủ chỉ tiêu. Một chuyên gia tuyển sinh chia sẻ: “Kì thi “3 chung” đã tồn tại 9 năm, thi trắc nghiệm đã áp dụng được 4 năm nên đến lúc Bộ GD-ĐT cần tổ chức một cuộc đánh giá nghiêm túc để từ đó có những điều chỉnh hợp lý so với thời cuộc. Bộ cũng không nên cứng nhắc ấn định mức điểm sàn hàng năm trong phạm vi cố định để tránh việc gây khó khăn cho các trường. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến vấn đề “trừ điểm ngược” đối với môn thi trắc nghiệm khi chọn đáp án sai bởi trên thực tế với cách ra đề hiện nay thí sinh không biết gì cũng có thể kiếm 2,5 điểm từ môn thi trắc nghiệm”. “Đổi mới phương thức thi cử cần bắt nguồn từ sự so sánh thực tiễn đối với tính hiệu quả của giải pháp đang thực hiện chứ không phải là những ý tưởng chốc lát gây hoang mang cho dư luận”, chuyên viên này nhấn mạnh. Mặc dù các kì thi năm 2011 vẫn còn khá xa nhưng có lẽ Bộ GD-ĐT cần có những động thái tích cực đánh giá công tác tổ chức thi cử, tránh tình trạng “đổi” nhưng “không mới” như hiện nay.
Theo Dân trí

Đọc thêm