U Minh Hạ mùa ong rừng làm mật

(PLO) - “Ở đâu bằng xứ Lung Tràm/ Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm”. Câu thơ cứ ngân nga trong lòng chúng tôi trên hành trình khám phá U Minh Hạ. Đối với du khách, rừng U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau là vùng đất bí ẩn, hoang sơ như thách thức, mời gọi những ai ưa khám phá và trải nghiệm…

Kỳ vĩ và hào phóng

Thiên nhiên rừng U Minh Hạ bí ẩn nhưng cũng đầy hào phóng ban tặng những sản vật quý giá mà khó nơi nào sánh được. Những sản vật thiên nhiên quý báu đó là trái ngọt mà người nông dân nhận được trong khúc ca bi tráng về quá trình khẩn hoang vùng đất này.

Bên cạnh khai thác nguồn tài nguyên rừng U Minh Hạ cho các hoạt động nông - lâm - ngư nghiệp, nơi đây đã manh nha xuất hiện những dấu hiệu của hoạt động du lịch, ngành dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bằng nét dân dã, mộc mạc nhưng rất đặc trưng của thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập nước, U Minh Hạ hứa hẹn mang đến cho lữ khách thập phương những trải nghiệm kỳ thú khó quên.

Ðến U Minh Hạ, du khách được thưởng thức những sản vật mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này, để cảm nhận được thành quả lao động từ bàn tay cần cù của người nông dân. Ðó là các món ăn hết sức dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn như lươn um lá nhàu, lẩu mắm rau rừng đọt choại, canh chua cá lóc, cá rô, cá lóc nướng trui, dưa bồn bồn…

Nhấm nháp ly rượu trái giác, một thứ nho rừng đặc trưng vùng U Minh, gắp miếng cá lóc nướng trui chấm muối hột, trải nghiệm cảm giác thăng hoa đầu lưỡi. Ngân nga vài câu vọng cổ, ngắm trời chiều, du khách như trải lòng mình sau những lo toan bận bịu của cuộc sống. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ấm lòng khách tha phương sau chuyến đi dài, và để lại những khoảnh khắc khó mà quên được trong hành trang lữ khách.

 

Theo chân thợ đi lấy mật ong rừng

Thiên nhiên ưu ái và yêu thương ban tặng cho vùng đất U Minh Hạ biết bao sản vật. Ðặc biệt nhất phải kể đến đó là thương hiệu mật ong rừng tràm. Dưới tán rừng, quanh năm loài ong cần mẫn đi hút mật từ những nhuỵ bông tràm về xây tổ. Tự bao đời nay, người dân U Minh đã sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng, dân bản địa gọi là “gác kèo ong” hoặc “ăn ong”.  

Hàng năm khoảng tháng hai trở đi, người dân ở vùng U Minh Hạ lại tất bật chuẩn bị bước vào mùa gác kèo ong. Không chỉ để kiếm tiền, đây còn là mùa để những tay thợ rừng trình diễn tài nghệ và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề.  Người dân U Minh Hạ chia việc ăn ong thành hai mùa. Mùa ong hạn với số lượng mật nhiều, chất lượng mật tốt. Mùa ong nước bắt đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là giai đoạn cây tràm trổ bông lần thứ hai, mưa nhiều. Theo kinh nghiệm, giờ đi cắt mật ong bắt đầu từ 5 đến 8h sáng. Bình quân mỗi hộ gác kèo thu được 350 lít mật ong, cá biệt có gia đình thu trên 1.000 lít mật trong một năm, với giá bán mỗi lít mật từ 100.000 - 150.000 đồng. 

Khi đi “ăn ong”, bằng kinh nghiệm gia truyền, người thợ rừng sành sỏi chỉ cần chọn một vị trí tốt trong rừng đặt một đoạn thân cây, thường là cây tràm hoặc cây cau (còn gọi là kèo ong), khoảng hơn chục ngày sau là đàn ong kéo về xây tổ cho sản lượng mật dồi dào. Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản thiên nhiên của vùng đất cực Nam Tổ quốc do đặc tính loài ong chỉ hút mật từ nhuỵ hoa tràm để làm mật, ngoài giá trị là thực phẩm bổ dưỡng còn mang đến nhiều công dụng y học. Mật ong thiên nhiên vàng óng ánh, sánh đặc, có mùi thơm của hoa tràm và vị ngọt tự nhiên, mang đến một cảm giác dịu mát và ngọt ngào khi thưởng thức.

Ðến với rừng U Minh Hạ, lần đầu tiên du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác kỳ thú khi theo chân những người thợ gác kèo ong vào rừng ăn ong, lấy mật. Du khách được thưởng thức món ăn ong non vừa được cắt xuống, chấm thêm tí mật của hương rừng tràm U Minh thì ngọt thanh đến thao đầu lưỡi giống như tình yêu thương dạt dào mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Lữ khách cũng không khỏi bất ngờ khi được giới thiệu thực đơn phong phú được biến tấu từ ong rừng như bánh ong chiên giòn, gỏi ong non, mắm ong... và cũng không nên bỏ qua cơ hội mua mật ong nguyên chất của rừng tràm U Minh về dùng hay làm quà biếu cho người thân. 

Loại hình du lịch mới lạ và ý nghĩa

Mặc dù miền đất này còn lắm hoang sơ nhưng U Minh Hạ cũng đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại bằng mô hình du lịch trải nghiệm. Đây thực chất là dấu hiệu của loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, do cộng đồng địa phương đứng ra tổ chức, quản lý và phát triển nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên và di sản văn hoá tồn tại xung quanh cộng đồng, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Ðiểm nổi bật của loại hình du lịch này là tạo cơ hội trao quyền cho cộng đồng, tăng cường sự tham gia của họ trong việc ra quyết định và lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương.

Dựa trên những thế mạnh và nét kỳ thú thiên nhiên sẵn có, người dân hai huyện U Minh và Trần Văn Thời đã bắt đầu đầu tư, cung cấp các dịch vụ đi thuyền tham quan rừng, trải nghiệm nghề gác kèo ong tự nhiên và ăn ong, dịch vụ ăn uống và mua sắm đặc sản rừng U Minh… Loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại U Minh Hạ được ngành du lịch tỉnh Cà Mau khuyến khích bởi giá trị kinh tế mang đến cho cộng đồng địa phương và ý nghĩa từ việc khai thác có hiệu quả đi đôi với bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Ðừng bỏ lỡ các điểm đến hấp dẫn này khi đến thăm vùng đất kỳ thú nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc. 

Đọc thêm