Theo đơn phản ánh gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Trung và bà Nguyễn Thị Lan Hạ cho biết, vợ chồng ông là người khởi kiện UBND quận Bình Thạnh trong vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Vụ án đã được TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án bằng bản án số 281/2019/HC-PT, ngày 21/5/2019. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay UBND quận Bình Thạnh vẫn “chây ì” không chịu thi hành án.
Theo hồ sơ vụ án mà ông Trung cung cấp, ngày 18/6/2003, UBND TP HCM có Quyết định số 2720/QĐ-UB về việc thu hồi đất và giao cho Công ty Thanh niên xung phong diện tích 13.070 m2 tại phường 22, quận Bình Thạnh để đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng Lô 13 – 14, trong đó có một phần diện tích đất nhà ông Trung.
Ngày 30/09/2010, UBND quận Bình Thạnh có Quyết định số 6111/QĐ-UBND-QTĐT về đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 khu phức hợp cao tầng văn phòng thương mại dịch vụ và căn hộ của Công ty CP Đầu tư Vinh Phát. Theo quyết định này, Công ty CP Đầu tư Vinh Phát tổ chức thực hiện tốt công tác đền bù giải tỏa, tái định cư, tiếp tục hoàn tất thủ tục sử dụng đất và xây dựng cơ bản.
Ngày 06/06/2013, ông Nguyễn Tấn Trung và bà Nguyễn Thị Lan Hạ nhận được Quyết định 5763/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 của UBND quận Bình Thạnh về bồi thường hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng đổi với căn nhà số 136 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh.
Tuy nhiên, gia đình ông không đồng ý với việc áp giá bồi thường vì cho rằng giá bồi thường quá thấp so với giá trị thị trường. Gia đình ông đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới UBND TP HCM, UBND quận Bình Thạnh đề nghị được đối thoại về việc áp giá đền bù phần đất nhà ông.
Sau nhiều năm khiếu nại từ các cấp, UBND quận Bình Thạnh ra một loạt các quyết định nhằm thay đổi các mức giá bồi thường cho gia đình ông.
Ông Nguyễn Tấn Trung chỉ cho phóng viên diện tích đất của gia đình ông bị thu hồi, đền bù không thỏa đáng. |
Qua nhiều lần giải quyết khiếu nại, sửa đổi, bổ sung quyết định của UBND quận, không bằng lòng với con số áp giá của UBND quận Bình Thạnh nên ông Trung, bà Hạ đã khởi kiện Quyết định 5763/2013/QĐ-UBND ngày 15/06/2013, với nội dung áp giá bồi thường về đất 54 triệu đồng/m2 không thỏa đáng.
Ngày 21/05/2019, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Tại phiên tòa phúc thẩm Hội đồng xét xử nhận định, việc UBND TP có Quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Thanh niên xung phong để đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng Lô 13 – 14. Thế nhưng sau đó UBND TP lại có Quyết định điều chỉnh bổ sung giao phần đất đã thu hồi cho Công ty CP đầu tư Vinh Phát để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, ông Trung không được bố trí tái định cư tại chỗ mà được bố trí tái định cư tại địa phương khác, còn dự án Khu nhà ở cao tầng Lô 13 – 14 lại được đơn vị chủ quản bán với giá kinh doanh. Qua đó có cơ sở khẳng định rằng dự án trên có mục đích thương mại, nên phải bồi thường theo giá thỏa thuận.
Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM |
Đối chiếu với quy định trên thì UBND quận Bình Thạnh công bố phương án bồi thường vào năm 2009 nhưng mãi đến năm 2013 mới ban hành quyết định bồi thường. Tuy nhiên lại áp giá bồi thường theo phương án năm 2009 là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Tại thời điểm này, giá đất theo Ngân hàng thẩm định giá thì cao hơn 54 triệu đồng/m2.
Do đó, TAND cấp cao đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn Trung, bà Nguyễn Thị Lan Hạ hủy một phần Quyết định số 5763/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 của UBND quận Bình Thạnh về việc áp giá bồi thường 54 triệu đồng/m2.
“UBND quận Bình Thạnh, TP HCM thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật phải ban hành lại quyết định theo quy định của pháp luật”, bản án nêu rõ.
Mặc dù bản án đã có hiệu lực từ ngày 21/05/2019, nhưng đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa thi hành bản án với lý do “đã có đơn nghề nghị Giám đốc thẩm nên chưa thi hành án”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trung bức xúc cho biết, “từ khi bị cưỡng chế phá dỡ nhà, thu hồi đất cho đến nay cuộc sống của gia đình ông và một số hộ dân khác vô cùng khó khăn, phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, đợi đến ngày nhận được tiền đền bù, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, khi có quyết định của tòa án rồi UBND quận Bình Thạnh vẫn không chịu thi hành án, không hiểu vì lý do gì mà đến nay họ lại cố tình “chây ì”, vô trách nhiệm, không thực hiện việc họ bắt buộc phải làm”.
Về phía UBND quận Bình Thạnh, trước nghĩa vụ phải thi hành theo bản án, cơ quan này vẫn không thể hiện sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, gây ra sự thất vọng cho người dân. Việc cơ quan nhà nước "chấp pháp" nhưng lại không thực hiện bản án của TAND thì làm sao thuyến phục được người dân phải thực hiện đúng pháp luật?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.