Tuyệt sắc ngôi làng có bốn mùa Xuân

(PLO) - Ở ngôi làng kỳ diệu này có cả bốn mùa xuân vì bất cứ tháng nào trong năm du khách cũng được ngắm những cánh đồng hoa rực rỡ trải dài như bất tận với đủ màu sắc, chủng loại, hương thơm.
Cánh đồng hoa là vùng ruộng thấp, ngập nước nhưng hoa không trồng trực tiếp xuống ruộng mà được trồng trong các chậu treo trên các giàn.
Cánh đồng hoa là vùng ruộng thấp, ngập nước nhưng hoa không trồng trực tiếp xuống ruộng mà được trồng trong các chậu treo trên các giàn.
Không chờ đến khi cánh én bay về báo hiệu xuân sang, bắt đầu sang tháng mười một âm lịch hàng năm, làng hoa kiểng Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp đã hối hả bước vào mùa khai hội. 
Càng sát Tết, không khí càng rộn rã, khách đến tận vườn đặt mua cây, thương lái từ các tỉnh đến nhà vườn mua sỉ đem về bán tết. Cùng với tiếng nói cười rổn rảng, hàng ngàn vạn bông rực rỡ sắc màu cũng theo những đoàn xe nô nức nối đuôi nhau chảy về các ngả tô thắm sắc cho ngày Tết cổ truyền...
Hoa miệt vườn xuất ngoại
Chúng tôi đến thăm vùng đất sen hồng, được chỉ dẫn tới thăm ngôi làng có bốn mùa xuân đó là làng hoa kiểng Sa Đéc nằm trong địa phận xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Đến làng hoa cổ xinh đẹp nằm ven bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, phù sa màu mỡ, ngập tràn nắng ấm với ngàn hoa thắm sắc, chúng tôi gặp ở đây các loại cây kiểng quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm.
Cạnh đó, những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai... qua bàn tay khéo léo, cần mẫn, tài hoa, với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quí, có hình dáng đẹp, lạ.
Ở ngôi làng kỳ diệu này có cả bốn mùa xuân vì bất cứ tháng nào trong năm du khách cũng được ngắm những cánh đồng hoa rực rỡ trải dài như bất tận với đủ màu sắc, chủng loại, hương thơm. Hoa chủ yếu ở đây là các loài cúc, đồng tiền và hồng. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ và nhân giống được khoảng 50 giống hoa hồng:
Hồng nhung đỏ thắm diễm lệ; hồng màu tím sen; hồng màu phấn ửng như má con gái tuổi dậy thì; hồng phớt màu gạch tôm, hồng màu gạch tôm đậm; hồng trong đỏ ngoài vàng; hồng màu cam kiêu sa như làn môi của các “hot girl”; hồng trắng nõn nà, thơm ngát như làn da em bé ai nhìn là chỉ muốn hít hà; hồng màu vàng hột gà...
Hoa kiểng ở làng hoa Sa Đéc không chỉ cho màu sắc, hương thơm mà còn dùng để trang trí nội thất, tạo cảnh quan cho công viên, cơ quan, công sở, công trình văn hoá, nhà ở. Ngoài việc dùng để tô điểm và làm kiểng, một số loài hoa nơi đây có dược tính được dùng để chữa bệnh.
Làng hoa Sa Đéc là vựa hoa lớn của vùng Nam bộ, chuyên cung cấp hoa kiểng cho nhiều tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM và xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Từ làng hoa Tân Qui Đông cổ xưa, nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc hiện được mở rộng ra các xã, phường lân cận với nhiều chủng loại phong phú và đa dạng làm cho hoa kiểng nơi đây không những nổi tiếng trong vùng mà còn được nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước biết đến.
Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ sông Tiền, đường tỉnh lộ 848, Lê Lợi, Sa Nhiên — Cai Dao, Sa Nhiên — Ông Thung để được ngắm thỏa thích, không phải là vườn hoa hay làng hoa mà là cả một rừng hoa với đủ các kỳ hoa dị thảo đua nhau khoe sắc.
Ở Tân Qui Đông con đường từ bờ sông Tiền chạy ra sông Sa Đéc được mang tên Vườn Hồng với các nhà vườn hoa kiểng trồng chủ yếu trồng hoa hồng nên gắn với tên chủ vựa hoa, đặc biệt Vườn Hồng Tư Tôn nổi tiếng từng được Tổng thống nước Cộng hòa Pháp ghé thăm vào năm 1997. Bước vào Vườn hồng Tư Tôn là cả thế giới của hoa hồng rực rỡ, kiêu sa, lộng lẫy.
Ở đây còn có giống hoa hồng xanh kỳ diệu được lai tạo bởi bàn tay nghệ nhân chăm sóc và thuần hóa. Ở các nhà vườn này còn có các loài cây kiểng như vạn niên tùng, kim quýt, nguyệt quới, mai vàng, mai chiếu thủy. Mỗi thế cây dáng đứng đều thắm đượm bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa giản dị đời thường, vừa mang tính nghệ thuật, triết lý sâu xa.
