Thuê thêm đất để trồng hoa
Nằm ở địa phận quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội chừng 15km, làng hoa Tây Tựu được hình thành theo quy hoạch cách đây gần 20 năm. Người dân ở đây trồng hoa quanh năm để phục vụ nhu cầu thị trường, nhưng dịp cận Tết Âm lịch vẫn là mùa thu hoạch hoa lớn nhất trong năm.
Trước đây, người dân Tây Tựu chỉ dùng 2/3 số đất canh tác để trồng hoa với đủ các loại như cúc, đồng tiền, ly, thược dược, violet... Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người dân đã thuê thêm diện tích đất ruộng ở một số thôn lân cận để mở rộng đất trồng với nhiều loại hoa phong phú hơn, chất lượng cao.
Để những cây hoa sạch mầm bệnh đến ngày thu hoạch, người trồng phải liên tục chăm sóc, tỉa cành, trừ sâu trong mỗi luống hoa. Theo những người trồng hoa lâu năm, hoa cúc và đồng tiền là loại dễ trồng vì chịu được thời tiết khắc nghiệt. Loại hoa này thường cho thu hoạch sau khoảng ba tháng vun trồng.
Chính vì dễ trồng nên giá hoa không quá cao, đôi khi vài ngàn đồng mua được cả bó hoa. Riêng với hoa đồng tiền được dùng nhiều trong các lễ hội truyền thống và là một phần không thể thiếu trong mỗi lẵng hoa nên vẫn được người dân trồng nhiều, giá hoa dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/bông. Cái dễ của hoa đồng tiền là không cần chăm sóc chu đáo như các loại hoa ly hay hoa hồng mà chỉ cần bón phân, tưới nước, giữ ấm.
Bên cạnh các dòng hoa truyền thống, những năm gần đây người dân Tây Tựu mở rộng diện tích để canh tác thêm một số loại hoa đặc biệt như ly, violet... Đây được xem là những dòng hoa hạng sang với mức giá khá đắt, từ 50.000 – 100.000 đồng/bông, riêng hoa ly nhập đã 22.000 đồng/củ. Mỗi sào ruộng canh tác được trên 2.000 củ.
Những cây hoa giống đang lên thật đều |
Cái khó của trồng hoa ly là phải căn đúng thời gian để trồng cho hoa chuẩn bị nở vào dịp cận tết mới bán được hàng. Vì ngoài dịp tết, hoa bán với giá rất thấp, sẽ lỗ. Phần lớn người dân Tây Tựu đã biết được các kỹ thuật chăm sóc và giữ ấm cho cây hoa trong ngày rét. Tuy nhiên, vào những ngày rét đậm, người dân còn nhiều lúng túng trong quá trình xử lý tình huống khi sương muối rơi, một phần do chủ quan nên đã để hoa nở sớm, buộc phải bán rẻ.
Áp dụng công nghệ cao nhưng vẫn… cầu trời
Theo các chủ nhà vườn Tây Tựu, dù còn 2 tuần nữa mới đến Tết Ất Mùi nhưng đây chính là thời điểm quan trọng quyết định bông hoa đem ra chợ bán được giá cao hay thấp. Nhớ năm 2009, chỉ sau một trận mưa lớn đã khiến vựa hoa của cả làng Tây Tựu bị gãy ngang thân, giập nát gần như toàn bộ, thành đống thức ăn cho trâu, bò.
Số hoa còn lại nhanh chóng tàn, những bông chưa hé nụ trở thành hoa “câm” vì gặp sương nên không thể tiếp tục nở thành hoa. Anh Lê Xuân Hai một chủ vườn hoa ở Tây Tựu cho biết: “Năm nay gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng cho khoảng 1.500 cây hoa kiểng và trên 300 triệu đồng đầu tư canh tác hoa ly, violet, cúc các loại. Hiện tại cây hoa phát triển tốt vì chưa trải qua những đợt sương muối, mưa lớn thất thường như những năm trước”.
Nhưng anh Hai cũng không tránh khỏi lo lắng hoa sẽ có nguy cơ nở chậm nếu liên tiếp gặp sương mù trong những ngày tới. Hoa nở chậm ảnh hưởng đến việc cung ứng hoa cho thị trường tết, đồng thời làm giảm chất lượng, tạo điều kiện để các thương lái ép bán với giá rẻ nhưng bán ra thị trường với giá cao. Mặc dù người dân đã áp dụng phương thức chăm sóc theo hướng công nghệ cao (chăm sóc trong vườn ươm để tránh sương và giăng điện) để sưởi ấm cho hoa nhưng nếu gặp đợt rét đậm sẽ khó đủ điện sáng sưởi ấm cho vựa hoa lớn. Hơn nữa, tình trạng sương mù dày đặc sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, đơm hoa về sau.
Bà con phấn khởi vì năm nay vựa hoa được mùa |
Cùng nỗi lo lắng giống anh Hai, chị Lê Thị Kim Linh, chủ một vườn hoa cho biết, mặc dù hiện tại hoa đang phát triển đều nhưng sẽ chỉ nở đúng hẹn khi thời tiết tiếp tục thuận lợi như thời gian vừa qua. Nếu những ngày tới thời tiết xấu đi thì nguy cơ một lượng lớn hoa nở chậm lại sau tết sẽ rất cao.
Được biết, năm 2010, chị Kim Linh trồng 2 sào hoa ly và violet nhưng do dịp cận tết hoa gặp sương muối và một trận mưa kéo dài nên vườn hoa của chị đã nở chậm hơn một tuần so với kế hoạch. Thời tiết xấu khiến chị lỗ hơn 100 triệu đồng do không đưa hoa ra thị trường bán đúng dịp cận Tết Âm nên phải chờ sau dịp Tết Âm lịch bán hoa với giá thành thấp hơn 1/3.
Tuy hoa đang phát triển là vậy nhưng mỗi người dân ở đây luôn trong tình trạng “nín thở” để chờ đến ngày hoa nở, bán ra thị trường. Từng ngày, họ luôn phải chăm sóc, vun vén cho những cây hoa, đảm bảo điều kiện tốt nhất để hoa nở đúng dịp, không bị “mất tết” vì hoa nở chậm như những năm trước./.