Cơn bão khủng hoảng và suy thoái cuối những năm 1920 đã bao trùm cả ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ. Thất nghiệp, bất ổn lan tràn khắp nơi. Giữa lúc đó, Nghiệp đoàn công nhân (United American Workers - UAW) ra đời mở ra một trang sử mới cho giai cấp công nhân ngành sản xuất ôtô nước Mỹ.
UAW ra đời giữa cơn khủng hoảng
Cuối năm 1929, sản lượng ngành công nghiệp ôtô của Mỹ tăng gấp đôi so với đầu những năm 1920 do sự ra đời của hàng loạt nhà sản xuất và các nhà máy cung cấp linh kiện ăn theo. Tuy nhiên, lợi nhuận có được từ việc kinh doanh không được chia cho công nhân mà bị các cổ đông thâu tóm.
Cùng lúc đó, cuộc đại suy thoái diễn ra đã phủ một bóng mây đen lên toàn ngành công nghiệp nước Mỹ. Giá cả đồ dùng sinh hoạt ngày càng tăng nhưng lương tháng của những người làm công giảm đến 8%, thậm chí, họ không thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở và không mua nổi sản phẩm do chính mình làm ra.
Đầu năm 1930, nước Mỹ đã có 4 triệu người mất việc làm và hơn 1.300 nhà băng đóng cửa. Năm 1931, số người thất nghiệp tăng gấp đôi và năm sau lại tăng gấp đôi nữa lên đến 16 triệu người, 1.800 nhà băng phá sản khiến hàng ngàn hộ gia đình ở Detroit lâm vào cảnh khốn cùng.
Dù vậy, lãnh đạo nhà nước và cả chính quyền tổng thống Herbert Hoover vẫn không quan tâm, họ không làm bất cứ việc gì để cải thiện tình hình mà xem đó là vấn nạn riêng của mỗi gia đình khiến công nhân ngày càng căm phẫn.
Tại các nhà máy, các xưởng sản xuất, công nhân tự lập ra những tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho riêng mình, điển hình là Hiệp hội công nhân ngành công nghiệp ôtô của 24.000 công nhân nhà máy Dodge Main Chrysler. Tuy nhiên, do hoạt động riêng rẽ, không có đường lối đúng đắn nên hầu hết các tổ chức tự phát này đều không gây được tiếng vang.
Tháng 5/1935, một số công nhân thất nghiệp đã sáng lập Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ - United American Workers nhằm mục đích đoàn kết các tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của công nhân và tìm ra một con đường đấu tranh đúng đắn nhất.
Được đông đảo công nhân ủng hộ nên ngay sau khi ra đời, UAW đã nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công làm thay đổi bộ mặt của toàn ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ với những cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc ở các nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở Big Three của Detroit.
Cuộc chiến 44 ngày đêm với General Motors
Chiến thắng vẻ vang đầu tiên của UAW sau khi thành lập là tổ chức thắng lợi cuộc đình công đánh chiếm các nhà máy của General Motors (GM), nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Ngày 28/12/1936, UAW kêu gọi công nhân nhà máy Fisher Body ở Cleveland ngồi không thay vì làm việc, buộc GM phải công nhận tổ chức công đoàn và đồng ý tăng lương cho công nhân. Hai ngày sau, các thành viên của UAW cùng với công nhân các nhà máy ở Flint đã thâu tóm nhà máy Fisher số 1 và Fisher số 2. Chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ quá trình sản xuất của GM bị đình trệ.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 9/1/1937, công nhân của Cadillac lại tổ chức đình công, tiếp đến vào ngày 12/1, nhà máy Fleetwood cũng ngừng hoạt động, sau đó lần lượt tất cả các nhà máy khác của GM ở Michigan; St. Louis; Buffalo, Oakland; California; Anderson, India; Norwood, Ohio; Janesville, Wisconsin và Oshawa, Ontario đồng loạt biểu tình. Đến cuối tháng 1/1937, đã có khoảng 125.000 công nhân nghỉ việc khiến 50 nhà máy của GM phải đóng cửa.
Không nhân nhượng, GM “lôi” UAW ra tòa. Do đã đút lót cho quan tòa 200.000USD giá trị cổ phiếu của GM tại thời điểm đó, GM thắng kiện. Tóa án ra lệnh buộc tất cả công nhân phải rời khỏi nhà máy và chấm dứt đình công. Phong trào đấu tranh tạm thời lắng xuống.
Tuy nhiên không lâu sau, các cuộc đấu tranh lại diễn ra ngày một khốc liệt hơn do tình trạng bóc lột vẫn tiếp diễn trong các nhà máy và công đoàn công nhân phát hiện ra hành động gian lận nói trên của GM.
Tổ chức UAW địa phương liên tục tuyển thêm người, ở một số nơi, cảnh sát và bảo vệ các nhà máy còn dùng súng và vũ lực để đàn áp khiến nhiều công nhân bị thương nặng.
Trước tình hình đó, Frank Murphy, Đảng viên đảng Dân chủ và là thống đốc bang Michigan đã yêu cầu lực lượng quân đội và đội cảnh vệ các nhà máy ở Flint không dùng vũ lực để cản phá các cuộc biểu tình mà yêu cầu họ phải tìm cách giải quyết êm thấm trong hòa bình.
Dưới sức ép từ nhiều phía, GM chấp nhận đàm phán và sau đó phải đồng ý để UAW làm đại diện đàm phán cho công nhân, đồng thời tăng lương cho họ.
Cuối cùng, sau 44 ngày đêm đấu tranh không mệt mỏi, công nhân đã dành được thắng lợi vẻ vang. Đây được xem là chiến thắng đầu tiên có ý nghĩa nhất, mở đầu cho một loạt các phong trào đấu tranh về sau của UAW.