Này là thế phu phụ, đây là thế mẹ bồng con, thế thác nước, thế nghinh phong... mỗi thế có ý nghĩa riêng và đôi khi còn mang cả một truyền thuyết hay triết lý, kinh nghiệm sâu xa của cuộc đời.
Hoa có nhiều chủng loại nhưng chủ yếu là các loại cúc, đồng tiền và hồng.
 Hoa có nhiều chủng loại nhưng chủ yếu là các loại cúc, đồng tiền và hồng.
Những người mang mùa xuân đổi lấy mùa xuân
Làng hoa Sa Đéc là một trong những trung tâm hoa kiểng lớn nhất Nam bộ, diện tích trồng hoa kiểng hiện nay đã lên đến 418 hecta (trước kia chỉ có 60 hecta), sản lượng trên 20 triệu chậu hoa các loại.
Hiện địa phương có khoảng 2.000 hộ với gần 1 vạn lao động chuyên sống bằng nghề trồng hoa và cây cảnh, vào vụ tết vựa hoa này thu hút thêm một số lượng lớn lao động tự do. Bà con nơi đây vốn là dân miệt vườn, làm nông truyền thống nên tính tình thật thà, nồng hậu. Đây cũng là ấn tượng đẹp và khó phai trong lòng du khách khi đến với làng hoa. 
Điểm khác biệt của “thủ phủ” hoa Sa Đéc so với các làng hoa của Hà Nội hay hoa Đà Lạt đó là hoa Sa Đéc được trồng trên vùng ruộng thấp, ngập nước nhưng không trồng trực tiếp xuống ruộng mà được trồng trong giá thể treo trên các giàn tre, nứa được xếp thẳng hàng ngay ngắn.
Trước đây do chưa được đầu tư đúng mức, làng hoa kiểng Sa Đéc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện nay, làng hoa kiểng Sa Đéc khởi sắc bước vào thời kỳ hoàng kim, được bổ sung nhiều chủng loại quý hiếm, mới lạ, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, định hướng quy mô bổ sung quy hoạch làng hoa, xây dựng chợ đầu mối hoa kiểng và trung tâm  lai tạo nhân giống cấy mô làm cho hoa kiểng Sa Đéc thêm hương sắc. Nhờ vậy, nghề truyền thống chân lấm tay bùn đã mang lại no ấm cho bà con xóm ấp.
Tại địa phương, hiện không thiếu những gia đình nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ nghề trồng hoa kiểng. Có điều, dù có là tỷ phú thì họ vẫn giữ nguyên bản chất hiền lành, thật thà của người nông dân miệt vườn. Dù trong nhà có bạc tỷ, có vài chục người làm thuê thì hàng ngày người ta vẫn thấy ông chủ tự tay cần mẫn chăm bón, vun trồng hoa kiểng, vất vả trần lực như bao người nông dân bình dị khác.
Với họ, làm nghề không đơn giản là để mưu sinh mà còn là nhu cầu tự thân, như cơm ăn, nước uống; và thiêng liêng hơn, đó còn là cách để họ bảo tồn phát triển nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề mà cha ông bao đời nay đã truyền lại cho mình. 
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, bà con làng hoa hôm nay thường quyên góp tiền làm thiện nguyện để giúp đỡ những mảnh đời đau bệnh, cơ nhỡ, khốn khó hơn mình.
Bà Huỳnh (63 tuổi) tâm sự, cứ mỗi độ tết về lại nhớ những cái tết xưa nghèo khó, hồi đó việc làm ăn cũng không chuyên nghiệp như bây giờ nên nhà vườn tự trồng tự bán, tết năm nào bà Huỳnh cũng cùng mấy chị em trong nhà bán cây đến tận tối giao thừa.
Người ta gọi chợ tết chiều tối 30 là chợ của nhà nghèo vì chỉ những nhà nghèo mới đi chợ hoa đêm 30 để mong mua được món đồ rẻ mà ưng ý; và cũng chỉ có những nhà nghèo mới phải ngồi chợ đến tối 30 dù trong lòng rất muốn có được buổi tối tất niên đầm ấm, sum vầy bên gia đình.
Cũng bởi cùng cảnh ngộ vậy nên người mua, kẻ bán hoa kiểng đêm giao thừa dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau, có những chậu hoa bán rẻ như cho, người mua, kẻ bán vội vã chúc nhau năm mới rồi hối hả về nhà lo cúng giao thừa, hối hả bày biện cái tết cho tổ ấm... 
Cũng vì ấn tượng khó quên ấy mà đến bây giờ gia đình sung túc rồi nhưng bà Huỳnh vẫn muốn được trải nghiệm cảm giác ấm áp xen lẫn bùi ngùi cảm động ấy. Bà gọi những người nông dân chịu thương chịu khó, chân lấm tay bùn trồng hoa kiểng như mình là những người “đem mùa xuân để đổi lấy mùa xuân” cho gia đình mình và cho mọi người.
“Cuối tháng 11/2015 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Làng hoa kiểng Sa Đéc và Nghề dệt choàng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm cho hoạt động văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú.”