Ngày 19-7-2010, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác triển khai phòng chống bão số 1. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bùi Đức Long, Trần Văn Chung; các đồng chí trong Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh; Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB, TKCN; giám đốc Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà tới dự. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Trạm bơm Đế, xã Đại Thắng (Vụ Bản) liên tục hoạt động phục vụ tiêu úng cho hơn 400ha lúa mới cấy của 2 xã Đại Thắng, Thành Lợi (Vụ Bản).
Ảnh: Đức Hoa
|
Bão số 1 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định chiều tối 17-7-2010, đã gây ra mưa to trên địa bàn tỉnh ta, làm ngập úng 39874 ha, bằng 75% diện tích lúa mùa mới cấy, trong đó có 27918 ha bị ngập trắng. Chủ động phòng chống bão số 1, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có 2 Công điện số 1 và số 2 ngày 16-7-2010 chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai toàn diện công tác phòng chống bão số 1. Đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT và cán bộ tăng cường đã cùng lãnh đạo các huyện ven biển đi kiểm tra, chỉ đạo, triển khai phòng chống bão. Đã thông báo và gọi 2365 tàu thuyền đánh bắt hải sản vào nơi tránh trú an toàn; yêu cầu 4139 người dân sống ngoài đê, các lều trông coi vây vạng, đồng bãi nuôi trồng thuỷ sản về nơi tránh trú bão. Công tác hộ đê bảo vệ các đoạn đê biển xung yếu như cống Phú Lễ, các đoạn đê đang thi công tu bổ nâng cấp đê biển; xử lý hố sạt đê Cồn Xanh (Nghĩa Hưng), mái kè Giao Phong (Giao Thuỷ)... xong trước trưa 17-7-2010. Với tổng số: 500 người, 23 máy thi công, 361 rọ thép, 956,6m3 đá hộc, 490 bao tải, 17654m2 bạt chống sóng, đã huy động để xử lý trước và sau bão. Trong các ngày 13 đến 15-7, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh đã tiêu rút nước đệm. Từ đêm 17-7 đến nay, các Cty đã bơm tát, tiêu thoát úng tích cực nên đến 10 giờ 30 ngày 19-7-2010 diện tích ngập úng toàn tỉnh chỉ còn 22802 ha, trong đó có 8817 ha lúa mùa ngập trắng. Tuy nhiên, công tác phòng chống bão số 1 còn nhiều tồn tại như: Kiểm soát tàu thuyền ra khơi và sơ tán dân chưa triệt để; một số công trình thi công còn chậm, ảnh hưởng đến công tác PCLB, tưới tiêu phục vụ sản xuất; điện cung cấp phục vụ phòng, chống úng ở một số thời điểm chưa liên tục... Thời gian tới các ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 10 ngày 18-7-2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chống úng cứu lúa mùa mới cấy. Tổ chức rút kinh nghiệm sau bão số 1, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới. Kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công đê điều bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, có phương án bảo vệ an toàn khi thiên tai xảy ra. Tổ chức tốt công tác thường trực chống lụt bão, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả nhanh ngay từ giờ đầu, tập trung cho "4 tại chỗ".
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp tổ chức rút kinh nghiệm ngay việc phòng chống và bài học rút ra cho địa phương mình, ngành mình từ cơn bão số 1; từ tỉnh đến các huyện phải rà soát lại các phương án và bổ sung đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ". Các huyện phải tổ chức sở chỉ huy PCLB-TKCN tuyến I, tuyến II cố định, có đăng ký số điện thoại từng tuyến với Sở chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh; phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh - huyện - các thành viên Ban PCLB-TKCN cả trước, trong và sau bão; thực hiện nghiêm túc Công điện số 10 của UBND tỉnh tiêu úng tốt sau bão. Giao cho Sở NN-PTNT chuẩn bị đầy đủ vật tư như đá, rọ thép, bao tải... về gần các trọng điểm và có địa chỉ cụ thể; cùng với Sở Tài chính bảo đảm các chế độ, chính sách cho những người tham gia phòng chống cơn bão số 1. Tổ chức hàn gắn ngay những điểm kè bị sập đúng kỹ thuật, chất lượng; giao cho Khí tượng thuỷ văn tỉnh bám sát trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, tham khảo các đài quốc tế để tham mưu cho tỉnh đúng, trúng và kịp thời./.
Tất Thắc