Thêm Chrysler gia nhập UAW
Không lâu sau khi GM thừa nhận sự tồn tại của UAW, công nhân tại các nhà máy của Chrysler cũng đồng loạt chiếm xưởng đòi quyền lợi.
Ngày 8/3/1937, hơn 60.000 công nhân 6 nhà máy của Chrysler bao gồm Dodge Main, Jefferson, Plymouth, Dodge Truck, Kercheval và DeSoto đã tự ý nghỉ việc và tổ chức đình công.
Bên ngoài nhà máy, công nhân mang theo khẩu hiệu “cứu đói”, “tăng lương, giảm giờ làm”,… vây kín các lối ra vào. Bên trong, công nhân chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm tự chọn một nhóm trưởng có trách nhiệm đề ra kế hoạch hoạt động cũng như nhiệm vụ của từng người. Họ chiếm lĩnh các trạm điện thoại, lập hệ thống liên lạc hoàn chỉnh từ trong nhà máy ra bên ngoài. Cứ như thế, họ ở trong nhà máy 17 ngày liền.
Chrysler và chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để đánh bại công nhân, xin lệnh tòa án buộc công nhân phải ra khỏi nhà máy để bảo toàn tài sản riêng của Chrysler, thậm chí còn nhờ đến lực lượng cảnh sát đàn áp dã man nhưng cũng không thể khiến cho phong trào đấu tranh lắng xuống.
Biết không thể thắng, Chrysler đã thay đổi thái độ. Hãng này đồng ý đàm phán với công nhân. Vào ngày 24/3, một lần nữa UAW lại dành thắng lợi. Công nhân của Chrysler được tăng lương và UAW trở thành đại diện hợp pháp, có trách nhiệm đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân các nhà máy Chrysler.
“Chinh phục” Ford Motors
Trên đà thắng thế, UAW lại tiếp tục “chinh phục” Ford Motors. Cuối năm 1937, công nhân nhà máy River Rouge đình công biểu tình đòi Ford gia nhập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, Henry Ford là một người rất bảo thủ và gia trưởng, ông không chấp nhận lời đề nghị đó.
Henry đã thành lập Ford Service, một lực lượng cảnh vệ gồm khoảng 3.000 người chuyên làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát, thậm chí dùng vũ lực can thiệp hoạt động chống lại Ford của công nhân. Giữa năm 1937 và 1941, Ford đã sa thải khoảng 4.000 lao động.
Năm 1933, Franklin Delano Roosevelt đắc cử tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ và thiết lập chương trình New Deal nhằm cung ứng cứu trợ cho người thất nghiệp, phục hồi kinh tế, và ký Đạo luật về khôi phục nền Công nghiệp Quốc Gia buộc các ngành công nghiệp phải tuân thủ bộ quy tắc ấn định cơ chế vận hành cho mọi công ty như giá sàn, thỏa hiệp tránh cạnh tranh và định mức sản xuất nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù hầu hết các nhà sản xuất khác đồng ý chấp hành bộ luật này nhưng Henry Ford từ chối.
Con trai của Henry, Edsel Ford, thời điểm ấy đã là chủ tịch của Ford Motors không muốn chống đối chính phủ nhưng cha ông, một thành viên của ban quản trị lại kịch liệt phản đối. Cũng vì bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ trong cách thức quản lý, Henry Ford càng ngày càng xa cách con trai và phụ thuộc nhiều hơn vào Harry Bennett, một người đã hợp tác với ông từ lâu.
Cuối những năm 1930, Ford chỉ định Bennett làm giám đốc chịu trách nhiệm về nhân sự, các quan hệ lao động và quan hệ đối ngoại của công ty. Ông này sau đó đã thực thi nhiều chính sách bóc lột dã man công nhân các nhà máy.
Ngày 2 tháng 4 năm 1941, Andy Dewar, công nhân của nhà máy Rouge River sau khi tranh luận với một quản đốc về điều kiện làm việc không thành đã nổi dậy làm thay đổi lịch sử công nhân ở Ford. Dewar đã kêu gọi các đồng nghiệp tổ chức đình công khiến toàn bộ dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động.
Nhờ sự ủng hộ của UAW, làn sóng biểu tình lan rộng khắp các nhà máy với sự tham gia của hơn 50.000 người. Không chịu thua, Henry và Bennet cho tổ chức nhiều cuộc đàn áp sử dụng vũ lực để UAW tránh xa lãnh địa của Ford nhưng không thành công, làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao.
Lo sợ sẽ nổ ra một vụ bạo lực thật sự, vợ Henry, bà Clara đã yêu cầu chồng phải hợp tác với Công đoàn, bà doạ sẽ rời bỏ gia đình nếu ông không chấm dứt được làn sóng đình công.
Dưới sức ép của con trai và vợ, Henry Ford cuối cùng đã phải đồng ý thu nhận những kiến nghị bên trong các nhà máy. Tháng 5 năm 1941, Ford Motor Co. và UAW trở thành một nghiệp đoàn hợp nhất. Một bản thoả thuận đã được ký kết vào tháng 6/1941, người lao động được tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và có quyền tham dự vào việc định hướng các chính sách của Ford.
Các cuộc đấu tranh qua đi, UAW đã có được vị trí nhất định trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô, công nhân các nhà máy được tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Nhưng không dừng lại ở đó, UAW vẫn tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình, đấu tranh tổ chức công đoàn cho công nhân các ngành công nghiệp khác trên toàn nước Mỹ như ngành sản xuất xe đạp, ngành sản xuất thép…