Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2011-2012: Vì sao giảm chỉ tiêu ?

So với năm học 2010-2011, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2011-2012 tại Hải Phòng giảm hơn 1700 chỉ tiêu, trong khi khối trường THPT ngoài công lập lại được giao tăng hơn 300 chỉ tiêu, đã gây thắc mắc trong dư luận.

So với năm học 2010-2011, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2011-2012 tại thành phố giảm hơn 1700 chỉ tiêu. Trong khi đó, khối các trường THPT ngoài công lập lại được giao tăng hơn 300 chỉ tiêu. Việc giao chỉ tiêu vừa tăng, vừa giảm thế này gây một số  thắc mắc trong nhân dân và học sinh. Phóng viên Báo Hải Phòng làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục-Đào tạo và một số trường THPT công lập tại thành phố chung quanh vấn đề này.

Thiếu học sinh, thừa giáo viên

Trường THPT Ngô Quyền có bề dày truyền thống gần một thế kỷ, là nơi có chất lượng giáo dục cao với các điều kiện dạy và học đạt chuẩn, được Bộ GD-ĐT xếp vào danh sách 200 trường THPT trong cả nước có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao. Tuy nhiên, “cánh cửa” vào ngôi trường này ngày càng hẹp với các học sinh. Theo hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hồng Thuý, năm học 2011-2012, nhà trường đề nghị tuyển sinh 14 lớp 10, nhưng Sở GD-ĐT chỉ giao tuyển sinh 11 lớp, ít hơn 3 lớp so với thực lực giảng dạy của nhà trường.

Cũng là địa chỉ được nhiều học sinh và phụ huynh tin tưởng do chất lượng giáo dục toàn diện, nằm trong danh sách 200 trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao. Năm học 2011-2012, Trường THPT Lê Quý Đôn có 16 lớp 12 ra trường với 762 học sinh, nhưng chỉ được giao chỉ tiêu tuyển sinh 13 lớp 10 với 585 học sinh. Hiệu trưởng nhà trường Lâm Tuyết Trinh băn khoăn cho rằng,  tình trạng hụt học sinh trong năm học này sẽ ảnh hưởng đến quy mô nhà trường. Trước mắt, nhà trường sẽ dôi dư 6 giáo viên.   

Trường THPT Trần Nguyên Hãn đạt chuẩn từ năm 2005, cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, hiện đại với 36 phòng học được trang bị màn hình 50 in, hệ thống ca mê ra, âm thanh hai chiều... Nhưng năm học 2011-2012, quy mô của trường cũng giảm 3 lớp 10 so với năm học trước. Tình trạng thừa giáo viên tương tự như trường THPT Lê Quý Đôn.

Theo quyết định của Sở GD-ĐT, năm học 2011-2012, 40 trường THPT công lập tại thành phố được giao tuyển sinh 363 lớp 10 với 16225 học sinh, giảm 71 lớp với 1712 học sinh; 16 trường THPT ngoài công lập được giao 102 lớp 10 với 4590 học sinh, tăng 16 lớp với 315 học sinh so với năm học 2010-2011. Trừ các trường trên, ở khu vực nội thành, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT Hải An chỉ còn 7 lớp, giảm 3 lớp so với năm học trước.  Tính theo định biên của Bộ GD-ĐT (2,2 giáo viên/lớp), năm học này, các trường THPT công lập tại thành phố sẽ dôi dư hàng trăm giáo viên.  

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đỗ Thế Hùng cho biết, khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD-ĐT căn cứ vào tỷ lệ học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 9 bậc THCS, số học sinh lớp 9 đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm qua, thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên các trường THPT và chỉ tiêu pháp lệnh của UBND thành phố. Từ những căn cứ này, nguyên nhân giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2011-2012 là do số học sinh lớp 9 bậc THCS của thành phố chuẩn bị thi vào lớp 10 giảm so với năm học trước. Thống kê của Sở GD-ĐT, hiện thành phố có 23416 học sinh lớp 9, giảm 610 em so với năm học trước. Dự báo trong những năm tới, số học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 tiếp tục giảm. Một nguyên nhân khác, cũng rất cơ bản, đó là việc giao chỉ tiêu vào lớp 10 bám sát mục tiêu xã hội hóa giáo dục theo nghị quyết của Chính phủ và HĐND thành phố.Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT phải đạt tỷ lệ 60/40 ( 60% học sinh học tập tại các trường THPT công lập, 40% học sinh học tập tại các trường THPT ngoài công lập). Với việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập, tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ngoài công lập, thành phố và ngành GD-ĐT đang từng bước thực hiện mục tiêu do Chính phủ và HĐND thành phố đề ra. Ông Hùng khẳng định, việc giao chỉ tiêu như vậy phù hợp với thực tế khách quan, từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục, duy trì mạng lưới các trường THPT ngoài công lập và nhằm phân luồng học sinh, phổ cập bậc trung học trên địa bàn thành phố.

Với việc chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012, Trường Lê Quý Đôn (ảnh) cũng như nhiều trường THPT công lập trên địa bàn thành phố sẽ dôi dư nhiều giáo viên.
Với việc chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012, Trường Lê Quý Đôn (ảnh) cũng như nhiều trường THPT công lập trên địa bàn thành phố sẽ dôi dư nhiều giáo viên.

Xã hội hóa: Cần có lộ trình

Hải Phòng là điểm sáng của cả nước về phát triển mạng lưới các trường THPT ngoài công lập, phù hợp với các nghị quyết của Chính phủ và HĐND thành phố về xã hội hóa giáo dục. Thực tế, việc phát triển loại hình trường THPT ngoài công lập thu hút được lượng lớn chất xám và tiền bạc của xã hội đầu tư tham gia xây dựng trường học. Tuy nhiên, sau một thời gian họat động, một số trường bộc lộ sự yếu kém, họat động kém hiệu quả, phải giải thể. Trong số 16 trường THPT ngoài công lập hiện nay, còn một số trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ nhân lực. Thực trạng này khởi nguồn cho những ý kiến chưa đồng nhất về lộ trình thực hiện xã hội hóa giáo dục theo các nghị quyết trên.

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn Vũ Thị Sâm cho rằng, cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp để thực hiện mục tiêu 60/40. Muốn vậy, các trường THPT ngoài công lập cần có các điều kiện dạy và học bảo đảm, chất lượng giáo dục được  khẳng định thì việc giao chỉ tiêu theo tỷ lệ 60/40 mới công bằng. Khi đó người dân sẽ không phải băn khoăn lựa chọn loại hình THPT công lập hay ngoài công lập. Giám đốc Đỗ Thế Hùng cũng công nhận chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập còn khoảng cách xa so với các trường công lập. Tuy nhiên, quan điểm của thành phố và ngành là tiếp tục tạo điều kiện để các trường duy trì họat động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và tránh lãng phí sự đầu tư của nhân dân. Thời gian tới, ngành GD-ĐT tăng cường kiểm tra, đánh giá thực trạng các trường ngoài công lập. Trường nào hoạt động èo uột, không hiệu quả, ngành mạnh dạn đóng cửa để học sinh được học tập trong các ngôi trường có chất lượng hơn./.  

Bích Hạnh

Đọc thêm