UBND tỉnh Khánh Hòa cấp GCN đầu tư mới cho "DA tai tiếng"

Ngày 16/4/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa (tỉnh KH) cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCN ĐT) số 37121000389 cho Công ty CP Du lịch Trọng Điểm Nha Trang (Cty DLTĐNT) để thực hiện dự án (DA) Champarama Resort & Spa thay cho DA Rusalka cũ gây nhiều tai tiếng và tranh chấp.

Ngày 16/4/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa (tỉnh KH) cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCN ĐT) số 37121000389 cho Công ty CP Du lịch Trọng Điểm Nha Trang (Cty DLTĐNT) để thực hiện dự án (DA) Champarama Resort & Spa thay cho DA Rusalka cũ gây nhiều tai tiếng và tranh chấp.

Dự án Rusalka đã để hoang 8 năm nay

Giữa năm 2005 ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Rus – Invest – Tur (RIT) bị bắt, nên các công trình đang xây dựng và khoảng 46 ha đất tại Rusalka bị kê biên, Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của DA này bị các cơ quan chức năng thu hồi. Đầu năm 2010, ông Chi được trả tự do và đề nghị thành lập Cty DLTĐNT để tiếp tục thực hiện DA Rusalka.

Ngày 27/10/2011, tỉnh KH ra Thông báo số 389/TB-UBND về thanh lý DA Rusalka. Từ đây bắt đầu xảy ra sự phản đối, khiếu nại quyết liệt từ các chủ nợ của DA này, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng & Xây lắp thương mại BMC (BMC) trực thuộc Bộ Công thương. Công ty này vừa là nhà thầu chính, vừa là chủ nợ lớn nhất của RIT đã cho rằng có sự khuất tất, mập mờ, chỉ làm lợi cho ông Chi từ thông báo thanh lý trên.

Vấn đề hậu DA Rusalka cũng như sự khiếu nại liên tục của BMC nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngày 13/2/2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo bằng Công văn số 141/VPCP-KNTN: “….Yêu cầu Chủ tịch tỉnh KH phải khẩn trương thực hiện việc thanh lý DA và giải quyết dứt điểm các khiếu nại của tổ chức, cá nhân có liên quan; sau đó mới quyết định lựa chon nhà đầu tư mới theo quy định để tránh thất thoát tài sản Nhà nước và thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan”.

Nhưng cho đến bây giờ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của BMC chưa được giải quyết, cũng như tỉnh KH chưa có một văn bản nào để trả lời chính thức về những nội dung khiếu nại của BMC, thì BMC bất ngờ nhận được tin tỉnh KH vừa cấp GCNĐT mới cho DA cũ này. Thực chất, DA Champarama Resort & Spa đã về tay chủ cũ bởi Cty DLTĐNT do ông Nguyễn Đức Tấn (em ruột ông Chi) làm Giám đốc, còn ông Chi làm Chủ tịch HĐQT.

Theo GCNĐT thì nhà đầu tư cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của RIT. Ngay sau khi biết thông tin trên, trong các ngày 2 và 3/5/2013, Công ty BMC đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng để phản đối những hành vi hành chính và quyết định hành chính của tỉnh KH, cũng như tố cáo tỉnh KH có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình xử lý tồn tại khối tài sản của Nhà nước, của BMC và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời BMC gửi văn bản yêu cầu tỉnh KH tạm ngừng tất cả các hoạt động liên quan đến DA Rusalka cũ, nay đã được tỉnh này cấp cho CtyDLTĐNT để chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo mà BMC vừa gửi đi.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty BMC phân tích: “Tỉnh KH đã cấp GCNĐT để giao các tài sản thuộc DA Rusalka do các nhà thầu đã bỏ tiền xây dựng nên, cho Cty DLTĐNT mà không có phương án bồi thường cho những chủ thể có tài sản, có quyền lợi bị DA tác động là không đúng. Mặt khác, việc tỉnh KH chuyển toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của chủ đầu tư cũ là RIT sang CtyDLTĐNT kế thừa mà không được sự chấp thuận của những chủ thể có quyền như BMC là vi phạm quy định của Điều 315 Bộ Luật Dân sự 2005”.

Ông Ngọc cho biết thêm: “Theo luật, chủ thể được giao tài sản, giao đất (hoặc cho thuê đất), thì phải có phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải tiến hành bồi thường cho các chủ thể có quyền lợi bị xâm phạm trước khi đầu tư DA. Nhưng tỉnh KH chỉ yêu cầu Cty DLTĐNT cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của RIT, đây là yêu cầu chung chung, không cụ thể vì việc thanh toán nợ phải phụ thuộc nhiều yếu tố như: Khả năng tài chính, thời hạn trả nợ, ai đứng ra giải quyết, bảo lãnh cho việc thanh toán này và sẽ chịu hình thức chế tài nào khi pháp nhân cố tình không trả nợ… Những yếu tố quan trọng này chưa được tỉnh KH làm rõ trong GCNĐT. Vì thế, BMC sợ vấn đề này lại quay về “điệp khúc” cũ là việc dân sự các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa”.

Trong các đơn khiếu nại, Công ty BMC chỉ rõ những điều không minh bạch như: CtyDLTĐNT thực tế đăng ký kinh doanh ngày 16/12/2011, nhưng Thông báo số 389/TB-UBND ngày 27/10/2011 của tỉnh KH đã “thống nhất xem xét, lựa chọn CtyDLTĐNT là nhà đầu tư mới, tiếp tục thực hiện DA Rusalka. Điều này có nghĩa mặc dù chưa ra đời nhưng không hiểu sao công ty này đã được “chọn mặt gửi vàng” trước?.

Về Điều 4 của GCNĐT: “Vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, bao gồm: giá trị đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng…” Việc này theo BMC là không có cơ sở vì năm 2007, Chính phủ thành lập Hội đồng định giá tài sản DA Rusalka, kết luận tổng tài sản DA đã đầu tư chỉ hơn 131 tỷ đồng, toàn bộ giá trị này là vốn của 33 nhà thầu trong và ngoài nước, nay sao lại tăng lên thành 600 tỷ đồng sau khi bị bỏ hoang hóa 8 năm? Trong 131 tỷ đồng đó, BMC có 74 tỷ đồng (chiếm gần 56%) và đã từ lâu khiếu nại khắp nơi nhưng chưa được giải quyết. Còn CtyDLTĐNT chưa hề đầu tư một đồng nào vào DA này, vậy căn cứ vào đâu để chứng nhận vốn đầu tư như Điều 4 của GCNĐT?.

Một bức xúc nữa của BMC là tỉnh KH đã không khách quan như: Chưa một lần đồng ý làm việc với BMC (BMC từng có văn bản đề nghị được làm việc với tỉnh KH), không có quyết định giải quyết khiếu nại của BMC là trái với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Công văn số 8300/VPCP-KNTN ngày 22/11/2011 giao cho Chủ tịch tỉnh KH phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài Chính xem xét giải quyết khiếu nại của BMC theo quy định của pháp luật, nên buộc lòng BMC phải nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng nhằm tìm kiếm sự công bằng và lợi ích hợp pháp cho chính mình.

Lê Minh Hùng

Đọc thêm