UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương tăng xử lý vi phạm Luật Đê điều

(HPĐT)- Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ vụ việc được xử lý thấp, đặc biệt tình trạng lấn chiếm hành lang đê ở khu vực lòng sông, bãi sông diễn biến phức tạp.

(HPĐT)- Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ vụ việc được xử lý thấp, đặc biệt tình trạng lấn chiếm hành lang đê ở khu vực lòng sông, bãi sông diễn biến phức tạp. Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND thành phố có chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường xử lý vi phạm Luật Đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi do ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn thành phố

UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo kiểm tra, xử lý cương quyết, dứt điểm các trưởng hợp vi phạm, không để kéo dài, tái vi phạm, rà soát việc giao đất, cho thuê đất ven sông và hành lang bảo vệ đê, kiên quyết thu hồi, kiến nghị thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ. Các địa phương cần phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT, Công an thành phố và các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp xử lý vi phạm luật về đê điều và PCLB. Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp – PTNT, Sở Giao thông- Vận tải và UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép các hoạt động thăm dò, khai thắc, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông sai phép, trái phép. Công an thành phố chủ trì, kiểm tra xác minh các trường hợp vi phạm nghiêm trọng kéo dài, truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp –PTNT chỉ đạo lực lượng quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, đồng thời sở chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị này. Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện lập quy hoạch bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông, bảo đảm yêu cầu an toàn đê điều, thoát lũ…

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố tồn tại hơn 4200 trường hợp vi phạm Luật đê điều chưa được xử lý. Trong đó, có 2157 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê 5 m. Vi phạm trước năm 1990 là 2983 trường hợp, tư năm 1991 đến 2000 là 962 trường hợp và từ năm 2001 đến nay là 455 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu là lập bãi tập kết vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng xây dựng nhà xưởng, công trình trong hành lang bảo vệ đê. Các địa phương xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm Luật Đê điều hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở các địa phương không kiên quyết, dứt điểm nên việc vi phạm ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong 10 năm trở lại đây, trong số 811 vị vi phạm mới phát sinh mới có 356 vụ được xử lý, bằng hơn 30% số vụ vi phạm mới. Trong khi đó, tình trạng vi phạm cũ không xử lý được còn nhiều và kéo dài nhiều năm. Các địa phương có tình trạng vi phạm nhiều là Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến An…/.

Đọc thêm