“Uẩn khúc” thẩm phán để nguyên đơn… “độc diễn” tại tòa

Đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng & Du lịch Bình Minh vừa có đơn kháng cáo bản án số 01/2012/HCST của TAND tỉnh Hòa Bình. Trong đơn, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử Trần Dũng Tiến bị “tố” xử thiên vị, sai pháp luật, tạo điều kiện cho nguyên đơn “biểu diễn” trong phiên tòa, bản án không đưa ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát về việc bác bỏ đơn khởi kiện của nguyên đơn …

Đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng & Du lịch Bình Minh vừa có đơn kháng cáo bản án số 01/2012/HCST của TAND tỉnh Hòa Bình. Trong đơn, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử Trần Dũng Tiến bị “tố” xử thiên vị, sai pháp luật, tạo điều kiện cho nguyên đơn “biểu diễn” trong phiên tòa, bản án không đưa ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát về việc bác bỏ đơn khởi kiện của nguyên đơn…

 

Như PLVN đã đưa, ngày 24/2/2012, TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH xi măng Xuân Mai và bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong vụ kiện, nguyên đơn yêu cầu Cục SHTT  hủy bỏ Quyết định 2470 của cơ quan này về việc hủy bỏ một phần hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 về việc giải quyết khiếu nại hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục SHTT.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Dũng Tiến. Theo bản án số 01/2012/HCST, cho thấy, tòa này “chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện” của Cty Xuân Mai. Đồng thời, tuyên “hủy Quyết định số 2470 ngày 8/1/2010 về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 ngày 13/5/2011 về việc giải quyết khiếu nại quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” của Cục SHTT.

Theo đó, phán quyết của chủ tọa phiên tòa Trần Dũng Tiến “đồng ý” chấp nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 cua Cty Xuân Mai có hiệu lực pháp luật!.

Không chỉ “thiên vị”

Ngay sau khi nhận được bản án số 01/2012/HCST, đại diện Cty Bình Minh (đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đã có đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo này khẳng định, thẩm phán Trần Dũng Tiến trong quá trình xét xử đã tạo điều kiện để Cty Xuân Mai độc chiếm diễn đàn, trình bày tràn lan các ý kiến của mình, xúc phạm đến các bên khác.

Trong khi cho phép Cty Xuân Mai “độc diễn”, thì thẩm phán Tiến lại cắt lời, vặn hỏi, không cho Cục SHTT và Cty Bình Minh được trình bày hết quan điểm của mình. Điều đáng ngạc nhiên là hội đồng xét xử còn có hai hội thẩm nhân dân nhưng toàn bộ phiên tòa chỉ có thẩm phán Tiến xét hỏi, hai vị hội thẩm kia chỉ… luôn luôn lắng nghe, không có bất kỳ ý kiến nào.

Ngay tại phiên tòa, mặc dù đại diện Viện KSND Hòa Bình Bùi Thị Hạnh đưa ra quan điểm đồng ý với Quyết định số 2470 của Cục SHTT về việc hủy bỏ một phần Giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099, cụ thể là hủy bỏ chữ “Trung Sơn” trong nhãn hiệu “Trung Sơn xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hòa Bình – Việt Nam”, nhắc nhở thái độ thái quá của luật sư Nguyễn Hồng Bách, đại diện bảo vệ quyền lợi cho Cty Xuân Mai tại phiên tòa, tuy nhiên, tại bản án số 01/2012/HCST, phần ý kiến này của đại diện Viện Kiểm sát đã không được thẩm phán Tiến đưa vào.

Thẩm phán Tiến còn bị tố là “ngụy biện” để bảo vệ cho nguyên đơn khi cho rằng Cty Xuân Mai “không cần phải biết” về  dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn do Cty Bình Minh làm chủ đầu tư vì đó là dự án “có những bí mật kinh doanh mà Cty Xuân Mai không… tiếp cận được”. Trong khi, trên thực tế, dự án của Cty Bình Minh là dự án có quy mô lớn, nằm trong quy hoạch xi măng của Chính phủ, được nghiên cứu triển khai từ năm 1995.

 Áp dụng sai luật?

Theo đại diện của bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bản số 01/2012/HCST đã áp dụng sai các quy định của pháp luật. Cục SHTT đã áp dụng các quy định tại Điều 220.3 Luật SHTT và căn cứ vào Điều 6, Nghị định 63 (ngày 1/2/2001) của Chính phủ  để hủy bỏ một phần hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 nhưng bản án lại “bỏ qua” điều luật này. Trong khi đó, Điều 220.3 buộc phải áp dụng các quy định của Nghị định 63 khi xem xét hủy bỏ hiệu lực Giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099.

Mặt khác, để có lợi cho Cty Xuân Mai, thẩm phán Tiến đã “lờ” luôn quy định tại Điều 6 của Nghị định 63. Điều 6 này thể hiện việc đăng ký nhãn hiệu là địa danh (trong trường hợp này là Trung Sơn – tương ứng với xã Trung Sơn) phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng tên “Trung Sơn” cua Cty Xuân Mai hoàn toàn chưa được cơ quan quản lý nào của Hòa Bình chính thức cho phép.

Bằng bản án nhiều “uẩn khúc” mang số 01 nói trên, thẩm phán Trần Dũng Tiến đang khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính công minh của TAND tỉnh Hòa Bình. Trên một bình diện khác, như PLVN từng đã đề cập, môi trường kinh doanh tại tỉnh này lại thêm một lần nữa khiến nhà đầu tư e ngại. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ sự việc trong các số báo tới…

Nhóm phóng viên

Đọc thêm